Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch (từ 19- 23/3) nhiều cảm xúc với việc VN-Index có phiên đóng cửa ngày (22/3) vượt qua vùng đỉnh lịch sử 1.171 điểm, thậm chí trong phiên này có thời điểm mức cao nhất của VN- Index đạt 1.180,14 điểm.
Tuy vậy, những tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới đã đánh bay thành quả đạt được vào phiên cuối tuần.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index không còn giữ được mốc đỉnh mà chỉ tăng nhẹ 3,4 điểm lên 1.153,59 điểm; trong khi HNX-Index giảm 1,22 điểm xuống 131,88 điểm.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và tuyên bố ngay lập tức của Bắc Kinh xem xét áp đặt các mức thuế trị giá 3 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã được coi là những hành động “ăn miếng trả miếng”.
Giới phân tích cho rằng, các biện pháp trả đũa giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang báo hiệu cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Mặc dù giới đầu tư trên thế giới có thể nhìn nhận mức thiệt hại này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ tình hình này có thể trở nên xấu đi.
Thực tế, các thị trường đã phản ứng ngay tức thì trước những tín hiệu xấu trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giá vàng châu Á tăng 1% trong phiên ngày 23/3 do đồng USD và chứng khoán đồng loạt giảm vì giới đầu tư vội vã tìm đến tài sản an toàn trong bối cảnh các quyết định của Mỹ đang làm dấy lên những lo ngại về cuộc chiến thương mại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được đà giảm theo đà giảm của chứng khoán toàn cầu: VN- Index phiên cuối tuần (phiên 23/3) giảm điểm khá mạnh. Tuy nhiên, trong phiên này thị trường gần như không có sự hoảng loạn, không có sự bán tháo, nhà đầu tư trong nước khá bình tĩnh đón nhận thông tin và thị trường vẫn có thể đánh giá là khá tích cực giữa “biển” thông tin xấu tác động đến thị trường.
Điểm tích cực là thanh khoản thị trường gia tăng đến từ việc bắt đáy mạnh mẽ của giới đầu tư. Thanh khoản 2 sàn ở mức cao, với tổng khối lượng giao dịch đạt 351 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 9.300 tỷ đồng; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng tranh thủ lúc thị trường giảm để tích cực gom hàng trên cả hai sàn. Cụ thể, khối ngoại mua vào 23,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.122,3 tỷ đồng và bán ra 19,3 triệu cổ phiếu, trị giá trên 853,3 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 269 tỷ đồng.
Giới phân tích và đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đón nhận thông tin xấu từ thị trường chứng khoán thế giới khá bình thản. Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng thị trường chứng khoán thế giới giảm chỉ là “cái cớ” để cho thị trường chứng khoán Việt Nam giảm theo một cách hợp lý.
Anh Lê Trung Thành, nhà đầu tư chứng khoán có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” chia sẻ: “Bản chất của việc giảm điểm này có lẽ không phải do ảnh hưởng xấu từ thị trường chứng khoán thế giới. Có thể thấy chỉ số VN-Index tăng tới 9 phiên liên tiếp để vượt lên mức đỉnh lịch sử, vì vậy thị trường cần phải điều chỉnh.”
Thực tế, tuần giao dịch qua, thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá cao với gần 8.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Không chỉ nhà đầu tư nội tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán, nhà đầu tư ngoại cũng tiếp tục mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 410 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại đã mua ròng trên HOSE với hơn 340 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 70 tỷ đồng.
Mặc dù diễn biến thị trường vẫn chưa phải là xấu và có nhiều yếu tố tích cực, nhưng rủi ro thị trường vẫn đang hiện hữu trong ngắn hạn cùng với những biến động khó lường từ thị trường tài chính thế giới.
Theo chuyên viên môi giới Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội Nguyễn Văn Hanh, nếu chứng khoán Mỹ và thế giới vẫn tiếp tục giảm thì khả năng VN- Index vẫn chịu áp lực bán vào những phiên đầu tuần sau.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong xu hướng chờ đợi thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán thế giới bình ổn trở lại.
Hơn nữa, hiện tại chưa xuất hiện nhóm cổ phiếu đủ sức mạnh và tích cực để dẫn dắt thị trường vào tuần giao dịch tới.
Thực tế, tuần giao dịch vừa qua, nhóm tích cực nhất là nhóm dầu khí nhờ “ăn theo” đà tăng của giá dầu thế giới với các mã tiêu biểu như: PLX tăng 2,5%, PVD tăng 7,2%, PVS tăng 8,2%, PVC tăng 7,9%.
Thị trường cũng có sự nâng đỡ của một số cổ phiếu thuộc nhóm Bluechips như: VIC tăng 9,8%, BVH tăng 5,7%, SAB tăng 3%, GAS tăng 2,5%.
Tuy vậy, nhóm cổ phiếu dầu khí và các mã cổ phiếu Bluechips (cổ phiếu có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp) nêu trên cũng đang có dấu hiệu chững lại và bị chốt lời mạnh.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi ngày tăng điểm đã đồng loạt bị chốt lời và giảm mạnh nhất trong tuần qua. Các mã giảm mạnh có thể kể tới như SHB giảm 6,5%, VCB giảm 6,4%, CTG giảm 4,8%, STB và STB giảm 3,4%, EIB giảm 1,7%. Hiện tại, chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự hồi phục của nhóm ngân hàng trong tuần giao dịch tới.
“Tuần tới, thị trường có thể diễn biến theo 2 kịch bản. Kịch bản tích cực là thị trường đi ngang, nếu xấu thì thị trường tiếp tục giảm, dòng tiền có thể hướng vào nhóm cổ phiếu cơ bản tốt mang tính trú ẩn”, anh Hanh nói.
Với diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước tuần qua, cùng tình hình khó lường từ thị trường tài chính thế giớí, nhiều công ty chứng khoán đưa ra những dự báo khá thận trọng về diễn biến giao dịch trong tuần tới; trong đó nghiêng về quan điểm thị trường có thể giằng co và tiếp tục điều chỉnh.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (26/03-30/03), VN-Index có thể sẽ đi ngang và giằng co trong biên độ 1.140-1.180 cho đến khi đạt đủ sự đồng thuận để bứt phá khỏi vùng này.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng: "Với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, kết hợp với việc chỉ số VN-Index đã tăng mạnh và đang biến động quanh vùng đỉnh lịch sử, nhiều khả năng áp lực chốt lời tiếp tục ở mức cao, khiến thị trường điều chỉnh trong tuần tới".
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam: “Nhà đầu tư một lần nữa đã phản ứng thái quá về chính sách thuế của Mỹ lên triển vọng thị trường chứng khoán trong năm nay. Về cơ bản, chúng tôi vẫn thiên về xu thế tăng cho dù nhà đầu tư đang tỏ ra nhạy cảm với đỉnh cao lịch sử 1170-1179.”.
Nguồn: Văn Giáp/TTXVN