Một số thông tin chung về vụ việc:
- Sản phẩm bị điều tra: xe nâng hạ bằng tay và các bộ phận thiết yếu của sản phẩm này (khung gầm và bộ phận thủy lực) có mã CN: 8427.90.00 và 8431.20.00.
- Nguyên đơn: Công ty PR Industrial SRL và Công ty Toyota Material Handling Europe.
Trước đó, ngày 06 tháng 6 năm 2017, một số doanh nghiệp tại Liên minh Châu Âu - EU (nguyên đơn) đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá tới EC đối với sản phẩm nêu trên.
Trước đó, vào năm 2005, sau khi tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với cùng chủng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc, EC đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế từ 7,6 – 46,7%. Năm 2009, EC tiến hành điều tra và áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Thái Lan (mức thuế áp dụng là 46,7%). Năm 2011, EC tiến hành rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế đối với Trung Quốc và quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với mức thuế suất cũ, cũng như duy trì mức thuế 46,7% đối với Thái Lan. Năm 2013, EC tiến hành rà soát hành chính lệnh áp thuế nêu trên, và quyết định điều chỉnh mức thuế lên 70,8% đối với cả Trung Quốc và Thái Lan.
Theo thông báo khởi xướng điều tra, nguyên đơn đã cáo buộc rằng có sự tăng đáng kể về lưu lượng thương mại liên quan tới việc xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Trung Quốc và Việt Nam vào EU sau khi lệnh áp thuế năm 2013 nêu trên có hiệu lực mà không có bất kỳ lý do hợp lý nào khác ngoài mục đích nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá này. Theo đó, nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam để lắp ráp thêm rồi xuất khẩu sang EU. Theo đơn kiện, theo số liệu nhập khẩu của Eurostat, lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh từ năm 2011 (ít hơn 1000 đơn vị) lên hơn 73 000 đơn vị năm 2016. Nguyên đơn cáo buộc rằng lượng nhập khẩu từ Việt Nam mà tăng trong giai đoạn từ 2012-2013, xung quanh khoảng thời gian EC tiến hành rà soát hành chính mà dẫn tới việc sửa đổi tăng thuế chống bán phá giá với Trung Quốc từ 46,7% lên 70,8%.
Cũng theo thông báo khởi xướng, nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ các bằng chứng sơ bộ chứng minh việc lắp ráp thêm này cấu thành hành vi lẩn tránh thuế, theo đó các bộ phận của Trung Quốc chiếm trên 60% tổng trị giá sản phẩm lắp ráp và trị giá gia tăng trong quá trình lắp ráp thấp hơn 25% chi phí sản xuất.
Hơn nữa, đơn kiện cũng có đầy đủ chứng cứ cơ bản cho thấy các tác động của biện pháp chống bán phá giá hiện có đối với sản phẩm liên quan đang bị suy yếu cả về mặt số lượng và giá cả. Khối lượng nhập khẩu đáng kể của sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam dường như đã thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, đơn kiện cũng có đầy đủ bằng chứng sơ bộ cho thấy sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam có mức giá thấp hơn mức giá không gây thiệt hại được tính toán trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc. Cuối cùng, đơn kiện cũng có đầy đủ chứng cứ cơ bản cho rằng giá của sản phẩm bị điều tra là bán phá giá so với trị giá thông thường đã được xây dựng trước đó .
Nếu ngoài hành vi lắp ráp nêu trên, trong quá trình điều tra nếu cơ quan điều tra có phát hiện ra các hành vi khác thì các hành vi này cũng sẽ thuộc diện bị điều tra.
Sau khi xem xét đơn kiện, EC đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc và các sản phẩm bị điều tra xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải tiến hành đăng ký khi nhập khẩu để đảm bảo rằng trong trường hợp EC kết luận có lẩn tránh thuế, một khoản thuế chống bán phá giá thích hợp sẽ được thu đối với các lô hàng này kể từ ngày đăng ký.
Để thu thập thông tin cần thiết cho cuộc điều tra, EC sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các hiệp hội và nhà sản xuất/xuất khẩu sản phẩm bị điều tra được biết đến của Việt Nam; các hiệp hội và nhà nhập khẩu sản phẩm bị điều tra được biết đến của EU cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Trung Quốc.
Các bên liên quan muốn nhận bản câu hỏi điều tra phải gửi yêu cầu tới EC trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra thông báo khởi xướng điều tra. Thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra là 37 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, trừ trường hợp được gia hạn.
Các bên liên quan có thể bày tỏ quan điểm đối với vụ việc cũng như cung cấp bằng chứng bằng văn bản cho cơ quan điều tra EC. EC có thể tổ chức phiên điều trần để lắng nghe quan điểm của các bên liên quan trong trường hợp các bên liên quan có đề nghị bằng văn bản và lý do rõ ràng về việc cần thiết phải tổ chức phiên điều trần gửi tới EC trong vòng 37 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Các nhà sản xuất sản phẩm bị điều tra của Việt Nam có thể được miễn việc đăng ký khi nhập khẩu vào EU nếu chứng minh được rằng họ không có bất kỳ liên quan nào với các nhà sản xuất bị áp dụng biện pháp và không tham gia vào các hoạt động lẩn tránh thuế. Các nhà sản xuất muốn được miễn đăng ký phải nộp đơn yêu cầu và các bằng chứng chứng minh cho EC trong vòng 37 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Trong trường hợp các bên liên quan từ chối tham gia hoặc không cung cấp thông tin đúng thời hạn hoặc gây cản trở đáng kể đến việc điều tra; cung cấp thiếu hoặc cung cấp thông tin sai lệch, sẽ bị coi là không hợp tác/ hợp tác không đầy đủ và EC sẽ sử dụng các thông tin có sẵn bất lợi (fact available) để ra kết luận về vụ việc.
Ngoài ra, theo quy định của EC về việc bảo mật các thông tin hạn chế (limited information), các văn bản chứa thông tin hạn chế phải được gắn nhãn “Limited”, và các bên phải cung cấp một bản tóm tắt không mật các thông tin trên, trong đó phải cung cấp đầy đủ để cho phép hiểu một cách hợp lý về nội dung của thông tin hạn chế, nếu không các thông tin hạn chế đã cung cấp có thể không được xem xét.
Căn cứ theo quy định, EC sẽ ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 9 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài – Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền – Hà Nội
Điện thoại: (04)222. 05012 (chị Ngô Thu Phương); Fax: (04)222.05003
Cục Quản lý cạnh tranh
Nguồn: vietnamexport.com