menu search
Đóng menu
Đóng

Một số chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực Y tế, KHCN, du lịch

16:27 06/08/2019

Vinanet - Đầu tháng 8/2019, nhiều chính sách mới quan trọng chính thức có hiệu lực liên quan đến các lĩnh vực như Y tế, KHCN, du lịch...
1. Để khách trốn ở lại nước ngoài, công ty du lịch bị phạt tới 90 triệu đồng
Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, công ty du lịch sẽ bị phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng nếu để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài trái phép; sử dụng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của mình để hoạt động kinh doanh…
2. Tù nhân mắc bệnh hiểm nghèo được đề nghị đặc xá
Theo quy định tại Nghị định 52/2019/NĐ-CP, người bị kết án phạt tù đang mắc một trong các bệnh hiểm nghèo (ung thư giai đoạn cuối, liệt; lao năng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên…) nguy cơ tử vong cao thì được đề nghị đặc xá.
Bên cạnh đó, một số trường hợp khác cũng được đề nghị đặc xá theo Nghị định này như cứu người trong hỏa hoạn, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất, có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt…
3. Phạt tới 30 triệu đồng nếu tặng thưởng KHCN để thu lợi bất chính
Nội dung này được quy định tại Điều 14 Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.
Theo đó, cá nhân có hành vi đặt, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ để thu lợi bất hợp pháp hoặc cho các công trình nghiên cứu có nội dung pháp luật cấm sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Tổ chức có cùng hành vi vi phạm này thì mức phạt gấp 02 lần.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc buộc hủy bỏ kết quả công nhận giải thưởng và cải chính thông tin sai sự thật.
4. Ban hành mới tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị y tế chuyên dùng
Nội dung này được quy định chi tiết tại Thông tư 08/2019/TT-BYT và chính thức được áp dụng từ hôm nay.
Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương hoặc các Bộ, ngành khác phải đảm bảo có 01 máy X quang kỹ thuật số chụp tổng quát/cơ sở; tối đa 02 hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)/cơ sở; 01 máy siêu âm tổng quát/đơn vị…(có yêu cầu của từng loại máy, thiết bị kèm theo).
5. Người bồi dưỡng thực hành lâm sàng phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm
Điều 3 Thông tư 11/2019/TT-BYT nêu rõ yêu cầu đối với giảng viên bồi dưỡng cho người giảng dạy thực hành lâm sàng, đó là:
- Có trình độ đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành trong khối ngành sức khỏe;
- Có kinh nghiệm giảng dạy lâm sàng thuộc chuyên ngành tương ứng tối thiểu 05 năm, tính đến thời điểm tham gia bồi dưỡng cho người giảng dạy thực hành;
- Có chứng chỉ phương pháp dạy - học (nghiệp vụ sư phạm và sư phạm y học cơ bản hoặc phương pháp sư phạm y học) hoặc đã dạy môn học Phương pháp giảng dạy đại học trong khối ngành sức khỏe từ 05 năm trở lên.