menu search
Đóng menu
Đóng

BSC: Công nghệ, vật liệu xây dựng và cảng biển là các ngành lạc quan nhất quý IV/2015

06:30 15/10/2015

Vinanet - BSC đánh giá khả quan về ngành bất động sản, cho rằng đây sẽ tiếp tục là ngành có khả năng dẫn dắt VN-Index cùng với ngành ngân hàng.

Công ty chứng khoán BSC vừa công bố Báo cáo triển vọng ngành cập nhật quý IV/2015. Theo đó, BSC đưa ra đánh giá về 19 ngành, trong đó 9 ngành được đánh giá khả quan, 7 ngành đánh giá trung lập và 3 ngành đánh giá kém khả quan.

BSC xét chỉ tiêu P/E của Thị trường chứng khoán Đông Nam Á theo một số nhóm ngành chính và nhận ra không chỉ VN-Index mà đa số các ngành đều đang được chiết khấu khá xa so với khu vực. Tiêu biểu như nhóm công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tiện ích (điện, nước), xây dựng...

Trong đó, BSC lạc quan nhất với các ngành công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, cảng biển.

9 ngành khả quan

Ngân hàng: BSC tiếp tục duy trì đánh giá khả quan với ngành ngân hàng, đây vẫn là ngành sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Tăng trưởng tín dụng được dự báo tiếp tục khả quan nhờ kinh tế hồi phục; Lãi suất cho vay thấp; Nới trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 30% đến 60%. Thêm vào đó với việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh trích lập và bán nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cuối năm có thể đạt mục tiêu dưới 3%.

Bất động sản: Về triển vọng quý IV, BSC dự báo tốc độ bán hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ sự tăng trưởng của tín dụng bất động sản. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh và tình hình kinh tế thế giới biến động, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến các tài sản an toàn như bất động sản.

BSC tiếp tục duy trì đánh giá khả quan với ngành bất động sản, bảo lưu quan điểm cho rằng đây sẽ tiếp tục là ngành có khả năng dẫn dắt VN-Index cùng với ngành ngân hàng. Với việc giao dịch bất động sản tăng mạnh trong 9 tháng cùng với độ trễ trong việc ghi nhận doanh thu, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2016.

Xi măng: Tiếp tục nhận định khả quan với ngành xi măng trong quý IV/2015 do đây là thời điểm vào mùa xây dựng, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ được cải thiện. Ngoài ra, BSC cho rằng tỷ giá VND/EUR sẽ không tăng quá mốc 31/12/2014 nên các doanh nghiệp xi măng sẽ tránh được lỗ tỷ giá.

Công nghệ: BSC duy trì nhận định khả quan với ngành công nghệ thông tin - viễn thông trong quý IV/2015 do các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khối tài chính đang tích cực đầu tư cho phát triển công nghệ. Đối với cơ quan Nhà nước, Chính phủ cũng cho phép được thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, qua đó trước hết sẽ tạo động lực tăng trưởng cho lĩnh vực Tích hợp hệ thống.

Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm đang được đẩy mạnh với các khách hàng là Mỹ, Nhật Bản, Hàng Quốc. Đồng thời, ngành công nghệ đang có tiềm năng tăng trưởng lớn ở mảng Telecom với việc chuẩn bị đưa tuyến trục quốc tế APG vào hoạt động và triển khai xây dựng tuyến trục truyền trong nước. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông sẽ được ghi nhận trong quý IV/2015 và quý I/2016.

Cảng biển: BSC duy trì đánh giá khả quan với cổ phiếu ngành cảng biển và cho rằng đây sẽ là nhóm cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư. Ngành cảng biển có triển vọng tâng trưởng khả quan nhờ việc ký kết các hiệp định FTA, thu hút FDI, sự phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, mặc dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng các cổ phiếu cảng biển vẫn đang bị định giá thấp với P/E trung bình là 7,4 trong khi mặt bằng chung của thị trường là P/E 10,1.

Trong điều kiện thị trường biến động mạnh và tình hình thế giới bất ổn, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận không nhiều, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ hướng đến các cổ phiếu có tính ổn định cao, cổ tức đều đặn như các cổ phiếu cảng biển. Điều này có thể khiến định giá của thị trường cho các cổ phiếu có thể tăng lên 1 nền tảng mới tương đương với mức bình quân chung của thị trường hoặc cổ phiếu cùng ngành trong khu vực.

Rủi ro hiện tại là sự tăng trưởng chậm của Trung Quốc cũng như Châu Âu có thể sẽ làm giảm lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng. Tuy nhiên, BSC đánh giá các doanh nghiệp cảng sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV khi bước vào mùa xuất nhập khẩu, sản lượng ra vào các cảng thường cao hơn so với các tháng khác trong năm.

Bảo hiểm: BSC đánh giá triển vọng quý IV của ngành bảo hiểm là tích cực do tỷ lệ bồi thường được kiểm soát. Trong nửa đầu của mùa bão lũ năm nay, những thiệt hại về thiên tai thời điểm cuối tháng 9 ít hơn hẳn so với 2014, nên có thể kỳ vọng tỷ lệ bồi thường chung ở mức tốt cho cả năm 2015.

BSC nhận định tình hình kinh doanh quý IV là khả quan đối với các doanh nghiệp hoàn thành các thương vụ bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược như BIC và PTI. Hoạt động của PVI có thể gặp khó khăn do các khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí  đang chịu ảnh hưởng của việc giá dầu suy giảm.

Dệt may: BSC tiếp tục đánh giá khả quan với ngành dệt may trong quý còn lại của năm 2015. Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận do đa số hợp đồng trong quý IV/2015 đã được ký kết với mức giá tương đương giá từ đầu năm đến nay. Các hiệp định đã ký kết thành công tiếp tục có tác động tích cực lên ngành.

BSC lưu ý ngành dệt may đã tăng khá mạnh trong 2 năm gần đây. Do vậy, hiệu ứng TPP cũng sẽ có tác động không quá lớn tới cổ phiếu dệt may. Ngành dệt may không còn là cơ hội đầu tư quá hấp dẫn.

Điện: BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện như NT2, PPC sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý IV/2015 nhờ sản lượng và giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng lên khi sản lượng thủy điện suy giảm do ảnh hưởng của El Nino.

Xây dựng: Duy trì nhận định khả quan do triển vọng tăng trưởng khi bước vào mùa xây dựng.

7 ngành trung lập

Săm lốp: BSC hạ đánh giá ngành từ khả quan xuống trung lập do cạnh tranh tăng và các doanh nghiệp săm lốp có thể sẽ không còn được hưởng lợi từ việc giảm giá cao su đầu vào.

Nhựa: BSC duy trì đánh giá  trung lập đối với ngành nhựa. Năm 2015 sẽ là một năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp nhựa xây dựng trong đó, các doanh nghiệp nhựa bao bì có thể tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Thép: BSC duy trì khuyến nghị trung lập với ngành thép năm 2015 do lo ngại về sự suy giảm của giá thép nguyên liệu và sự cạnh tranh từ thép nhập khẩu.

Thủy sản: Xuất khẩu thủy sản cho quý IV sẽ khởi sắc nhờ điều chỉnh tỷ giá và lượng cầu tăng lên. Mùa lễ Giáng sinh và dịp Tết sẽ đẩy mạnh nhu cầu cho mặt hàng tôm tại các thị trường Mỹ và EU trong dịp cuối năm. Kết quả kinh doanh quý IV theo đó sẽ cải thiện nhưng nhìn chung vẫn sụt giảm so với năm 2014.

Dầu khí: BSC duy trì quan điểm trung lập đối với ngành dầu khí trong quý IV/2015. Mặc dù nhận định triển vọng ngành còn khó khăn khi giá dầu được dự báo ở mức thấp, nhưng BSC cho rằng vẫn có những doanh nghiệp có cơ bản tốt như các doanh nghiệp kinh doanh khí đốt.

Phân bón: Với những nhận định về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón, BSC tiếp tục duy trì quan điểm trung lập đối với ngành phân bón quý IV/2015.

Mía đường: BSC duy trì đánh giá trung lập đối với ngành đường.

3 ngành kém khả quan

Vận tải biển: Theo tính mùa vụ, đây là thời điểm tốt nhất trong năm với các doanh nghiệp vận tải biển khi sản lượng vận chuyển gia tăng do bước vào mùa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc giá hàng hóa chưa có dấu hiệu phục hồi, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ tạo áp lực lên giá cước và BSC cho rằng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp sẽ không có nhiều đột biến. BSC hạ đánh giá xuống mức kém khả quan với ngành vận tải biển.

Cao su tự nhiên: BSC duy trì quan điểm kém khả quan cho ngành cao su vào quý IV/2015. Việc các doanh nghiệp cao su đang cải thiện tình hình kinh doanh bằng cá hoạt động thanh lý vườn cao su và hoạt động tài chính khó có thể duy trì trong dài hạn. Bên cạnh đó, việc nông dân bỏ trông cao su ngày càng tăng có thể khiến giá cao su thu mua nội địa tăng lên do thiếu hụt nguồn cung, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu cao su.

Dược: BSC hạ đánh giá ngành từ trung lập xuống kém khả quan do lo ngại cạnh tranh gia tăng, các doanh nghiệp dược nội địa mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp ngoại sau khi Việt Nam gia nhập sâu rộng hơn vào các hiệp định FTA và cạnh tranh với các doanh nghiệp dược Ấn Độ.

Minh Quân

Theo BSC