menu search
Đóng menu
Đóng

VCSC: Bất động sản bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các công ty hàng đầu

22:10 22/06/2015

Vinanet - Theo chứng khoán Bản Việt, triển vọng ngành bất động sản là gói tín dụng 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường nhà ở thương mại, đang được Chính phủ xem xét. Đây là gói tín dụng có thể được áp dụng trên phạm vi rộng hơn so với gói 30.000 tỷ.
Công ty chứng khoán Bản Việt mới đây đã công bố báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2015 với phân tích về những nhóm ngành quan trọng.
Tổng quan lĩnh vực môi giới chứng khoán, theo VCSC, thị trường vốn vẫn còn tiềm năng to lớn khi giá trị vốn hóa chỉ tương đương khoảng 25% GDP và Việt Nam đang nhanh chóng từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi. Giá trị giao dịch trên thị trường tăng sẽ hỗ trợ các công ty môi giới chứng khoán.
Triển vọng của lĩnh vực môi giới là room cho khối ngoại tăng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất giảm thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, đồng thời cho phép giao dịch trong ngày. Ngoài ra, VCSC còn kỳ vọng vào các công cụ phái sinh - quyền chọn chỉ số trong 6 tháng cuối năm. Rủi ro của thị trường là những biến động khi thanh khoản tăng mạnh.
Tổng quan ngành điện, VCSC cho biết, mức tiêu thụ điện tại Việt Nam là 1.104kWh, bằng 1/5 mức trung bình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong khi đó giá điện tại Việt Nam hiện nay thấp hơn khoảng 50% so với các nước khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang tự do hóa ngành điện. Hiện đã lập kế hoạch tổng thể với ba giai đoạn: 1) Thị trường phát điện cạnh tranh, 2) Thị trường cạnh tranh bán sỉ và 3) Thị trường bán lẻ cạnh tranh. Chính phủ dự kiến sẽ hoàn toàn tự do hóa ngành điện từ năm 2023 trở đi.
Triển vọng ngành điện, VCSC kỳ vọng nhu cầu điện tăng mạnh 9%-10%/năm và sẽ tăng mạnh hơn so với cung. Giá điện ở mức thấp nên dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tăng 18%.
Với thị trường phát điện cạnh tranh: 1) Giá trần trên thị trường phát điện cạnh tranh được điều chỉnh tăng 47% từ năm 2012 đến năm 2014; và 2) Quy mô của thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến sẽ đạt 70% công suất cả cả nước trong năm 2015 từ mức 42% năm 2014. Chính phủ thừa nhận không đủ kinh phí để đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện và do đó phải chấp nhận giá điện cạnh tranh hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo VCSC, giá cho thủy điện trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng 25% trong giai đoạn 2013-6 tháng đầu 2014 trong khi giá cho nhiệt điện trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng 8%-10% cũng trong giai đoạn này. Hiện giai đoạn một đã hoàn tất và Việt Nam đang bước vào giai đoạn hai (thị trường cạnh tranh bán sỉ). Dự kiến sẽ có ít nhất năm nhà mua sỉ thay vì chỉ một như hiện nay.
Tổng quan ngành hàng tiêu dùng, tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh nhưng cạnh tranh gay gắt khiến chi phí quảng cáo và khuyến mại tăng theo. Các tập đoàn bán lẻ tích cực tăng số lượng cửa hàng, bao gồm cả các tập đoàn trong nước và nước ngoài.
VCSC cho biết, các nhà bán lẻ thực phẩm – đồ uống của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Quý I trong khi các nhà bán lẻ xa xỉ phẩm và hàng hóa là tích cực nhất trong việc mở rộng mạng lưới cửa hàng.
Triển vọng của ngành là tiêu dùng trong nước tăng mạnh nhờ nền kinh tế vĩ mô cũng như niềm tin người tiêu dùng tiếp tục cải thiện. Thêm nữa, giá nguyên liệu thấp sẽ hỗ trợ lợi nhuận, nhưng hiện tượng El Nino dẫn đến mùa mưa đến muộn có thể đảo ngược tình hình, khiến biên lợi nhuận gộp một số doanh nghiệp giảm, cụ thể là thực phẩm và đồ uống đóng gói.
Tiêu dùng sẽ được kích thích nhờ việc thâm nhập thị trường của các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài và việc mở rộng của các tập đoàn lớn trong nước cũng như nước ngoài hiện hữu. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ sẽ trở nên gay gắt hơn. Rủi ro với ngành hàng tiêu dùng là cạnh tranh gay gắt hơn và giá nông sản có khả năng tăng, khiến biên lợi nhuận có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tổng quan ngành bất động sản và vật liệu xây dựng, Tổng doanh số bán căn hộ trong quý I tại TPHCM và Hà Nội đạt 9.500 đơn vị (tăng 125%); có tổng cộng 5.150 căn hộ được mở bán, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ dự án phân khúc cao cấp (Masteri Thảo Điền, Vinhomes Central Park, Scenic Valley).
Quy mô mở bán trung bình của các căn hộ/dự án đã quay trở lại mốc 500 căn hộ/dự án, tương tự mức đỉnh ở giai đoạn 2007-2008. Thị trường văn phòng cho thuê cũng phục hồi với tỷ lệ trống đã giảm tại các cao ốc văn phòng hạng A và B.
Giá trị nhà tồn kho toàn quốc giảm còn 67 nghìn tỷ đồng trong tháng 5, thấp hơn 48% so với mức đỉnh ở quý I/2013 và thấp hơn 5% so với quý I/2015.
Doanh số thép bán ra (thép xây dựng) trong 4 tháng đầu năm 2015 cao hơn 16% so với cùng năm ngoái; doanh số xi măng trong 5 tháng đầu năm cùng cao hơn 9% so vói cùng kỳ năm 2014.
Triển vọng ngành bất động sản là dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng hơn; đề xuất cho gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng mới để hỗ trợ cho thị trường nhà ở thương mại đang được Chính phủ xem xét; gói tín dụng này có thể được áp dụng trên phạm vi rộng hơn so với gói 30 nghìn tỷ; dư nợ các khoản vay BĐS đã đạt 334 nghìn tỷ vào cuối quý I, tăng 10% so với con số cuối năm 2014 (tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay BĐS khoảng 5,6%).
Số lượng lớn các dự án căn hộ đang triển khai và sẽ mở bán trong giai đoạn 2016-2017; lợi suất cho thuê 6-8% đã thu hút các nhà đầu tư vào phân khúc này.
Cơ sở hạ tầng đô thị phát triển sẽ tiếp tục nâng giá đất tại các vị trí chiến lược; giá bán BĐS nằm dọc theo tuyến Metro 1 ở Tp HCM đã tăng 2-5% dựa trên khả năng kết nối với tuyến Metro này; Quận 9 sẽ được hưởng lợi sau khi hoàn tất tuyến đường cao tốc Long Thành.
BĐS bán lẻ có thể sẽ được thúc đẩy bởi sự tham gia/mở rộng của các công ty bán lẻ BĐS hàng đầu như Vivo City từ Singapore (Sc Vivo), Aeon từ Nhật Bản, Lotte từ Hàn Quốc; các công ty trong nước như Vincom Retail cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới bán lẻ.
Luật sở hữu nhà của người nước ngoài mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7; những nội dung dung chính của luật này vẫn còn đang được xem xét nhưng được kỳ vọng sẽ mang đến sự hỗ trợ cho thị trường BĐS.
Những thị trường ngách cụ thể trong phân khúc từ trung cấp đến nhà ở giá phải chăng khá hứa hẹn (ví dụ như nhà phố giá cả phải chăng).
Rủi ro với ngành là thừa cung trong phân khúc nhà ở cao cấp do những đợt mở bán lớn gần đây và nhiều dự án đang triển khai; nhu cầu cũng bị thổi phồng bởi những nhà đầu tư/đầu cơ trong phân khúc này. Ngoài ra, mức nợ công cao của Chính phủ sẽ thu hẹp room cho các gói kích thích trong tương lai của lĩnh vực này.
Tổng quan ngành dầu khí, giá dầu thô đã lao dốc và chạm đáy ngưỡng 48 USD/thùng trước khi phục hồi ở mức trung bình 65 USD. OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng dầu mỏ ở mức 30 triệu thùng/ngày trong cuộc họp tháng 6, nhưng sản lượng kế hoạch giờ đây chỉ được xem là mức chuẩn thay vì mức sản xuất tối đa, sản lượng thực tế ở mức 30,6 triệu thùng dầu trong 5 tháng đầu tiên năm 2015.
Tính đến 31/5/2015, số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ đã giảm còn 889 giàn, chỉ bằng một nửa so với con số 1.931 giàn khoan ở thời điểm tháng 9/2014, nhưng sản lượng dầu thô tại Mỹ đã tăng vọt lên mốc cao nhất trong 43 năm với 9,6 triệu thùng/ngày vào tuần lễ kết thúc ngày 22/5.
Tại Việt Nam, sản lượng dầu thô đã tăng nhẹ 5% so với quý I/2014 trong khi sản lượng khí đốt không có nhiều thay đổi. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục giữ mục tiêu khoan 60-70 giếng dầu, tính cả giếng thăm dò và khai thác trong năm 2015, giảm 10% so với năm 2014.
PVN quyết tâm phát triển dự án mỏ khí đốt Lô B Ô Môn từ ngày 15/6. Dòng khí đốt đầu tiên được dự kiến khai thác từ giai đoạn 2019-2020 thông qua đường ống dẫn khí khoảng 7 tỷ mét khối. Trong khi đó, Exxon Mobil tiếp tục khoan thăm dò ở dự án Cá Voi Xanh, hứa hẹn một đường ống dấn khí 2-4 tỷ mét khối mỗi năm.
Triển vọng ngành dầu khí, dự đoán chung của Bloomberg về giá dầu thô Brent ước tính sẽ ở 61 USD trong năm 2015 và 75 USD trong năm 2016. Nguồn cung và cầu trên thị trường toàn cầu sẽ quyết định giá dầu thô Brent trong khi kỳ vọng tăng giá đồng USD từ quyết định của Fed tăng lãi suất vào tháng 9 có thể sẽ tạo áp lực làm giảm giá dầu thô.
Trong bối cảnh có nhiều dự án được PVN đẩy mạnh, các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật (như PVD, PVS, PVC, PVB) sẽ là những công ty đầu tiên hưởng lợi để một phần bù đắp cho khả năng biên lợi nhuận sụt giảm để đảm bảo việc làm trong thời điểm dầu thô đang ở mức thấp.
Ngành dầu khí đối mặt với rủi ro nếu giá dầu thô kéo dài ở mức thấp như 60 USD sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của các công ty dầu khí Việt Nam, sẽ gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến chiến lược thăm dò & khai thác của các công ty dầu khí, và từ đó làm giảm lợi nhuận của các công ty cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò & khai thác dầu khí của Việt Nam, mặc dù hiện nay hầu hết các hoạt động thăm dò & khai thác đều diễn ra gần với bờ biển Việt Nam và cách xa khu vực tranh chấp.