menu search
Đóng menu
Đóng

Báo cáo tài chính soát xét: Xuất hiện nhiều hệ lụy từ Oceanbank

10:21 08/09/2015

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 05/09, có 327/680 doanh nghiệp niêm yết công bố chênh lệch lợi nhuận sau soát xét so với trước đó, tương ứng với con số 48% - một tỷ lệ số lượng doanh nghiệp sai lệch “khổng lồ”.
Chênh lệch sau soát xét hay kiểm toán luôn là vấn đề nhức nhối trong mỗi mùa báo cáo tài chính. Có cả lý do khách quan và chủ quan nhưng để đến mức lật ngược thế cờ chuyển từ lãi thành lỗ và ngược lại, hay kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến thì đây thực sự là một dấu hỏi lớn đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 05/09, có 327/680 doanh nghiệp niêm yết công bố chênh lệch lợi nhuận sau soát xét so với trước đó, tương ứng với con số 48% - một tỷ lệ số lượng doanh nghiệp sai lệch “khổng lồ”. Nhìn chung, chiều hướng bi quan chiếm đa số, nổi bật trong đó có những cái tên rất quen thuộc như OGC, PXA, PXL, TDH, PNJ, PVX…
Hệ lụy từ Oceanbank

Điều đáng chú ý là sau khi Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) “ngã ngựa” thì báo cáo tài chính của không chỉ nhóm Đại Dương (OGC, OCH, OCS) mà có cả một số doanh nghiệp họ Dầu khí đều xuất hiện một khoản vay, tiền gửi hay một số giao dịch đang chưa biết xử lý như thế nào.

Nguồn cơn bắt đầu khi nguyên Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bị khởi tố và tạm giam để làm rõ một số sai phạm, tiếp đó ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), người từng giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank cũng bị bắt.

Tập đoàn Đại Dương (OGC) theo đó cũng gặp đầy những biến động về nhân sự cấp cao, cổ đông lớn thoái lui, kinh doanh trì trệ, phải chuyển nhượng hàng loạt dự án, báo cáo tài chính liên tục trễ hạn, cổ phiếu bị vào diện kiểm soát đặc biệt rồi chuyển sang cảnh báo…

Với nhiều “biến cố” đặc biệt, cổ đông ngóng chờ báo cáo tài chính kiểm toán 2014 của OGC để hiểu rõ hơn ngọn nguồn của các con số. Tuy nhiên, khi báo cáo tài chính kiểm toán được công bố thì thời gian đã trôi qua quá nửa năm 2015. Điều khiến cổ đông bất ngờ nhất có lẽ là từ mức lãi 408 tỷ đồng sang lỗ khủng đến 2,548 tỷ đồng kèm theo đó là hàng loạt ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.

Và kịch bản tương tự với báo cáo soát xét bán niên 2015, OGC tiếp tục chuyển từ lãi 4 tỷ đồng thành lỗ 23 tỷ đồng, kiểm toán cũng đưa ra hàng loạt ý kiến đến các khoản phải thu, phải trả, đầu tư, trích lập… liên quan đến OCH, OCS, Oceanbank. Trong khi đó, giải trình của OGC cho thấy không có bất cứ rủi ro nào từ các khoản này và hầu hết đều đang trong tầm kiểm soát của công ty.

Hiện cổ phiếu OGC và OCH vẫn đang thuộc diện cảnh báo, Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng.

Trong khi đó tại Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - Idico (PXL), bên cạnh việc lãi chuyển thành lỗ, đơn vị kiểm toán cũng ngoại trừ việc PXL không ghi nhận chi phí tài chính gần 1.4 tỷ đồng liên quan đến khoản vay không xác định thời hạn theo hợp đồng vay từ nguồn ủy thác của PVN tại Oceanbank thông qua Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) để thanh toán tiền mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Dầu khí Phú Đạt (PhuDat).

Nếu áp dụng lãi suất 2.4% để ghi nhận chi phí lãi vay thì chi phí phải trả sẽ tăng 1.4 tỷ đồng và lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2014 sẽ tăng tương ứng. Được biết, hiện PXL đang có vay nợ ngắn hạn 101 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng ngoại trừ vấn đề về khoản đầu tư tài chính hơn 39 tỷ đồng dài hạn của PXL vào CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh nhưng không xác định được khoản dự phòng giảm giá.

