“Gần đây, dòng tiền dịch chuyển vào các cổ phiếu đã và sắp cạn room với khối ngoại, nhằm đón đầu việc NĐT ngoại có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại các DN này khi quy định nới room có hiệu lực từ ngày 1/9 tới”, ông Trần Vinh Quang, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) chia sẻ với ĐTCK.
Có gì đáng chú ý khi dòng tiền dịch chuyển vào các cổ phiếu đã và sắp cạn room, thưa ông?
Dòng tiền trong thời gian gần đây dịch chuyển dần vào các cổ phiếu đã và sắp cạn room với khối ngoại, nhằm đón đầu NĐT ngoại có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại các DN này khi quy định nới room sắp có hiệu lực. Đáng chú ý, các cổ phiếu cạn room đa số thuộc về các DN đầu ngành, có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm nay như: VNM, BMP, CTD, SSI… nên góp phần giúp NĐT thêm tự tin và mạnh dạn gom mua các cổ phiếu này.
Có ý kiến cho rằng, do phải đợi văn bản hướng dẫn về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như phải đợi ĐHCĐ của các DN thông qua phương án nới room, nên quy định về nới room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP sẽ chưa mang lại hiệu ứng rõ nét kể cả khi văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/9 tới. Ông có góc nhìn khác?
Bản chất của TTCK là sự định giá dựa trên những kỳ vọng trong tương lai được xây dựng trên nền tảng những thông tin hiện tại. Trên thị trường, NĐT trong nước (đa số là cá nhân) và NĐT nước ngoài (đa số là tổ chức) sẽ có những kỳ vọng khác nhau. Tôi cho rằng, khi thông tư hướng dẫn việc nới room được ban hành sẽ tác động mạnh lên tâm lý và kỳ vọng của NĐT trong nước, khiến họ tăng mua các cổ phiếu được mở room.
Đối với NĐT nước ngoài, họ trông đợi vào việc nới room, nhưng khi quy định nới room có hiệu lực, thì số lượng cổ phiếu họ có thể thực sự mua được thêm ở mức giá hợp lý không hẳn là nhiều, vì một lượng lớn các cổ phiếu này vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước, các tổ chức trong nước, hoặc ban lãnh đạo công ty.
Trước khi có quy định nới room, thị trường đã tồn tại 2 mức giá chênh lệch cho một số cổ phiếu kín room, đó là mức giá thị trường và mức giá thỏa thuận cao hơn giữa các NĐT nước ngoài. Việc nới room sẽ đưa giá thị trường của các cổ phiếu này lên mức cao hơn, tạo ra mặt bằng định giá cao hơn cho cả thị trường chung. Các đợt tăng giá cũng có thể đến khi các thương vụ M&A được dự báo sẽ diễn ra, vì các NĐT có ý định thâu tóm, sáp nhập DN luôn trả mức giá cao so với các NĐT tài chính.
Như vậy, vốn ngoại chưa dễ hứng khởi trong ngắn hạn ngay sau khi quy định nới room có hiệu lực?
Về mức độ sẵn sàng của các NĐT nước ngoài mới (bao gồm cả các quỹ đầu tư đa quốc gia) đầu tư vào TTCK Việt Nam khi quy định nới room có hiệu lực, theo tôi sẽ chưa diễn ra ngay sau ngày 1/9.
TTCK Việt Nam cần thêm các bước cải cách mạnh mẽ và mang tầm vĩ mô để thu hút họ như: gắn thúc đẩy cổ phần hóa với chọn NĐT chiến lược nước ngoài cho các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia các hiệp định thương mại quan trọng như TPP, hay nâng cao năng suất lao động thể hiện qua xu hướng tăng trưởng GDP bình quân đầu người một cách mạnh mẽ và rõ nét. Những tổ chức đầu tư lớn thường có tầm nhìn trên 5 năm, nên họ chủ yếu đầu tư vào các quốc gia có xu hướng tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ.
Ông có khuyến nghị gì tới nhà quản lý cũng như các DN để tạo ra sự cạnh tranh so với các thị trường khu vực trong thu hút vốn ngoại?
Đồng bộ với việc nới room, các cơ quan quản lý nên đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN lớn nhằm tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường chung. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin để bảo đảm sự chính xác, công bằng với cả NĐT trong và ngoài nước như công bố báo cáo, thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, các giải trình biến động kết quả kinh doanh cần chi tiết, các thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu cần được công bố đầy đủ và kịp thời.
Nới room, nghĩa là chúng ta từng bước xóa bỏ rào cản phân biệt giữa NĐT trong nước và nước ngoài, nên mọi quy định cần hướng đến mục đích phục vụ đồng thời và công bằng với cả hai đối tượng này.
Chúng tôi cũng mong muốn thông tin về các ngành nghề được nới room sớm được quy định rõ và cụ thể để NĐT có thể biết chính xác DN niêm yết nào sẽ được nới room.
Các DN niêm yết cần ý thức hơn việc nới room có thể khiến NĐT nước ngoài trở thành những cổ đông lớn nhất, do đó các hoạt động báo cáo, quan hệ cổ đông cần hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn đang áp dụng ở các TTCK phát triển. Có như vậy, việc nới room mới đạt được mục đích là tạo ra môi trường đầu tư công bằng, thúc đẩy các hoạt động của DN niêm yết theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và minh bạch.
Theo Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán
Nguồn:Tinnhanhchungkhoan