Trên thị trường sữa hiện nay, có 2 loại sữa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, một là sữa sản xuất từ sữa tươi nguyên liệu, thu được từ bò, trâu, dê, cừu chưa bổ sung hoặc tách bớt bất cứ thành phần nào của sữa và hai là sữa sản xuất bằng cách nhập khẩu sữa bột về pha lại.
Loại sữa sản xuất từ sữa bột rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn nhưng hiện nay cũng đang được gắn mác sữa tiệt trùng, thanh trùng, giống như các loại sữa sản xuất từ sữa bò nguyên chất. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi nguyên chất bị cạnh tranh không lành mạnh, còn người tiêu dùng không chọn được sản phẩm đúng như ý muốn.
Theo thông tin từ Bộ Y Tế, Bộ đã chính thức ra Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, thay thế quy chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT. Quy chuẩn 2017 lần này chính thức định nghĩa lại tên gọi các loại sữa.
Điểm quan trọng nhất trong quy chuẩn 2017 là một loạt khái niệm đã được phân tách rõ ràng hơn, giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Trong quy chuẩn 2010, chỉ có 7 loại sữa: Sữa tươi thanh trùng - Sữa tươi nguyên chất thanh trùng - Sữa tươi tiệt trùng - Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng - Sữa tiệt trùng - Sữa cô đặc - Sữa gầy cô đặc.
Tuy nhiên, trong quy chuẩn 2017, các sản phẩm sữa được phân loại theo cách khác. Theo cách phân chia mới, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng nằm trong Nhóm sữa tươi, phải là sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, sữa tươi nguyên liệu phải chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Với định mức 90% phải là sữa tươi nguyên liệu, các loại sữa bột pha chế, nhưng gắn mác sữa tiệt trùng/thanh trùng sẽ phải chuyển sang tên gọi "sữa hoàn nguyên". Đây được định nghĩa là sản phẩm dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có thể bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa. Thành phần sữa hoàn nguyên chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Bộ Y Tế cho biết, Quy chuẩn 2017 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người sử dụng; Phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu tại Việt Nam; Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quy định của pháp luật Việt Nam; Hài hòa với tiêu chuẩn, quy định quốc tế, bảo đảm tránh tạo ra rào cản trong giao lưu thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.
Quy chuẩn 2017 được cập nhật theo các khuyến cáo về quản lý nguy cơ của cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài, Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX).
Quy chuẩn 2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2018.
Nguồn: Hà My/Tri Thức Trẻ