menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp: Thêm sức hút đầu tư

11:15 07/06/2017

Vinanet - Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt và ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) (Nghị định số 68). Văn bản này là định hướng giúp Bộ Công Thương “tháo” những điểm nghẽn trong quản lý cũng như thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CCN.

 

Nhiều hạn chế
Thời gian qua, việc đầu tư phát triển CCN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng - kỹ thuật CCN tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, các cụm phục vụ di dời, giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề. Nguyên do bởi suất đầu tư quá lớn trong khi khả năng thu hồi vốn chậm, thủ tục phức tạp, chính sách hỗ trợ chưa đủ sức hấp dẫn.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng đã phê duyệt thực hiện Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, CCN, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg. Trong đó có cơ chế ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng-kỹ thuật CCN.
Tuy nhiên qua quá trình thực hiện, cơ chế này dần bộc lộ hạn chế. Cụ thể, chỉ có 41 địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ, mỗi địa phương 1 CCN với mức không quá 50 tỷ đồng. Trong khi đó, các địa phương có nhiều CCN phục vụ di dời, giải quyết ô nhiễm môi trường và các CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng rất cần hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chung, nhất là công trình xử lý nước thải. Hơn nữa, cơ chế này chỉ quy định chung mà không được quản lý chặt chẽ trong chương trình cụ thể, do một cơ quan đầu mối quản lý về CCN chịu trách nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện.
Mặt khác, đã có nhiều địa phương, trong đó có các địa phương không thuộc đối tượng hỗ trợ của Quyết định số 40, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ… đã tự cân đối ngân sách nhưng không có cơ sở pháp lý hỗ trợ đầu tư hạ tầng -kỹ thuật các CCN.
Thêm sức hút
Để khắc phục những bất cập còn tồn tại đồng thời tăng sức hút cho đầu tư phát triển hạ tầng CCN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành Nghị định số 68. Văn bản này có định hướng rất cụ thể về công tác quản lý, đặc biệt cơ chế hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Theo đó, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng- kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 15 năm; vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Dự án đầu tư -sản xuất kinh doanh trong CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Với các CCN làng nghề, dự án đầu tư sản xuất -kinh doanh trong cụm được miễn tiền thuê đất 11 năm và xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm được miễn tiền thuê đất 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định số 68 cũng nêu rõ nội dung, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước với các CCN. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trên phạm vi cả nước có quyền hạn, trách nhiệm: Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn sau năm 2020 do ngân sách trung ương bảo đảm; xây dựng phương án ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN hàng năm và 5 năm; thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy hoạch, chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của CCN; xử lý kiến nghị của các địa phương về CCN…
Theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước.
Nguồn: Hải Linh/Báo Công Thương điện tử