menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Y tế hướng dẫn quản lý sức khỏe người cao tuổi phòng, chống dịch Covid

10:34 13/04/2020

Vinanet - Bộ Y tế ra Quyết định số 1588/QĐ-BYT ngày 07/4/2020 về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19 và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng.

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, bởi vậy, ngăn ngừa sự lây lan bệnh là giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch.

Theo các số liệu thống kê nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc COVID-19, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc COPD; 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư. Trong khi đó, tám trong số 10 ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ là người cao tuổi. Tại Việt Nam, có 17/245 trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đều là người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền mạn tính.

Theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định này, để phòng tránh dịch Covid-19 và dịch bệnh nói chung, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần:
- Thay đổi các hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia;
- Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng (1700-1900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh (đủ cả tinh bột, đạm, chất béo cả động vật và thực vật, vitamin và khoáng chất), nhiều rau xanh;
- Uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1200 -1800 ml/ngày);
- Đảm bảo ăn 3 - 4 bữa/ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp, nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1 - 2 cốc mỗi ngày;
- Nên ăn ít thịt, thay bằng cá, tôm, cua. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 03 bữa cá, 03 quả trứng, ăn thêm sữa chua. Nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, trong đó chất béo thực vật chiếm khoảng 35% tổng lượng chất béo trở lên;
- Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout... cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị;
- Bổ sung thêm các vitamin C, D để tăng cường sức khỏe trong điều kiện cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội dài ngày;
- Tăng cường các hoạt động trong nhà, ngoài trời, quanh nhà trong phạm vi sức khỏe cho phép như đi bộ, tập thể dục quanh nhà, làm vườn với thời lượng ít nhất 30 phút/ngày và 05 ngày/tuần.
- Với những người bị hạn chế vận động, cần tăng cường luyện tập tại chỗ trên giường tuỳ theo điều kiện cho phép; hướng dẫn người chăm sóc xoa bóp, hỗ trợ tập luyện, phục hồi chức năng.
Bên cạnh đó, 100% hộ gia đình có người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính trên địa bàn phải thực hiện khai báo và thường xuyên cập nhật thông tin về sức khoẻ cho các thành viên. Đồng thời, hẹn lịch cấp phát thuốc định kỳ tại trạm y tế vào một số ngày cố định cho người nhà bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đến nhận thuốc (phát thuốc cho người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính dùng tối thiểu 2 tháng).
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người cao tuổi và bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy sử dụng phương tiện cá nhân, không sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi; tránh các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Tránh tham gia các sự kiện gia đình có đông người như thăm hỏi, gặp gỡ, liên hoan, hội hè, hiếu hỉ.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 1588/QĐ-BYT tại đây.

Nguồn:VITIC