menu search
Đóng menu
Đóng

Nâng cao hiệu quả quản lý toàn diện về ôtô

07:46 31/05/2017

Vinanet - Đây là mục đích của Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Khắc phục bất cập
Đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, ôtô là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng (NTD); ảnh hưởng đến môi trường cả trong quá trình lưu hành và khi hết hạn sử dụng.
Mặt khác, trước khi Luật Đầu tư được ban hành, sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cũng như bảo hành, bảo dưỡng ôtô về bản chất đã là ngành nghề kinh doanh cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Tuy nhiên quy định hiện hành của pháp luật vẫn còn chung chung, chưa có chế tài đối với các nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ôtô gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như bảo vệ NTD.
Đơn cử như việc xác định hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của ôtô được tính theo phương pháp dựa trên giá trị linh kiện chưa bảo đảm tính chính xác, phù hợp với các thông lệ quốc tế, chưa bảo đảm quyền lợi cho các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước khi xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia thành viên có cam kết.
Hay các quy trình, thủ tục liên quan đến đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểm tra chất lượng linh kiện, phụ tùng và xe đưa vào lưu thông đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN). Đối với ôtô nhập khẩu, quy định trên chưa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm ngặt và hạn chế các dòng xe nhập khẩu kém chất lượng, lọt vào thị trường nội địa gây ảnh hưởng đến NTD cũng như an toàn môi trường.
Bảo vệ quyền của người tiêu dùng
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về việc bổ sung đưa ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô và bảo hành, bảo dưỡng ôtô là các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định với 3 mục đích: Thứ nhất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NTD và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường. Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh. Thứ ba, khuyến khích các DN đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ôtô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ôtô, phù hợp mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đặt ra trong chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ôtô, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 và Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 24/07/2014.
Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương, 39 Điều bao gồm các quy định chi tiết về điều kiện sản xuất, lắp ráp; kinh doanh nhập khẩu; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô; trách nhiệm quản lý nhà nước và các điều khoản thi hành, tổ chức thực hiện.
Cũng theo đại diện Vụ Công nghiệp nặng, quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định tuân thủ đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Dự thảo cũng được công bố công khai, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN bằng nhiều hình thức và được Bộ Tư pháp thẩm định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ban hành các quy định đối với quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ôtô là cần thiết và cấp bách vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ NTD cũng như môi trường; đồng thời tạo sự bình đẳng giữa các DN, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử