Dù hồi phục mạnh đầu phiên, nhưng áp lực chốt lời vẫn tiếp diễn tại VNM và VIC sau chuỗi tăng ấn tượng của các mã này khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều và tiếp tục có phiên giảm sâu sáng nay.
Sau phiên giảm sốc ngày 5/12, tâm lý nhà đầu tư dường như vẫn chưa thể ổn định khi chỉ số VN-Index có thêm một phiên đi xuống, mất ngưỡng hỗ trợ 950 điểm trong phiên 6/12.
Đáng chú ý, kịch bản của chỉ số trong cả phiên sáng và chiều đều 6/12 là giảm sâu trong nửa đầu phiên do áp lực bán gia tăng ở gần như tất cả các mã ngành, sau đó hồi dần nhờ lực mua bắt đáy vào cuối phiên. Đặc biệt, trong đợt khớp ATC, lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp VN-Index hãm đà giảm tới hơn 8 điểm.
Hôm qua cũng là phiên bán ròng mạnh nhất của khối ngoại kể từ đầu năm với hơn 9,61 triệu đơn vị, giá trị hơn 556 tỷ đồng.
Theo MSI, sự phục hồi cuối phiên hôm qua đã có dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy sóng đầu cơ ở các nhóm cổ phiếu có thị giá lớn, vốn hóa lớn đã dừng lại, và có thể đảo chiều. Các chỉ số kỹ thuật đã bớt sức nóng.
Điểm tích cực lớn là sự phân hóa vẫn được duy trì và chi phối toàn thị trường bất chấp những biến động tiêu cực mãnh mẽ trong 2 phiên trước đó.
Dù VN-Index đang gặp khó, nhưng độ rộng thị trường đang nghiêng về các mã tăng điểm, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chuyển sang các mã vừa và nhỏ.
Trên bảng điện tử, có thể nhìn thấy diễn biến khác tích cực từ một số nhóm cổ phiếu thị trường, khi vẫn hút được lực mua như SCR, FLC, AMD, HAG, HNG, HAI, HHS..
Trong khi đó, VN-Index giằng co theo sự biến động của giá các cổ phiếu lớn như VNM, SAB, VIC, VCB, VRE, PLX, CTG… Tương tự, một số mã bluechip khác cũng đang chịu áp lực cung lớn là SSI, HPG, STB, SBT, PVD...
Như đã nêu trên, dường như việc VN-Index hồi mạnh lên sát ngưỡng 955 điểm cũng chưa thể khiến giới đầu tư an tâm, tâm lý thận trọng và áp lực chốt lời mạnh tiếp tục diễn ra ngay sau đó, nhất là ở các mã lớn đã có chuỗi tăng ấn tượng thời gian qua như VNM, VIC, SAB, khiến VN-Index lại có phiên giảm sâu.
Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản sáng nay cũng sụt giảm khá mạnh so với các phiên trước đó.
Cụ thể, chốt phiên sáng, sàn HOSE có 122 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index giảm 8,43 điểm (-0,89%) xuống 939,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 103,66 triệu đơn vị, giá trị 2.262,68 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và giảm 36,6% về giá trị so với phiên giao dịch sagns qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có hơn 9,33 triệu đơn vị, giá trị 161,3 tỷ đồng.
Lực bán vẫn diễn ra mạnh tại các mã lớn, khiến nhiều mã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại sau khi nỗ lực lấy lại đà tăng đầu phiên.
Cụ thể, trong top 10 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn GAS tăng 0,96%, lên 84.000 đồng và ROS tăng 0,6%, lên 151.800 đồng, còn lại đều giảm. Trong đó, VNM tiếp tục giảm 2,97%, xuống 189.200 đồng, dù có lúc đã tăng lên 197.900 đồng, SAB giảm 1,83%, xuống 322.000 đồng, dù mở cửa trong sắc xanh và có lúc đã lên mức 333.000 đồng, VIC giảm 1,64%, xuống 71.800 đồng, dù có lúc đã hồi hơn 1%, VCB cũng giảm 1,56%, xuống 47.250 đồng, VRE giảm 0,85%, xyuoongs 46.700 đồng, CTG giảm 1,49%, xuống 23.150 đồng, BID giảm 0,6%, xuống 24.700 đồng và PLX giảm 1,82%, xuống 24.700 đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên có tới 20 mã giảm và 8 mã tăng, ngoài các mã cũng thuộc Top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường nêu trên, nhóm này còn có nhiều mã tiếp tục bị chốt lời như SSI; STB, cặp đôi HPG, HSG; PVD; SBT; MBB…
Trong đó, SSI giảm 3% xuống 27.100 đồng/cổ phiếu và khớp 2,94 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản nhóm.
STB giảm 2,3% xuống 12.950 đồng/cổ phiếu và khớp 2,7 triệu đơn vị; HPG giảm 0,9% xuống 41.850 đồng/cổ phiếu, khớp 2,1 triệu đơn vị; HSG giảm 0,6% xuống 25.700 đồng/cổ phiếu, khớp 1,98 triệu đơn vị; PVD giảm 2,5% xuống 19.500 đồng/cổ phiếu, khớp 1,67 triệu đơn vị; các mã giảm tiếp theo như SBT; MBB đều có trên 1 triệu cổ phiếu được sang tay.
