Dòng tiền vẫn chảy mạnh giúp thị trường tiếp tục đà tăng, trong đó SHB duy trì sự khởi sắc của phiên trước đó. Tuy nhiên, 2 chỉ số đang gặp khó tại các ngưỡng cản mới là 725 điểm và 92 điểm trong phiên sáng nay.
Sau một thời gian dài thử sức, cuối cùng VN-Index cũng đã chinh phục thành công mức đỉnh cũ 720 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Nối tiếp đà hưng phấn này, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh khi thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, kéo hàng loạt mã lớn, nhỏ cùng tăng giá, qua đó đẩy VN-Index bất tốc, chinh phục ngưỡng 725 điểm, HNX-Index cũng đang thử sức với ngưỡng 92 điểm.
Trong khi trên HOSE, VNM, nhóm ngân hàng, MSN, ROS, VJC, BHN đang là lực đỡ chính cho VN-Index, thì trên HNX, SHB vẫn là tâm điểm chính của thị trường.
Sau phiên khởi sắc bất ngờ cả về giá và thanh khoản cuối tuần trước, SHB tiếp tục duy trì đà tăng mạnh với lực cầu tốt trong phiên sáng nay. Chốt phiên, SHB đang leo lên mức 6.000 đồng, tăng 5,26% với hơn 10,5 triệu đơn vị được khớp. Mã này chỉ còn cách mức giá trần 6.200 đồng 2 bước giá.
Tuy nhiên, khi các chỉ số thử sức với các ngưỡng 725 điểm và 92 điểm, lực cung xuất hiện, đẩy 2 chỉ số thoái lui trở lại, trong đó HNX-Index có lúc còn bị đẩy xuống dưới tham chiếu, trước khi kịp trở lại và đóng cửa phiên sáng trong sắc xanh nhạt.
Trong khi UPCoM-Index chỉ duy trì được sắc xanh trong khoản 30 phút đầu phiên trước khi quay đầu giảm điểm và đóng cửa gần mức thấp nhất phiên.
Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,51 điểm (+0,35%), lên 724,65 điểm với 129 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121,66 triệu đơn vị, giá trị 2.214,66 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,15 triệu đơn vị, giá trị 59,36 tỷ đồng.
HNX-Index tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,12%), lên 91,49 điểm với 67 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 35,3 triệu đơn vị, giá trị 362 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá ảm đạm.
Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,37%), xuống 57,3 điểm với 30 mã tăng và 41 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 807.200 đơn vị, giá trị 18,31 tỷ đồng. Trong phiên thỏa thuận có thêm 988.942 đơn vị, giá trị 17,87 tỷ đồng được chuyển nhượng.
VNM, nhóm ngân hàng, MSN, BHN, VJC, ROS vẫn là những mã hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index, dù đà tăng của nhóm ngân hàng bị hãm lại khá nhiều. Trong khi đó, nhóm dầu khí, VIC, NVL, FPT, SAB lại là lực cản khiến chỉ số này không thể chinh phục thành công mốc 720 điểm.
Cụ thể, VNM tăng 1,2%, lên 143.400 đồng, ROS tăng 1,02%, lên 158.100 đồng với 2,61 triệu đơn vị được khớp, VJC tăng 1,33%, lên 129.700 đồng, BHN tăng 1,37%, lên 88.500 đồng…
Ở chiều ngược lại, GAS giảm 0,92%, PVD giảm 0,98%, VIC giảm 0,35%, NVL giảm 0,15%, SAB giảm 0,1%...
Các mã nhỏ trên sàn HOSE như HQC, VHG, FLC, ITA đều đồng loạt tăng, trong đó VHG đã lên mức trần 2.550 đồng với 3,38 triệu đơn vị được khớp. Trong khi QCG không còn duy trì được đà tăng trần như các phiên trước khi đóng cửa ở mức 5.600 đồng, tăng 6,46%, dù có lúc cũng lên mức giá trần 5.620 đồng.
FLC vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với 15,56 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 1,84%, lên 8.300 đồng, có lúc mã này lên mức 8.430 đồng - cách mức đỉnh cũ 8.740 đồng 3,68%.
Theo thông tin mới công bố, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu của Công ty từ ngày 31/3 đến 28/4. Nếu mua thành công, ông Quyết sẽ nâng sở hữu tại FLC lên 124,18 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,46%.
Nhiều khả năng thông tin này sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu FLC trong phiên chiều, nhưng mã này khó chạm đỉnh cũ 8.740 đồng thiết lập trong ngày 22/3 do mức giá trần của FLC trong phiên hôm nay là 8.720 đồng.
ITA cũng là mã có thanh khoản tốt hôm nay với lượng khớp gần 13,8 triệu đơn vị và cũng đóng cửa tăng 0,71%, lên 4.230 đồng.
Trong khi đó, HAG lại tiếp tục giảm 2,83%, xuống 9.620 đồng với 6,6 triệu đơn vị được khớp. HNG đứng ở tham chiếu 11.750 đồng với hơn 1,5 triệu đơn vị được khớp.
Trong nhóm ngân hàng, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào BID và STB, trong đó BID được khớp hơn 5 triệu đơn vị và tăng nhẹ 0,28%, lên 17.950 đồng; STB khớp hơn 3 triệu đơn vị và tăng 0,88%, lên 11.500 đồng.
Trên HNX, trong khi SHB duy trì đà tăng mạnh cả thanh khoản và giá, thì ACB lại đảo chiều giảm 0,78%, xuống 25.300 đồng với hơn 2,56 triệu đơn vị được khớp.
VGC, VCS, VGC cũng góp sức với SHB hỗ trợ cho HNX-Index giữ được sắc xanh. Trong khi đó, lực cản ngoài đến từ ACB, còn ở nhóm dầu khí khi đồng loạt đóng cửa dưới tham chiếu. Bên cạnh đó còn có một số bluechip khác như CEO, LAS, NTP.
HKB cũng quay đầu giảm 5,56%, xuống 6.600 đồng với 2,8 triệu đơn vị được khớp; HHC cũng đã hãm đà giảm, đóng cửa ở mức 42.000 đồng, giảm 2,1%, dù có lúc đã bị đẩy về mức sàn 38.700 đồng.
Trên UPCoM, đà tăng trần của SEA, tăng khá của MSR, SDI, VEF, cũng như FOX, không bù lại được đà giảm của nhóm hàng không, VOC, VGG, VIB, MCH…
Trong đó, có thanh khoản tốt nhất vẫn là HVN với 354.600 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm 0,66%, xuống 30.200 đồng. Tiếp đến là MSR với 331.600 đơn vị, nhưng đóng cửa tăng 5,06%, lên 16.600 đồng.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn