menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán sáng 22/5: Thị trường nổi sóng

13:56 22/05/2017

Vinanet - Chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 8,81 điểm (+1,20%), lên 742,63 điểm với 147 mã tăng và 104 mã giảm.

Dòng tiền chảy mạnh giúp nhiều nhóm cổ phiếu nổi sóng, kéo VN-Index tăng vọt, bứt qua ngưỡng 740 điểm. Tuy nhiên, đi ngược con sóng thị trường, FLC và ROS đều giảm giá, trong đó ROS còn giảm sàn, khiến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết “bốc hơi” hơn 3.154 tỷ đồng chỉ trong 2 tiếng rưỡi.

Trong phiên cuối tuần qua, nhất là trong phiên chiều, dòng tiền chảy mạnh giúp thị trường bùng nổ, vượt qua mức đỉnh 10 năm được xác lập cuối tháng 4.

Việc VN-Index vượt đỉnh cũ với dòng tiền chảy mạnh đã giúp tâm lý nhà đầu tư càng thêm hưng phấn và mạnh dạn xuống tiền ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, bất chấp những yếu tố tác động không mấy tích từ bên ngoài.

Cuối tuần qua, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, làm gia tăng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng chính trị tại Mỹ có thể sẽ tiếp tục có diễn biến mới trong tuần này khi cựu Giám đốc FBI Jame Comey có phiên điều trần trước Quốc hội.

Trong nước, kỳ họp thứ 3, Quốc hội  khóa 14 đã chính thức khai mạc sáng nay. Thông thường, thị trường chứng khoán thường lình xình hoặc có diễn biến không mấy tích cực trong thời gian họp Quốc hội.

Tuy nhiên, phiên sáng nay lại hoàn toàn khác, bất chấp những rủi ro có thể có từ bên ngoài và tính chu kỳ của thị trường trong nước, dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc ồ ạt, kéo hàng trăm mã tăng giá, qua đó đưa VN-Index bứt hẳn qua ngưỡng 740 điểm.

Sau đó, áp lực bán gia tăng, khiến VN-Index bị đẩy lùi trở lại xuống dưới ngưỡng này, nhưng rất nhanh chóng, dòng tiền chảy mạnh đã hấp thụ hết lượng cầu giá thấp, kéo VN-Index trở lại trên mốc 740 điểm với thanh khoản tăng vọt.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 8,81 điểm (+1,20%), lên 742,63 điểm với 147 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt tới 157,88 triệu đơn vị, giá trị 3.566,88 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,6 triệu đơn vị, giá trị 400,69 tỷ đồng.

Gần như tất cả các nhóm ngành đều tăng giá trong phiên sáng nay, từ dầu khí, ngân hàng, tới chứng khoán và thậm chí là cả bất động sản cũng đã trở lại.

Trong đó, HQC, SCR, MCG, CLG, NVT, QBS, KSA, SGT, DTA tăng trần, riêng HQC còn dư mua trần tới 11,8 triệu đơn vị và được khớp 5,78 triệu đơn vị. SCR cũng có thanh khoản tốt với 7,9 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 0,6 triệu đơn vị.

Trong nhóm bluechip, PLX vẫn đang chứng tỏ chức hút khi được kéo lên mức trần 60.600 đồng từ khá sớm với 1,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần hơn 1,8 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, BID là mã có thanh khoản tốt nhất với 9,84 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 5,52%, lên 18.150 đồng.

Tuy nhiên, một số mã khác lại đảo chiều giảm, đặc biệt là QCG đã chính thức đảo chiều sau 16 phiên tăng trần liên tiếp, lên mức 19.750 đồng. Nếu tính từ đầu tháng 3, QCG đã có mức tăng 359,3%, từ mức 4.300 đồng, lên 19.750 đồng. Trong phiên sáng nay, QCG giảm 5,57%, xuống 18.650 đồng với gần 1,6 triệu  đơn vị được khớp.

FLC cũng đứng ngoài con sóng khi giảm 2,76%, xuống 7.750 đồng với 11,52 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, ROS tiếp tục chuỗi ngày giảm mạnh của mình khi đóng cửa phiên sáng nay ở mức sàn 143.700 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.

Với đà giảm của 2 mã trên, tài sản trên sàn của ông Trịnh Văn Quyết đã “bốc hơi” hơn 3.154 tỷ đồng trong phiên sáng nay, xuống còn 42.572 tỷ đồng.

Trên HNX, không nhận được đủ sức hỗ trợ như VN-Index, HNX-Index không thể chinh phục được mốc 93 điểm trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn có được sắc xanh khi đóng cửa với thanh khoản cũng khá tốt.

Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,58%), lên 92,71 điểm với 75 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,9 triệu đơn vị, giá trị 482,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,64 triệu đơn vị, giá trị 76,2 tỷ đồng.

Dù ACB vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 1,21%, lên 15.000 đồng với 2,86 triệu đơn vị được khớp, nhưng SHB lại lùi về mức tham chiếu 6.900 đồng với 6,8 triệu đơn vị được khớp. Mã có thanh khoản nhất là PVX với 7,67 triệu đơn vị được khớp, nhưng không thể giữ được sắc tím 2.400 đồng khi chôt phiên ở mức tham chiếu 2.200 đồng.

Đà tăng của các mã bluechip khác như VCB, PVS, HUT…, cũng hạ nhiệt đôi chút.

Trong khi đó, trái ngược với 2 sàn niêm yết, UPCoM lại đảo chiều giảm điểm trong ít phút cuối phiên khi VOC, VIB, VEF, SSN đảo chiều giảm, trong đó VIB giảm 3,29%, về mức giá thấp nhất ngày. Cùng với đó, đà giảm ACV, SDI cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số chung.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,06%), xuống 58 điểm với 42 mã tăng và 35 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4 triệu đơn vị, giá trị 38,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm nửa triệu đơn vị, giá trị 9,6 tỷ đồng.

Trong các mã bluechip tăng giá, GEX có mức tăng tốt 3,07%, lên 23.500 đồng với 285.600 đơn vị được chuyển nhượng. HVN tăng tối thiểu 1 bước giá với 171.000 đơn vị được giao dịch.

Ba mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM sáng nay là PFL, PXL và PSB đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó PFL được giao dịch 953.200 đơn vị, PXL 839.300 đơn vị và PSB 314.000 đơn vị.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn