menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán sáng 24/2: Tiền ồ ạt chảy vào cổ phiếu nhỏ

14:43 24/02/2017

Trong khi áp lực bán diễn ra mạnh ở nhiều mã lớn, khiến VN-Index tiếp tục giảm điểm, thì dòng tiền lại ồ ạt chảy vào các mã nhỏ như FLC, FIT, KLF, ITA, HQC, HAG, OGC.

Phiên giao dịch ngày 23/2 khá nhiều cảm xúc, từ tâm lý hứng khởi khi chỉ số VN-Index leo lên sát đỉnh 720 điểm đến hụt hẫng bởi cú rơi mạnh về sát mốc 710 điểm khi áp lực bán gia tăng mạnh, tuy nhiên, tâm lý kỳ vọng nhanh chóng được nhen nhóm ngay sau đó khi lập tức lực cầu bắt đáy hấp thụ mạnh giúp thị trường bật ngược trở lại. Dù thiếu chút may mắn đề đảo chiều thành công nhưng chỉ số VN-Index đã có màn biểu diễn “đẹp mắt” trong phiên hôm qua.

Áp lực chốt lời gia tăng mạnh mỗi khi chỉ số VN-Index tiệm cận mốc 720 điểm cho thấy đây là ngưỡng kháng cực tâm lý khá mạnh. Cùng với diễn biến trên, hầu hết các công ty chứng khoán đều dự báo thị trường sẽ giao dịch giằng co và chưa có đà bứt phá rõ ràng, rất có thể chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/2.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, lượng cung vẫn khá dồi dào khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, dòng tiền hấp thụ đã nhanh chóng giúp thị trường đảo chiều khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Trong đó, sự trở lại của các mã lớn trong nhóm ngân hàng cùng các cổ phiếu có vốn hóa lớn đóng vai trò là điểm tựa chính giúp chỉ số VN-Index có được sắc xanh nhạt.

Dù các cổ phiếu dòng bank đang dần trở lại nhưng áp lực bán chưa có dấu hiệu giảm và vẫn tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến đà tăng không mấy bên vững. Lần lượt các trụ cột GAS, VNM, MSN đều đang giao dịch dưới mốc tham chiếu, là những tác nhân chính hãm đà tăng của thị trường.

Trong khi các cổ phiếu lớn giao dịch thiếu tích cực thì FLC và FIT lại đua nhau tăng trần, sau đó kéo theo cả ITA nhập cuộc.

Trong đó, dù lực bán khá lớn nhưng dòng tiền hấp thụ mạnh giúp FIT tiếp tục tăng trần lên 4.950 đồng với 8,6 triệu đơn vị được khớp.

FLC cũng có sắc tím, lên mức 7.970 đồng với 20 triệu đơn vị được khớp và ITA đang giao dịch ở mức trần 4.260 đồng với 7,3 triệu đơn vị được khớp.

Dù dòng tiền tham gia khá sôi động nhưng áp lực bán vẫn không ngừng gia tăng khiến thị trường tiếp tục nới rộng đà giảm chiều. Trong đó, các cổ phiếu bluechip tiếp tục tạo sức ép lên thị trường, đẩy chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 715 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,55 điểm (-0,36%) xuống 714,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 146,13 triệu đơn vị, tương ứng giá trị lên tới hơn 2.050 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị chỉ 21,16 tỷ đồng. Nhóm VN30 giao dịch khá tiêu cực khi có tới 22 mã giảm, chỉ 5 mã tăng và 3 mã đứng giá.

Trong khi đó, dù có chút rung lắc nhẹ nhưng HNX-Index đã thoát hiểm trong gang tấc và chốt phiên vẫn giữ được sắc xanh nhờ lực đỡ chính từ ACB. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,22%) lên 86,46 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,9 triệu đơn vị, giá trị 306,44 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,13 điểm (+0,08%) lên 157,73 điểm khi có 6 mã tăng, 15 mã giảm và 7 mã đứng giá.

Mặc dù mở cửa khởi sắc nhưng VIC đã theo chân các trụ cột khác và quay đầu giảm điểm, cụ thể, VIC giảm 0,55%, GAS giảm 1,59%, MSN giảm 1,07%. Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng chốt phiên trong sắc đỏ như BVH, VCB, FPT, KDC, MBB…

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau khi le lói tín hiệu hồi phục thì nhanh chóng đảo chiều bởi áp lực bán thường trực. Ngoại trừ CTG giữ sắc xanh thành công với mức tăng 1,12%, còn lại VCB, MBB, STB đều giảm điểm, BID đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, ACB chính là “vị cứu tinh” của sàn HNX khi tăng 1,77%, chốt phiên tại mức giá 23.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công đạt 1,66 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường – SAB đã chính thức điều chỉnh sau 4 phiên tăng giá. Với mức giảm 1.000 đồng (-0,4%), SAB đóng cửa tại 226.000 đồng/CP và khớp lệnh 82.400 đơn vị.

Trái lại, VNM đang phát đi những tín hiệu tích cực, là “má phanh” khá tốt giúp thị trường không giảm quá sâu trước sức ép từ các mã lớn khác. Cùng với lực cầu trong nước, khối ngoại cũng đẩy mạnh mua vào giúp VNM đảo chiều tăng điểm và đóng cửa tại mức giá cao nhất. Với mức tăng 800 đồng (+0,61%), VNM chốt tại 131.100 đồng/CP và khối lượng chuyển nhượng thành công 336.010 đơn vị, khối ngoại mua ròng 166.620 đơn vị.

Bộ 3 gồm FLC, FIT và KLF đang “làm mưa làm gió” trên 2 sàn niêm yết.

Trong đó, các lệnh mua tiếp tục tăng mạnh giúp FIT đứng vững ở mức giá trần 4.960 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công đạt 9,64 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.

FLC không giữ được sắc tím nhưng đà tăng vẫn tích cực với biên độ tăng 4,7%, chốt phiên tại mức giá 7.800 đồng/CP với giao dịch khủng khi chuyển nhượng thành công tới 34,37 triệu đơn vị.

Còn KLF nhanh chóng khoác áo tím bởi lực cầu hấp thụ mạnh. Chốt phiên, KLF tăng 7,69% lên 2.800 đồng/CP với khối lượng khớp 7,63 triệu đơn vị và dư mua trần 2,23 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, lực đỡ từ một số mã lớn như MCH, NCS, NAS.. tiếp tục hỗ trợ giúp thị trường khởi sắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,65%) lên 55,84 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 5,5 triệu đơn vị, giá trị 53,33 tỷ đồng.

HVN tiếp tục là cổ phiếu đáng chú ý trên sàn. Áp lực bán vẫn khá mạnh khiến HVN có thời điểm rơi xuống mức giá sàn, tuy nhiên, đà giảm dần được thu hẹp. Chốt phiên, HVN giảm 10,33% xuống mức 33.000 đồng/CP và vẫn là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trên sàn, với 5,66 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn