menu search
Đóng menu
Đóng

Quản lý giá sữa: Bảo đảm minh bạch vì người tiêu dùng - Kỳ I: Đưa sữa về giá trị thực

08:57 12/04/2017

Vinanet - Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hướng để doanh nghiệp (DN) tự kê khai giá thay cho việc áp trần như thời gian qua.

Theo đó, quản lý theo hướng bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng (NTD); xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho DN… 

Doanh nghiệp gặp khó
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc quy định giá trần mặt hàng sữa thời gian qua là không hợp lý, gây thiệt hại lớn cho các DN sữa (sụt giảm cả số lượng bán ra lẫn doanh thu).
Số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho thấy, thị trường sữa công thức dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Việt Nam đã sụt giảm 11% về số lượng chỉ trong vòng 12 tháng từ khi quyết định áp giá trần có hiệu lực. Có DN đã phải đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam. Vì vậy, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG) - Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định.
Không chỉ đối với DN nước ngoài, trong hai năm áp dụng quản lý trần giá sữa, hầu hết các nhà sản xuất sữa trong nước cũng gặp khó khăn. Đại diện Công ty CP sữa Vinamilk cho rằng, áp trần giá sữa tạo ra một “sân chơi” không công bằng giữa các DN sản xuất và kinh doanh mặt hàng sữa; giá sữa bột của Vinamilk đang thấp hơn một nửa so với các sản phẩm cùng loại, có cùng chất lượng. Nếu tiếp tục bị áp giá trần xuống thấp hơn 20% so với giá bán hiện tại, thực sự DN gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam - về ngắn hạn, người mua được hưởng giá sữa thấp hơn nhờ việc áp giá trần. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, áp giá trần sẽ hạn chế việc đầu tư phát triển và cải tiến sản phẩm, giảm cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý cho NTD, đi ngược với quy luật cạnh tranh lành mạnh của kinh tế thị trường.

Tuân theo quy luật thị trường

Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Công Thương chính thức thay Bộ Tài chính tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có mặt hàng sữa. Bộ Công Thương ngay sau đó công bố kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng đến hết tháng 3/2017. Trong thời gian này, Bộ đã triển khai, làm việc với DN để xây dựng cơ chế quản lý giá sữa theo hướng bỏ áp trần, chuyển từ đăng ký giá sang kê khai giá đối với các sản phẩm sữa.
Trước diễn biến mới trong công tác quản lý, điều hành giá sữa, tâm lý chung của nhiều NTD là lo lắng giá sữa có thể tăng cao, thậm chí loạn giá sữa. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc loạn giá sữa không bắt nguồn từ việc áp hay bỏ giá trần mà do khâu quản lý còn yếu kém.
Theo PGS-TS. Ngô Trí Long, bỏ trần giá sữa là việc cần làm và đáng lẽ nên làm từ lâu, bởi việc áp trần giá sữa vừa qua là khiên cưỡng, đi ngược quy luật của thị trường. Đặc biệt, trong hội nhập kinh tế hiện nay, mỗi DN lại có nguồn cung nguyên liệu, sữa có công thức thành phần khác nhau nên việc áp chung một mức giá trần là bất hợp lý.
Thực tế, tại các cửa hàng, siêu thị hiện nay, nhiều mặt hàng sữa đang thực hiện bán thấp hơn giá trần. Như tại Big C, giá trần 1 hộp sữa bột Dielac Alpha Step 3 (900 gram) dành cho trẻ từ 1 - 2 tuổi là 176.924 đồng, giá bán đến tay NTD là 175.900 đồng; mặt hàng sữa Dielac Pedia 2+ (900 gram) có mức giá trần 294.000 đồng, trong khi giá bán là 293.500 đồng.
Chị Mai Hương - chủ đại lý kinh doanh sữa tại phố Minh Khai (Hà Nội) - cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án để DN tự kê khai giá. Theo phương thức này, cửa hàng không gặp khó khăn trong việc quản lý mặt hàng cũng như điều phối sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể lựa chọn cách bán hàng phù hợp nhất để giá sản phẩm đến tay NTD được tốt hơn”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Thị Hồng - Trưởng phòng Dự báo và cân đối cung cầu hàng hóa, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - khẳng định: Thời gian tới, sữa vẫn nằm trong những mặt hàng bình ổn giá. Bên cạnh đó, thị trường sữa là thị trường cạnh tranh với hàng trăm DN đang tham gia sản xuất và phân phối, việc tăng giá sữa lên quá cao sẽ làm các DN khó cạnh tranh hơn, giảm tỷ suất bán hàng. “Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tới thời điểm này, giá nguyên liệu đầu vào đang không nhiều biến động, có chăng chỉ sự thay đổi không đáng kể trong chi phí sản xuất (điện, nước, phí nhân công, tỷ giá…) nên lo lắng của NTD về việc giá sữa nhảy vọt sau khi bỏ giá trần là khó xảy ra” - bà Lê Thị Hồng nhấn mạnh!
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đang gấp rút hoàn thiện thông tư hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trên cơ sở những thông tư quy định thi hành Luật Giá của Bộ Tài chính.
Kỳ II: Quản lý từ “gốc”
Nguồn:Lan Anh - Thu Hà/Báo Công Thương điện tử