Diễn biến của thị trường có quá nhiều bất ngờ khiến nhiều nhà tư đặt câu hỏi: Điều gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
Để tìm câu trả lời, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
BNEWS: Xin bà cho biết nguyên nhân của việc thị trường giảm mạnh vào các phiên giao dịch 5-6/2.
Bà Tạ Thanh Bình: Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh suốt những tháng cuối năm 2017 và trong tháng 1 năm 2018. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, cuối tháng 1, thị trường đã bắt đầu có hiện tượng giảm, đặc biệt vào ngày 5 và 6/2 thị trường có mức giảm rất mạnh
Mặc dù thị trường giảm mạnh nhưng khối lượng giao dịch rất lớn như trên sàn HOSE với khối lượng giao dịch tăng khoảng 40% và HNX tăng 53%.
Riêng phiên giao dịch ngày 6/2, giá trị giao dịch tăng gấp đôi những ngày giao dịch cao điểm của thị trường và đạt khoảng 17.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Đặc biệt có thể nhận thấy, khối ngoại vẫn đẩy mạnh mua ròng suốt những phiên thị trường giảm. Đến ngày 6/2 là phiên khối ngoại mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp và tới ngày 6/2, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng kỷ lục đạt khoảng 4.500 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Như vậy, mặc dù thị trường giảm nhưng dòng tiền ngoại không rút ra khỏi thị trường mà vẫn tiếp tục “đẩy” vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư vẫn nhìn thấy cơ hội trong trung và dài hạn xu hướng tăng giá cổ phiếu vẫn tiếp diễn.
Kinh tế vĩ mô vẫn tốt, các con số, các chỉ tiêu trong tháng 1 vẫn ổn định và có dấu hiệu tích cực, dòng vốn ngoại vẫn mua ròng và đặc biệt kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên cả 2 sàn được thống kê qua báo cáo tài chính Quý IV/2017 cho thấy rất khả quan.
Trên sàn HOSE, có khoảng 97% số công ty niêm yết có lãi và trên HNX con số này là 92%. Doanh thu của các công ty niêm yết tăng 19%, lợi nhuận tăng 26,5%; trong đó lợi nhuận của khối ngân hàng tăng rất mạnh ở mức trên 60% và khối bất động sản hơn 40%.
Như vậy, về mặt kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết rất tốt, đặc biệt các dòng cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường như tài chính ngân hàng, bất động sản....
Qua đó, có thể thấy rằng, những đợt giảm giá mạnh không phải xuất phát từ nguyên nhân kinh tế vĩ mô, cũng không phải từ nguyên nhân doanh nghiệp niêm yết. Nguyên nhân lớn nhất là do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm mạnh.
Thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh trong ngày 5/2, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường Phố Wall để mất gần 1.600 điểm - mức giảm điểm trong ngày lớn nhất trong lịch sử.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã có lúc giảm tới 6% xuống 23.923,88 điểm trước khi đóng phiên với mức giảm 4,6% so với phiên trước xuống 24.345,75 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 4,1% xuống 2.648,94 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,8% xuống 6.967,53 điểm.
Sau khi Phố Wall giảm điểm kỷ lục, các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 6/2.
Thị trường Nhật Bản dẫn đầu xu hướng giảm điểm trong khu vực, khi chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm gần 7% trước khi chốt phiên với mức giảm 4,73%.
Việc thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh theo tôi là do các nhà đầu tư e ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất và dự báo là sẽ tăng 4 lần liền trong năm 2018.
Khi lãi suất của Fed tăng thì theo đúng quy luật thị trường chứng khoán sẽ giảm. Nhưng tâm lý của nhà đầu tư bao giờ cũng phản ứng thái quá với thông tin.