Với kết quả năm 2013 và 2014 chìm trong thua lỗ, cộng thêm 6 tháng đầu năm 2015 cũng chưa có gì khởi sắc, cổ phiếu PXL vẫn tiếp tục nằm trong diện bị kiểm soát.

Còn tại Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PXI), đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, PXI có khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn 673 triệu đồng và có kỳ hạn 1 tháng là 44 tỷ đồng tại Oceanbank đang tạm dừng thực hiện chi trả tiền gửi cho đến khi nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Với khoản mục này, PXI cho rằng các khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai, không có rủi ro tổn thất và theo đó không phải trích lập dự phòng tổn thất tài sản.

Bên cạnh đó, do khó khăn trong tình hình thị trường hiện tại, PXI chưa đánh giá được giá trị có thể thu hồi của các dự án đang thi công hoặc đầu tư cũng như tính khả thi nếu tiếp tục thực hiện.

Với tình hình của Oceanbank hiện tại, rất khó để nói trước những lưu ý này của đơn vị kiểm toán có biến mất tại những kỳ báo cáo tiếp theo hay không.

1,001 lý do chênh lệch

Có những lý do khách quan về thay đổi cách hạch toán kế toán theo Thông tư 202/2014 của Bộ Tài chính  để dẫn đến số liệu chuyển hướng từ lãi 25 tỷ đồng sang lỗ 8 tỷ đồng đơn cử như tại Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH). Nếu căn cứ vào các quy định trước đây thì các nghiệp vụ phát sinh từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính được ghi vào kết quả kinh doanh trong kỳ, tuy nhiên theo Thông tư 202, nghiệp vụ này không được ghi nhận vào kết quả kinh doanh.

 

Còn theo giải trình của MDC, sở dĩ lợi nhuận từ lãi thành lỗ hơn 17 tỷ đồng chủ yếu do bút toán điều chỉnh chi phí thuế tài nguyên theo hướng dẫn của Tập đoàn Vinacomin lên 12 tỷ đồng, trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 5.5 tỷ đồng, còn lại một số điều chỉnh khác không đáng kể.
19 DN có chỉ số biến động theo chiều hướng xấu sau soát xét

Liên quan đến vấn đề tỷ giá có PVX, khi đơn vị này phải ghi nhận chi phí tài chính tăng 18%, lên 92 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá. Thêm vào đó, PVX phải ghi nhận thêm lỗ từ liên doanh liên kết hơn 24 tỷ đồng. Chính những điều này đã khiến lãi ròng của PVX giảm 56%, xuống còn 7 tỷ đồng sau soát xét.

Chưa dừng lại ở đó, kiểm toán còn nhấn mạnh về những số liệu sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PVX trong 12 tháng tới bao gồm lỗ lũy kế cuối tháng 6 là 3,024 tỷ đồng, dư nợ các khoản vay do PVX bảo lãnh quá hạn 416 tỷ đồng, tổng nợ phải trả ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn khoảng 1,357 tỷ đồng và dư nợ vay ngân hàng quá hạn ngày 30/06/2015 khoảng 319 tỷ đồng.

Cũng tương tự các doanh nghiệp liên quan đến Oceanbank, tại Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trở nên rối rắm hơn khi Ngân hàng Đông Á (DongABank) bị kiểm soát đặc biệt. Việc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến PNJ khi lợi nhuận sau kiểm toán giảm tới 67%, xuống còn 108 tỷ đồng chủ yếu do phải bổ sung trích lập dự phòng đầu tư vào cổ phiếu DongABank gần 86 tỷ đồng.

Mỗi doanh nghiệp đều đưa ra những giải trình riêng cho vấn đề chênh lệch số liệu sau khi đơn vị kiểm toán vào cuộc. Tuy nhiên, điều mong chờ của cổ đông không hẳn là những lời giải thích mà cần một công cuộc cải tổ quản trị công ty uy tín, minh bạch thông tin cho cả chặng đường dài phía trước.
Theo Minh An
Vietstock

Nguồn:Vietstock