Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, gói giải pháp tổng thể về tháo gỡ vướng mắc cho quá trình cổ phần hóa (CPH) các DNNN đã được Bộ trình lên Chính phủ.
Từ thông tư lên nghị định
Để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình CPH các DNNN, theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 4/2015, Bộ Tài chính phải hoàn thành thông tư hướng dẫn bán cổ phần của DNNN theo lô.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến các đơn vị hữu quan, để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ cho triển khai nội dung này, cũng như mở rộng thêm một số vấn đề cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến trình CPH, Bộ Tài chính đã chuyển hình thức văn bản hướng dẫn cơ chế bán cổ phần theo lô từ thông tư thành dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung tái cơ cấu DNNN theo Nghị quyết 40/2015 của Chính phủ (nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015).
Không dừng lại ở đó, trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa cho biết, để tháo gỡ các vướng mắc đang bộc lộ trong quá trình CPH một cách toàn diện hơn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuyển từ xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nội dung như trên thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
“Đến thời điểm này, sau khi hoàn tất lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự thảo nghị định đã được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ để xem xét ban hành…”, ông Tiến nói và cho biết thêm, khi văn bản này được ban hành và đưa vào áp dụng, sẽ định hình một gói giải pháp toàn diện về tháo gỡ vướng mắc, qua đó thúc đẩy quá trình CPH vốn diễn ra khá chậm từ đầu năm đến nay.
Gỡ nhiều nút thắt
Đề cập cụ thể những giải pháp mà Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành, ông Tiến cho biết, ngoài chính thức cho phép áp dụng cơ chế bán vốn theo lô, còn mở ra cơ chế cho phép chuyển DNNN thành công ty cổ phần trong bối cảnh chưa thể chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) do sức cầu của thị trường hạn chế.
Cụ thể, với cơ chế bán vốn theo lô, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép triển khai theo nguyên tắc: bán đấu giá công khai, áp dụng cho các DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối; không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô...
Liên quan đến cơ chế cho phép chuyển DNNN thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính đề xuất, với những DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nhưng chưa có điều kiện triển khai IPO ngay, thì DN được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong DN, với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm theo phương án CPH...
Để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quá trình xác định giá trị DN, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế: trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của DN CPH tại DN khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán, thì giá trị vốn đầu tư dài hạn được lấy theo giá trị xác định thực tế. Việc xác định giá trị vốn góp của DN CPH vào một công ty cổ phần, mà cổ phiếu của công ty này đã đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM nhưng không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị DN, thì được xác định theo quy định tại khoản 1, Điều 33 Nghị định 59/2011…
Theo đại diện Bộ Tài chính, khi hàng loạt quy định mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 59/2011 được Chính phủ xem xét ban hành sớm để đưa vào áp dụng, sẽ giải tỏa những vướng mắc hiện tại, qua đó góp phần thúc đẩy tiến trình CPH. Điều này đồng nghĩa nguồn cung hàng hóa cho thị trường sẽ được khơi thông.
Để hỗ trợ tích cực cho quá trình này, ông Tiến cho rằng, khi quy định về nới room áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, sẽ dần cải thiện sức cầu cho thị trường, qua đó hỗ trợ tích cực cho nỗ lực đẩy nhanh tiến trình CPH mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai.
Theo Hữu Đạo
Đầu tư chứng khoán
Nguồn:Đầu tư Chứng khoán