Trên cơ sở quy định về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, các thông số tính giá xăng dầu do Bộ Tài chính cung cấp, các quy định về trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu được kết cấu từ 02 nguồn trong nước và nhập khẩu theo tỷ trọng nguồn cung, phù hợp với thực tế giao dịch mua bán xăng dầu giữa các thương nhân sản xuất, kinh doanh xăng dầu hiện nay. Bộ Công Thương thông tin cụ thể về kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21 tháng 01 năm 2022 như sau:
Thị trường xăng dầu thế giới từ kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 đến kỳ điều hành này tiếp tục chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính về nguồn cung giảm do tồn kho dầu của Mỹ và sản lượng khai thác tại một số quốc gia giảm… nên giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng mạnh. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 và kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/01/2022 cụ thể như sau: 96,166 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 4,992 USD/thùng, tương đương tăng 5,48% so với kỳ trước); 97,861 USD/thùng xăng RON95 (tăng 4,720 USD/thùng, tương đương tăng 5,07% so với kỳ trước); 98,504 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 7,773 USD/thùng, tương đương tăng 8,57% so với kỳ trước); 96,895 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,503 USD/thùng, tương đương tăng 9,62% so với kỳ trước); 484,285 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 34,422 USD/tấn, tương đương tăng 7,65% so với kỳ trước).
Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới
(Chi tiết tại bảng thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới 10 ngày gần đây)
Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn được hoạt động, nhất là đang vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tập chung mua sắm tăng cao. Nhằm hạn chế mức tăng giá lớn vào thời điểm tập chung mua sắm dịp Tết Nguyên đán, biến động giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, số dư Quỹ BOG vẫn ở mức thấp, một số doanh nghiệp lớn vẫn có số dư Quỹ BOG âm (Petrolimex, PVOIL…), Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới, bảo đảm duy trì công cụ Quỹ BOG ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, đồng thời hạn chế mức tăng giá vào thời điểm dịp Tết Nguyên đán 2022.
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định:
1. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
- Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu:
Không thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel, dầu hỏa; giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
- Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng Xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, Dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, Dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
2. Giá bán xăng dầu
Sau khi thực hiện giảm mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 23.595 đồng/lít, tăng 436 đồng/lít so với giá hiện hành (nếu thực hiện trích lập như kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 và không chi Quỹ BOG thì giá sẽ tăng 754 đồng/lít);
- Xăng RON95-III: không cao hơn 24.360 đồng/lít, tăng 484 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành (nếu thực hiện trích lập như kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 thì giá sẽ tăng 761 đồng/lít);
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 18.903 đồng/lít, tăng 664 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành (nếu thực hiện trích lập như kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 và không chi Quỹ BOG thì giá sẽ tăng 1.174 đồng/lít);
- Dầu hỏa: không cao hơn 17.793 đồng/lít, tăng 655 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành (nếu thực hiện trích lập như kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 và không chi Quỹ BOG thì giá sẽ tăng 1.285 đồng/lít);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.993 đồng/kg, tăng 631 đồng/kg so với giá bán hiện hành (nếu thực hiện trích lập như kỳ điều hành giá ngày 11/01/2022 thì giá sẽ tăng 851 đồng/lít).
3. Thời gian thực hiện
- Trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 01 năm 2022.
- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00 ngày 21 tháng 01 năm 2022.
- Kể từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 01 năm 2022, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
4. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương