Sự "đuối sức" của các cổ phiếu lớn và bluechip đã lan rộng ra cả thị trường, khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử và kéo VN-Index quay đầu giảm khá mạnh trong phiên sáng nay.
Sau 2 phiên điều chỉnh vào cuối tháng 5, dòng tiền trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch 1/6. Mặc dù thanh khoản sụt giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HOSE giảm tới hơn 35%, chỉ đạt hơn 3.500 tỷ đồng nhưng sự hồi phục tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip đã giúp thị trường khởi sắc.
Theo nhận định của BSC, dòng tiền thị trường phân tán và ít ỏi có thể sẽ đưa thị trường bước sang giai đoạn rủi ro hơn. Sự hỗ trợ điểm số của nhóm vốn hóa lớn đơn lẻ chưa đủ sức giúp thị trường xác lập nền tảng vận động an toàn nếu không có sự cải thiện của yếu tố thanh khoản.
Không nằm ngoài lo ngại trên, sau phiên khởi sắc hôm qua, nhiều mã lớn và bluechip đã có dấu hiệu điều chỉnh kho bước vào phiên sáng 2/6 khiến thị trường quay đầu giảm điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường le lói sắc xanh nhờ sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều ngay khi nhóm cổ phiếu vua điều chỉnh.
Sau khoảng 45 phút giao dịch, đồng loạt các cổ phiếu họ bank đều đứng ở dưới mốc tham chiếu, với mức giảm nhẹ 50-100 đồng/CP.
Đáng kể, trụ cột VNM tác động khá mạnh lên chỉ số khi giảm 0,7%, tạm đứng tại mức giá 150.800 đồng/CP sau phiên khởi sắc hôm qua.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như ROS, NVL, PLX… cũng đóng vai trò lực hãm khi quay đầu giảm. Trong đó, ROS tiếp tục có giao dịch khá sôi động với hơn 2 triệu cổ phiếu đã chuyển nhượng thành công, tương ứng tổng giá trị hơn 262 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị giao dịch toàn sàn HOSE.
Theo đó, việc quay đầu giảm hơn 0,6% của ROS cũng là một tác nhân ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số VN-Index.
Đáng chú ý, “tân binh” CTF có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, hiện giao dịch tại 17.600 đồng/cp nhưng giao dịch khá hạn chế với chỉ 300 đơn vị được khớp lệnh.
“Người bạn đồng hành” với CTF là AMD cũng có phiên tăng trần thứ 5 liên tục, hiện đứng tại mức giá 19.250 đồng/cp với giao dịch tăng vọt, đạt hơn 1,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Thông tin hỗ trợ tích cực tiếp sức cho cuộc đua của AMD có thể là FLC Faros vừa thông qua chủ trương mua lại tối đa tới 24,9% vốn điều lệ Công ty AMD. Sau khi thương vụ hoàn tất, FLC Faros sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của AMD.
Áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh về cuối phiên khiến sắc đỏ ngập tràn, trong đó lực hãm lớn đền từ các cổ phiếu có vốn hóa lớn và bluechip đẩy thị trường lùi sâu về dưới mốc tham chiếu, cả 2 chỉ số chính đều chốt phiên sáng ở mức thấp nhất.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 133 mã giảm và 89 mã tăng, VN-Index giảm 5,45 điểm (-0,73%) xuống 736,35 điểm. Thanh khoản cải thiện so với phiên sáng qua với tổng khối lượng giao dịch đạt 110,87 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.672,08 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận đạt 11,94 triệu đơn vị, giá trị 419,47 tỷ đồng. Trong đó, AMD chuyển nhượng 5,95 triệu cổ phiếu, giá trị 100,23 tỷ đồng và VNM thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu, giá trị 151 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, số mã giảm (98 mã) cũng gấp gần 2 lần số mã tăng (51 mã), HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,19%) xuống 93,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,85 triệu đơn vị, giá trị 311,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá thấp với hơn 7,7 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, chỉ còn 5 mã là VIC, CII, DHG, KDC và SSI tăng nhẹ, còn lại đều đứng dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các mã lớn tác động khá tiêu cực như VNM giảm 0,79%, GAS giảm 1,97%, BID giảm 1,37%, BVH giảm 1,03%...
Đáng kể, cổ phiếu có vốn hóa lớn là ROS chịu áp lực bán ra ồ ạt và có thời điểm bị đẩy xuống mức giá sàn. Chốt phiên, ROS giảm 6,59% xuống mức 123.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch vẫn khá tốt đạt 5,31 tỷ đồng, là một trong những nhân tố lớn tác động xấu lên thị trường.
Trong khi đó, cặp đôi AMD và CTF vẫn duy trì sắc tím, trong đó, AMD tiếp tục nổi sóng với lượng dư mua trần tăng mạnh, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài ta, nhóm cổ phiếu thị trường cũng nổi lên nhiều điểm sáng. Điển hình, HAR cũng bất ngờ tăng kịch trần về cuối phiên.
NVT sau 4 phiên giảm sàn đã dần hồi phục trong sắc nay dù đà tăng vẫn còn khá hẹp. Hiện NVT tăng 0,5% lên 3.750 đồng/CP với khối lượng khớp 3,41 triệu đơn vị.
Bộ đôi cổ phiếu khoáng sảng KSA và KSH cũng có được sắc tím với giao dịch tăng vọt, lần lượt đạt 5,16 triệu đơn vị và 1,38 triệu đơn vị với lượng dư mua trần khá lớn.
Trên sàn HNX, SHB vẫn là cổ phiếu giao dịch tốt nhất thị trường với 9,19 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công. Lực cung giá thấp được tiết chế giúp SHB có thời điểm hồi phục và đóng cửa ở mốc tham chiếu 7.200 đồng/CP.
Nhiều cổ phiếu lớn trên sàn HNX cũng là những tác nhân kéo thị trường đi xuống như ACB, PVC, PVS, BVS, NTP, VCG…
Trái với xu hướng chung của thị trường, các cổ phiếu trong nhóm khoáng sản trên sàn HNX cũng có diễn biến khá tích cực với nhiều mã đua tăng kịch trần. Bên cạnh KSA và KSH, các mã trên sàn HNX như ACM, ALV, KHB, KSK, MIM cũng lần lượt “khoác áo tím”.
Trên sàn UPCoM, sắc tím nở rộ cùng việc hỗ trợ của một số mã lớn đã giúp chỉ số sàn này đảo chiều thành công trong những phút cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn UPCoM có 43 mã tăng và 45 mã giảm, trong đó có tới 21 mã tăng trần. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,02%) lên 57,59 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 5 triệu đơn vị, giá trị 38,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 12,31 tỷ đồng.
Một số mã lớn đã góp công hỗ trợ giúp thị trường hồi phục như VIB tăng 1,84%, VOC tăng 1,5%, FOXtăng 2,92%…
Trái lại, HVN sau phiên hồi phục hôm qua đã quay đầu đi xuống do lực cung giá thấp. Hiện HVN giảm nhẹ 0,4% xuống mức 26.600 đồng/CP.
Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn UPCoM là NTB với hơn 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, chốt phiên, NTB đứng giá tham chiếu 700 đồng/CP.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn