menu search
Đóng menu
Đóng

Xác định tình hình “như thời chiến”, 2 Bộ họp khẩn cung ứng hàng hoá cho miền Nam

10:13 19/07/2021

Xác định thời điểm hiện nay tình hình "như thời chiến”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đề nghị 16 địa phương phía Nam chuẩn bị áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tăng cường kết nối cung - cầu đảm bảo dân không thiếu hàng hóa thiết yếu.

Xác định tình hình “như thời chiến”, 2 Bộ họp khẩn cung ứng hàng hoá cho miền Nam

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên họp khẩn với các địa phương phía Nam tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thị trường miền Nam. Ảnh: nongnghiep.vn
Nguồn cung tạm thiếu hụt, xáo trộn
Phát biểu tại cuộc họp khẩn giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các địa phương phía Nam tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thị trường miền Nam sáng nay 18/7/2021, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có giá trị liên vùng vì không chỉ cung cấp cho TPHCM mà còn cho các địa phương khác.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung ứng thực phẩm cho thành phố đang thiếu hụt, ví dụ, trứng thiếu khoảng 3 triệu quả/ngày.
Đáng chú ý, hiện nay ở nhiều địa phương có tình trạng nông dân không được ra khỏi nhà để sản xuất, thu hoạch nông sản, khiến nguồn cung bị thiếu hụt, giá cả bị đội lên. Đơn cử như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên đến 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương nhiều tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Hậu Giang, Đồng Nai đều phản ánh tình trạng vận chuyển hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn.
Ở Hậu Giang, tài xế dù có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch nhưng vẫn cần phải qua nhiều chốt, dẫn đến chi phí tăng. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang thông tin, hiện một số mặt hàng nông sản đang tăng giá 30 - 40% do tâm lý tích trữ nhưng giá thu mua trong dân lại không tăng.
Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng khiến việc tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch ở nhiều địa phương gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ dự báo trong thời gian tới, khi các tỉnh lân cận thực hiện theo Chỉ thị 16, tình hình vận chuyển, giao thương gia súc, gia cầm sống và qua giết mổ vào thành phố khả năng gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị, xác định tính chất thời điểm hiện tại như đang là thời chiến. Dự kiến, tình hình hàng hóa sẽ có nhiều xáo trộn, khan hiếm, giá cả cao.
“Đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại; tăng các điểm bán lưu động”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đảm bảo đầy đủ hàng hoá thiết yếu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chưa từng xảy ra. Số lượng người bị phong tỏa, cách ly lớn chưa từng có nên lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân vô cùng lớn.
"Nhiệm vụ của 2 ngành là phải đảm bảo không thể thiếu hàng hóa thiết yếu cho người dân", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ Công Thương khuyến cáo TPHCM và các tỉnh phía Nam cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống với 3 điều kiện: Chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn; tiêm vắc xin cho tiểu thương.
“Tư lệnh” ngành Công Thương cho rằng, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phải đánh giá tình hình nhu cầu hàng hóa chính xác, kiến nghị Tổ công tác để đưa ra hướng giải quyết; xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất.
Bên cạnh đó, chủ động kết nối cung cầu tại các địa phương; duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch; phối hợp với các ngành khác như Giao thông, Y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.
Lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh cần đóng vai trò chủ công, chủ trì phối hợp lực lượng chức năng địa phương để kịp thời xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, buôn bán hàng giả, kém chất lượng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TPHCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu; có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương để cùng nhau xử lý.
"Các địa phương cần có trách nhiệm với TPHCM về việc cung ứng lương thực nhưng TPHCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp; cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Kể từ 0h ngày 19/7/2021, ngoài các địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẽ bổ sung thêm 16 địa phương khác áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16 gồm: TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội đối với tỉnh, thành bổ sung là 14 ngày.

Nguồn:haiquanonline.com.vn

Link gốc