menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU 4 tháng đầu năm 2025 tăng 41,51%

08:50 21/05/2025

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chiếm 11,55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ra toàn thế giới. 
EU thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới và là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam. Hàng dệt may của Việt Nam sang EU đang có những lợi thế hơn nhiều quốc gia xuất khẩu khác nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang ở năm thứ 5 thực thi.
Tính toán từ số liệu thống kê hải quan của Việt Nam, Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU tháng 3 - 4/2025 tăng trưởng trở lại sau 2 tháng đầu năm 2025 sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2025 đạt 452,88 triệu USD, tăng 38,7% so với tháng 3/2025 và tăng 44,74% so với tháng 4/2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tăng 41,51% so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 1,36 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chiếm 11,55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ra toàn thế giới. Nhờ lợi thế từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6 trong danh sách các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất vào EU, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Pakistan.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, riêng 2 thị trường nay đã chiếm trên 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU. Xuất khẩu sang Hà Lan nhiều nhất trên 350,05 triệu USD, tăng 10,54% so với 4 tháng đầu năm 2024, chiếm 25,76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Đức đạt gần 263,28 triệu USD, tăng 30,76%, chiếm 19,38%.
Sáu thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2025 gồm có: Hà Lan và Đức nói trên, tiếp đến Tây Ban Nha đạt trên 192,17 triệu USD, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 14,14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Pháp đạt trên 135,18 triệu USD, tăng 15,39%, chiếm 9,95%; Bỉ đạt gần 118,65 triệu USD, giảm 1,28%, chiếm 8,73%; Ý đạt gần 125,44 triệu USD, tăng 28,03%, chiếm 9,23%.
Theo tính toán từ số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) của WTO, trong 2 tháng đầu năm 2025 nhập khẩu hàng may mặc mã HS 61 (các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc) vào thị trường EU đứng đầu về kim ngạch đạt 16,9 tỷ USD, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, Đức chiếm 22,4%, Pháp chiếm 11,91%, Tây Ban Nha chiếm 10,69%; Hà Lan chiếm 10,51%; Ý chiếm 9,53%; Ba Lan chiếm 7,92%.
Mã HS62 (các loại quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc) đứng thứ 2 về kim ngạch đạt trên 16,22 tỷ USD, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm 2024 và hầu hết các thị trường lớn đều tăng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, Đức nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 21,88%, tiếp đến Pháp chiếm 12,74%, Tây Ban Nha chiếm 11,1%, Hà Lan chiếm 9,91%, Ý chiếm 9,56%; Ba Lan chiếm 8,5%.
Nhiều dòng thuế dệt may đã về 0% sau 3–5 năm EVFTA có hiệu lực (từ 2020). Dự kiến đến 2026–2027, gần như toàn bộ sản phẩm dệt may Việt Nam đủ điều kiện sẽ được hưởng thuế suất 0% nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc do chi phí tăng, EU và các hãng lớn đang đa dạng hóa nguồn cung ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam là điểm đến thay thế ưu tiên nhờ vị trí địa lý, năng lực sản xuất lớn, và môi trường FTA. Nhu cầu thời trang bền vững. EU ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường, có chứng chỉ ESG, truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp Việt đang tăng cường đầu tư vào dệt – nhuộm xanh, nguyên liệu tái chế để đón đầu xu hướng này.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU (EVFTA) năm 2025 đạt 4,7 – 5,2 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu dệt may sang thị trường EVFTA trong những năm tới sẽ tăng trưởng tích cực, nhờ EVFTA, xu hướng chuyển dịch đơn hàng toàn cầu và sự cải thiện nội tại của ngành. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị phần, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào xanh hóa sản xuất, tuân thủ ESG, nội địa hóa nguyên liệu và chuyển đổi mô hình sản xuất.

Nguồn:Vinanet/VITIC