Triển khai quyết liệt, nghiêm túc với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất
Thay mặt Ban Chỉ đạo, ông Dương Duy Hưng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch báo cáo, từ cuối tháng 01 năm 2020, trước nguy cơ dịch Covid-19 có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã rà soát tình hình, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ quan có liên quan để triển khai các biện pháp nhằm: (i) Kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, bảo đảm ổn định trật tự thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa phục vụ chống dịch cho người dân; (ii) Tổ chức sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang chống giọt bắn phục vụ người dân; (iii) Điều tiết xuất nhập khẩu, giải quyết khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay từ rất sớm, Bộ Công Thương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, thường xuyên liên tục trong toàn ngành Công Thương (Quyết định số 435/QĐ-BCT ngày 11/2/2020). Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương là Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng các Đơn vị thuộc Bộ là Thành viên Ban Chỉ đạo.
Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công Thương được thực hiện quyết liệt, khẩn trương, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và tình hình thị trường để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Trong đó, vừa thực hiện yêu cầu xử lý các vấn đề cấp bách, vừa triển khai các giải pháp để phục vụ yêu cầu trong trung hạn và dài hạn, đặc biệt đối với các vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài các văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề cụ thể, thường xuyên, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo mang tính bao quát, toàn diện như:Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra của ngành Công Thương; Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 26/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19; Quyết định số 481/QĐ-BCT về "Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch Covid-19"; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc "Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19".
Với tinh thần quán triệt sâu sắc yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ..., tới thời điểm này, tất cả các giải pháp được Bộ Công Thương/trực tiếp là Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương đưa ra đã được các đơn vị triển khai quyết liệt, nghiêm túc với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm rất cao, qua đó đạt được những kết quả tích cực.
Bảo đảm nguồn cung khi thị trường xảy ra biến động
Thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày tình hình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cập nhật kết quả kiểm tra, xử lý thường xuyên lên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, Chuyên trang hành động của Bộ và trang thông tin điện tử của Tổng cục. Theo đó, đến nay, tổng số vụ kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng quản lý thị trường: 6.709 vụ; Số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 2.487.381.000 đồng.
Đối với công tác bảo đảm cân đối, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông thông tin, Bộ đã thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thông qua trao đổi trực tiếp, tổng hợp thông tin báo cáo từ các địa phương về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trong thời gian diễn ra dịch Covid-19; Kịp thời phối hợp chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung khi thị trường xảy ra biến động, nhất là tại các địa phương đang có dịch như Thành phố Hà Nội, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương... Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ kết nối và cung ứng mặt hàng khẩu trang trong hệ thống phân phối, phục vụ đủ cho nhu cầu của người dân. Vụ Thị trường trong nước cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm, nông sản, giấy…
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp do Lãnh đạo Bộ chủ trì, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, Hiệp hội dệt may, Tập đoàn dệt may để nắm bắt tình hình sản xuất, cung ứng của các đơn vị.Cho đến nay, qua tổng hợp tình hình sản xuất khẩu trang vải của hơn 20 đơn vị, gồm: Tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may tham gia may khẩu trang, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể đưa ra thị trường cho tới 31/3/2020 vào khoảng gần 60 triệu triếc triệu chiếc với năng lực may trung bình trên 1,1 triệu chiếc/ngày. Dự kiến trong nửa đầu tháng 4/2020, các doanh nghiệp sẽ sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 30 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, và khẩu trang vải kháng giọt bắn.
EU và Hoa Kỳ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp ngày 17/3, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kết nối cung cầu để điều tiết thị trường khẩu trang do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng là Tổ trưởng. Tổ công tác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và phân phối tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, các giải pháp cũng không thể cầu toàn, doanh nghiệp cũng không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, cần có sự chủ động và trách nhiệm, có tính toán cụ thể để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đồng tình với ý kiến của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi về việc đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu tại các thị trường mới hồi phục (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và thị trường ASEAN, Bộ trưởng yêu cầu Vụ nghiên cứu, đánh giá kỹ về các thị trường này, cần tái cơ cấu khâu chế biến và phát huy mối quan hệ với các nước láng giềng …
Đại diện Vụ Dầu khí và Than, ông Nguyễn Việt Sơn cho biết, hiện nay tỷ trọng khai thác dầu thô không nhiều, khai thác khí cũng gặp khó khăn. Vụ Dầu khí và Than đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN để rà soát tổng thể các mỏ, phân loại các mỏ khai thác tốt để cân đối nguồn cung. Về vấn đề này, Bộ trưởng giao Vụ Dầu khí – Than và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá tác động giá dầu khi suy giảm, tác động đến hoạt động của Tập đoàn Dầu khí, hệ thống các cửa hàng xăng dầu, đánh giá tổng thể dự báo giá dầu ảnh hưởng đến các dự án năng lượng trọng điểm tại Việt Nam để kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đầu tư và triển khai dự án…
Liên quan đến việc EU đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các nước EU đã có động thái quyết liệt đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Việc đóng cửa biên giới này nhằm nhằm bảo vệ sức khỏe của công dân EU, không phải là phong tỏa.
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng đã liên hệ và phía Hoa Kỳ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, do đầy là 02 thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng, vì vậy, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia trên, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.
Dành ưu tiên cao cho phát triển thị trường
Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định, phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam thời gian qua tương đối thành công nhưng chúng ta đang bước vào giai đoạn 2, một giai đoạn có những diễn biến mới phạm vi toàn cầu. Chúng ta dù có muốn hay không cũng phải đi vào những biện pháp quyết liệt hơn và triệt để hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ lan bệnh.
Bộ trưởng chỉ đạo, với tốc độ tăng nhanh của dịch bệnh như thế này, việc xây dựng kịch bản để ứng phó dịch bệnh kéo dài trong thời gian vừa qua dường như chưa đủ. Chúng ta phải tiếp tục đánh giá, phân tích sâu hơn nữa, cập nhật kịp thời hơn nữa để đưa ra những phương án phù hợp hơn, mặc dù có thể khốc liệt hơn, phức tạp hơn và khó khăn hơn. Bởi vì, nếu những kịch bản đó có thể xảy ra, tác động và hệ lụy của nó đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ, không chỉ như vậy cả đời sống của nhân dân cũng sẽ bị tác động. Bộ Công Thương dù ở bất luận khía cạnh nào sẽ có rất nhiều trách nhiệm cũng như vai trò tham gia thực hiện việc đó.
Hai tháng của chúng ta chứng kiến rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng đạt được một số kết quả tích cực nhờ nỗ lực từ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Công Thương. Hoạt động xuất nhập khẩu đã từng bước khôi phục, tăng trưởng của hai tháng đầu năm là 8,4 %, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ của năm trước. Điều đó cho thấy chúng ta đã có những nỗ lực mang lại kết quả đáng kể trong các hoạt động, đảm bảo kế hoạch đề ra và hạn chế, giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, diễn biến mới nhất của tình hình dịch bệnh cho thấy có nhiều điểm lo ngại, trước hết về quan hệ thương mại quốc tế. Mức tăng trưởng 8,2% trong 2 tháng đầu năm cho thấy cơ cấu mặt hàng của chúng ta có những thay đổi. Hàng nông sản, thủy sản có sự giảm thiểu. Đây là một thách thức lớn vì bất luận trong trường hợp nào cũng phải dành ưu tiên cao trong phát triển thị trường, đóng góp cho sự tăng trưởng của GDP.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ những giải pháp đối với người tiêu dùng bằng cách tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá, ảnh hưởng đến niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng; đồng thời Thứ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước cần đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ trưởng đề nghị các Vụ cần làm việc cụ thể với các Hiệp hội, ngành hàng (HHNH) để các HHNH rà soát, đánh giá khó khăn của đối tượng doanh nghiệp này, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên hoàn thiện sớm bộ hồ sơ để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam nhanh chóng bứt phá những tháng cuối năm 2020.
Quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch bệnh, Bộ Công Thương vẫn rất chủ động, năng động, trách nhiệm, có sự phối hợp đồng bộ với các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện theo yêu cầu của Chỉ thị 11 và các chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Chỉ thị của Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, kế hoạch hành động và được các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt giai đoạn trước, đối với giai đoạn 2, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực hiện quyết liệt hơn.
Theo đó, cần tính toán đánh giá và có phản ánh tình hình kịp thời, đưa ra quyết sách, đối sách và các dự báo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các phương án thực hiện.
Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch đôn đốc rà soát lại việc thực hiện Chỉ thị 11 và các Chỉ thị của Bộ Công Thương để bổ sung những yêu cầu phát sinh, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, cập nhật những diễn biến của dịch bệnh và các kịch bản dự phòng.
Liên quan đến kế hoạch cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong điều kiện dịch bệnh có diễn biến mới, Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước đôn đốc kiểm tra tại các địa phương, đảm bảo sự chủ động của Bộ Công Thương cung ứng đầy đủ hàng hóa, tại bất kỳ địa phương nào, ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ diễn biến nào.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Vụ thị trường nước ngoài nghiên cứu, đánh giá thị trường trong năm 2020 để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng giao các Thứ trưởng tổ chức làm việc với HHNH đánh giá tác động khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩn: dệt may, da giày, gỗ, điện tử, ô tô… để xác định khó khăn thị trường, tài chính tín dụng v.v… để có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử; Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường nước ngoài đánh giá cơ chế và biện pháp khắc phục để phát triển thị trường và chuỗi cung ứng (điện tử, đồ gỗ, chế biến nông sản, thủy sản, chế biến, chế tạo…); Cục Phòng vệ thương mại nghiên cứu tồn kho hàng hoá của các nước để có biện pháp phòng vệ và phổ biến doanh nghiệp trong nước...
Nguồn:Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công Thương