Ngoài ra, các ngân hàng châu Âu tăng lãi suất, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng…, khiến các nhà đầu tư thế giới lo ngại và dẫn đến việc giảm điểm trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới đã có một năm tăng trưởng ấn tượng. Thị trường chứng khoán Mỹ năm 2017 tăng khoảng 20%, thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng tới 33%, hay như thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hàn Quốc cũng tăng rất cao. Vì vậy, sau một thời gian tăng nóng, thị trường chứng khoán cũng sẽ đến lúc điều chỉnh, cộng với những lo ngoại về vấn đề lãi suất đã làm cho việc các thị trường chứng khoán trên thế giới giảm điểm mạnh mẽ hơn so với thông thường.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng có thêm nguyên nhân là nhà đầu tư có xu hướng chốt lời trước Tết Nguyên đán. Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thời gian khá dài tăng trưởng nóng, nên sẽ đến lúc thị trường phải giảm. Việc giảm điểm của thị trường chứng khoán cơ quan quản lý đã dự trù được trước, nhưng cũng khá bất ngờ là thị trường lại có mức giảm mạnh như vậy.
BNEWS: Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có những biến động rất mạnh với biên độ dao động lớn, bà có đánh giá gì về hiện tượng này?
Thị trường tăng giảm mạnh theo quy luật cung cầu, các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán rất hạn chế việc can thiệp mang tính hành chính vào diễn biến giá của thị trường. Thậm chí trên thế giới, nhiều thị trường chứng khoán còn không có biên độ dao động giá, nghĩa là cho phép thị trường có những biến động rất mạnh trong phiên, tùy theo cung cầu của thị trường. Hiện nay thị trường Việt Nam vẫn còn giữ cơ chế biên độ dao động giá, để có những mức hạn chế giá nhất định.
Hiện nay, điểm số biến động trong phiên giao dịch cũng không hẳn là quá “căng”. Khi chỉ số VN-Index đã tăng lên tới hơn 1.000 điểm thì mức giảm 40 điểm mỗi phiên giao dịch cũng chỉ tương đương với mức giảm 20 điểm khi chỉ số VN- Index còn ở mức 500 điểm.
BNEWS: Bà có đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Bà Tạ Thanh Bình: Bên cạnh những yếu tố vĩ mô tốt, cùng với một loạt các giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra để tăng cường chất lượng của thị trường thì về trung và dài hạn thị trường vẫn rất tốt.
Một điều dễ nhận thấy là nhà đầu tư có thể lập tức dịch chuyển dòng tiền đầu tư vào những tài sản khác mang tính chất trú ẩn như vàng và USD nếu cảm thấy thị trường chứng khoán bất ổn, mà hiện nay chưa xảy ra việc này. Hiện giá vàng, giá USD không có biến động nhiều, cho nên chưa có dấu hiệu chuyển hướng đầu tư của giới đầu tư, tiền vẫn “nằm” trong chứng khoán.
Năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ triển khai rất nhiều giải pháp để cho thị trường vững bền hơn về mặt chất lượng.
Năm 2018 cũng là năm rất căn bản về hoàn thiện cơ sở pháp lý. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Chứng khoán vào cuối năm 2018 để kỳ họp Quốc hội đầu tiên năm 2019 Quốc hội sẽ phê chuẩn luật này.
Luật Chứng khoán mới sẽ thay đổi rất nhiều nội dung về cơ chế quản lý về chào bán, cơ chế quản lý các công ty chứng khoán, cơ chế minh bạch, công bố thông tin, quản trị công ty, những vấn đề giải quyết các xung đột giữa pháp luật chứng khoán với pháp luật đầu tư hiện nay chưa giải quyết được. Ví dụ như câu chuyện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Khi Luật Chứng khoán mới ra đời thì sẽ thay đổi chất lượng của thị trường chứng khoán; trong đó cần nói đến câu chuyện tái cấu trúc của thị trường chứng khoán đi cùng việc sát nhập Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh để phân định lại các khu vực của thị trường theo hướng khoa học và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trong thời gian tới, chủ trương của Chính phủ vẫn là đẩy mạnh việc thoái vốn của các doanh nghiệp rất lớn, gắn với việc niêm yết trên sàn.
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang xem xét điều chỉnh các văn bản có liên quan để có thể thúc đẩy quá trình thực hiện Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc thực thị Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị công ty đại chúng là những bước đi cần thiết để tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
BNEWS: Xin chân thành cảm ơn!
Nguồn: Văn Giáp /Bnews.vn