Một số mã duy trì được đà tăng và lại sắc xanh về cuối phiên, nhưng mức tăng khá khiêm tốn và thanh khoản khiêm, ngoài GAS và ROS còn có CII, NVL, MSN, BVH, BMP, DHG…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa diễn ra mạnh, một số nhóm cổ phiếu được dòng tiền đầu cơ chọn mặt gửi vàng, một số bị bán mạnh ngay từ khi đầu phiên.
Cụ thể, các mã tăng có FLC, SCR, AMD, cặp đôi HNG và HAG, HAI, TLD, TCH, OGC…Trong đó, AMD được kéo lên mức giá trần 9.720 đồng/cổ phiếu và khớp 3,12 triệu đơn vị.
FLC tăng nhẹ lên 6.810 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh đứng thứ 2 toàn sàn với hơn 4,25 triệu đơn vị; HAI tăng 2,1% lên 8.080 đồng/cổ phiếu, khớp 2,18 triệu đơn vị.
HAG tăng 1,8% lên 7.840 đồng/cổ phiếu, khớp 2,67 triệu đơn vị, HNG cũng tăng 1,8% lên 9.980 đồng/cổ phiếu nhưng khớp lệnh khiêm tốn hơn với 1,59 triệu đơn vị.
SCR có có phiên thứ 7 liên tiếp tăng (1 phiên đứng giá) để về mệnh giá. Chốt phiên sáng tăng 2,1% lên 10.200 đồng/cổ phiếu và khớp 3,44 triệu đơn vị.
Cổ phiếu TLD của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long ngày đầu tiên chào sàn đã tăng mạnh 19,2% lên 14.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh khá tốt với hơn 2 triệu đơn vị được sang tay.
Ngược lại, các mã giảm có HQC, mất 2,2% xuống 2.620 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh dẫn đầu sàn với 5,52 triệu đơn vị; ASM giảm 2,1% xuống 11.450 đồng/cổ phiếu, khớp 3,94 triệu đơn vị; DLG giảm mạnh 4,3% xuống 3.810 đồng/cổ phiếu, khớp 2,52 triệu đơn vị; Các mã khác như DXG, IDI, ITA cũng có trên dưới 1 triệu cổ phiếu được sang tay.
Trên sàn HNX, diễn biến của chỉ số HNX-Index có phần tốt hơn, khi tăng nhẹ trong phần lớn trong buổi sáng, nhưng lại có phần giống VN-Index khi về cuối phiên lại đi xuống.
Tuy nhiên, HNX-Index vẫn may mắn đóng cửa đứng tham chiếu khi mà số mã giảm là vượt trội (78 mã giảm, và 57 mã tăng).
Chốt phiên sáng, HNX-Index đứng tham chiếu ở mức 113,37 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 15,58 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 255,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận có hơn 1,82 triệu đơn vị, giá trị 57,8 tỷ đồng.
Top 10 mã thanh khoản tốt nhất chỉ có PSV, MST, SHS giảm, còn lại đều tằng, chỉ duy SHB đứng tham chiếu.
Trong đó, SHB khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại với hơn 6,2 triệu đơn vị, đứng tham chiếu ở mức 9.300 đồng/cổ phiếu, khi tăng trong phần lớn thời gian giao dịch.
PVS bị bán ngay từ khi mở cửa, chốt phiên giảm 1,6% xuống 19.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 3,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 toàn sàn.
Có được thanh khoản cao và tăng tốt là KLF, khi cộng thêm 2,8% lên 3.700 đồng/cổ phiếu và khớp 3,54 triệu đơn vị.
DST rung lắc dữ dội, có những lúc chạm mức giá sàn, sau khí bật ngược trở lại lên giá trần, nhưng đóng cửa vẫn tăng 8,7% lên 12.500 đồng/cổ phiếu, khớp 1,6 triệu đơn vị.
Các mã tăng còn có PIV, HUT, ACB, VCG.. đều có trên dưới 1 triệu đơn vị.
MST sau phiên đứng giá hôm qua tiếp tục bị bán mạnh về giá sàn 8.500 đồng/cổ phiếu, khớp gần 750.000 đơn vị; SHS giảm 2,5% xuống 19.700 đồng/cổ phiếu, khớp gần 700.000 đơn vị.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UPCoM-Index may mắn hơn HNX-Index, khi có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên, với sự hỗ trợ của khá nhiều mã tăng, nhưng thanh khoản khiêm tốn đã chưa thể giúp sàn này bật lên.
Top 15 mã đứng đầu thanh khoản chỉ có LPB giảm và SSN đứng giá, còn lại đều tăng.
Trong đó, GEX tăng nhẹ 0,4% lên 24.300 đồng/cổ phiếu khớp hơn 1 triệu đơn vị, và dẫn đầu sàn.
DVN, HVN đứng ngay sau, nhưng chỉ có từ 400.000 đến hơn 500.000 cổ phiếu được sang tay, cùng tăng 1,8% lên lần lượt 22.220 đồng/cổ phiếu và 38.800 đồng/cổ phiếu.
Các mã tăng khác chỉ có trên dưới 100.000 đơn vị như ART, VNP, QNC, MSR, MCH…
LPB giảm 0,8% xuống 12.900 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 500.000 đơn vị.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,08%) lên 54,02 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 90,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 570.000 đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng.