menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương: Đảm bảo phối hợp với các cơ quan chức năng điều hành linh hoạt về giá

09:00 22/04/2020

Vinanet - Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều hành linh hoạt, hiệu quả giá xăng dầu, điện; đảm bảo cân đối nguồn cung hàng hoá phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 21/4.
Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về bình ổn giá cả thị trường trong bối cảnh nền kinh tế nước ta bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh
Điều hành linh hoạt giá xăng dầu
Báo cáo về công tác điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, giá xăng dầu trên thế giới thời gian qua liên tục biến động, nhưng chủ yếu là giảm sâu. Ở trong nước, từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương, Tài chính đã có 7 kỳ điều chỉnh giảm giá xăng dầu.
Về nguyên tắc điều chỉnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, liên Bộ căn cứ những nguyên tắc đã quy định tại Nghị định 83 và trên cơ sở giá thành phẩm xăng dầu trên thế giới cũng như tình hình kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý, có dư địa để điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh giá vẫn diễn biến khó lường. Đây cũng là giải pháp góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 của Quốc hội giao.
Liên Bộ cũng chủ trương tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng ở mức hợp lý nhằm khuyến khích sử dụng xăng sinh học theo chủ trương của Chính phủ.

bo cong thuong dam bao phoi hop voi cac co quan chuc nang dieu hanh gia linh hoat

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều hành linh hoạt giá cả; đảm bảo cân đối nguồn cung hàng hoá phục vụ nhu cầu trong nước
Về diễn biến giá xăng dầu trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định sẽ còn phức tạp. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, từ tháng 5 cho đến cuối năm nay, cùng với việc hồi phục của sản xuất sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên và từ đó giá xăng dầu tăng trở lại.
“Do đó, chúng tôi sẽ điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc bám sát giá trên thị trường thế giới, đồng thời trích lập Quỹ phù hợp để có dư địa điều hành trong trường hợp giá xăng dầu tăng trở lại” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, vừa qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hạn chế tối đa, hoặc tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước đã sản xuất được trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước.
Trước kiến nghị này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, đề xuất trên liên quan đến quyền lợi của rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau, như: Người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cả quyền lợi của nhà nước. Bên cạnh đó, kiến nghị này phải được xem xét, đề xuất hướng giải quyết trên cơ sở các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, như: Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Dự trữ quốc gia,... Nghị định 83 và những cam kết quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Vì vậy, “hiện nay chúng tôi cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để thống nhất đề xuất phương án xử lý nhằm đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế, hài hoà lợi ích giữa các chủ thể trong nền kinh tế” – Thứ trưởng Hải nói, các giải pháp đưa ra phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Không tăng giá điện trong năm 2020
Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện theo hướng giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Điện lực, Bộ Công Thương trình và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41. Bộ Công Thương cũng đã có quyết định hướng dẫn ngành điện việc giảm giá trong 3 tháng (4, 5 và 6). Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải cũng lưu ý, tiền điện hiện ngành điện đang thu là tiền điện của tháng 3/2020 và sang tháng 5 mới tiến hành thu tiền điện của tháng 4/2020. Do đó, một số ý kiến cho rằng dù đã thực hiện giảm giá nhưng tiền điện tháng 4 tăng cao là không có cơ sở.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, “Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất không thực hiện tăng giá điện trong năm 2020” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Về công tác bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thứ trướng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và nhất là các doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó với các tình huống, diễn biến của thị trường, kịp thời triển khai các hoạt động dự trữ và cung ứng hàng hoá, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Liên quan đến mặt hàng thịt lợn, theo Thứ trưởng Hải, nhấn mạnh, đây là mặt hàng được lưu thông theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh theo quy luật cung cầu và giá cả do thị trường quyết định. Chính vì vậy, giá cả sẽ được quyết định bởi nguồn cung, nếu nguồn cung thiếu thì chắc giá sẽ tăng cao.
Làm rõ hơn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay ngành chăn nuôi vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ với khoảng 65% sản lượng thịt lợn trên toàn quốc do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng, chỉ có khoảng 35% là do một số thương nhân lớn cung ứng.
“Hiện chúng ta mới chỉ yêu cầu các đơn vị lớn giảm giá thịt lợn” – Thứ trưởng Hải cho rằng, bên cạnh bất cập này thì trong thời gian qua, những con số thống kê về nguồn cung và nhu cầu thịt lợn do ngành nông nghiệp đưa ra chưa chính xác, ảnh hưởng đến công tác tái đàn của người chăn nuôi và điều tiết thị trường.
Liên quan đến các khâu trung gian, Thứ trưởng Hải phân tích, theo tính toán, cứ 100kg lợn hơi sau khi giết mổ, pha lóc (phục vụ xuất khẩu) thì thu được khoảng 55kg thịt thành phẩm (không bao gồm nội tạng, xương, phụ phẩm khác), do đó theo đúng nguyên tắc, giá thịt lợn thành phẩm cao hơn giá lợn hơi khoảng 1,7 – 1,9 lần. Như vậy, giá thịt lợn thành phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào giá lợn hơi và việc điều tiết giảm giá phải thực hiện với giá bán lợn hơi là phù hợp.
Trong khi đó, theo chức năng được Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý trong suốt quá trình từ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, bảo quản, khập khẩu và bán buôn, bán lẻ thịt lợn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát, báo cáo Chính phủ kết quả tái đàn phục hồi ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn quốc. Đây là giải pháp tối ưu và bền vững. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng thịt lợn trên thị trường trong nước theo từng tháng, và nếu thiếu sẽ thực hiện nhập khẩu để bù đắp.
Bên cạnh đó, cần làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo tổng số lượng nhập khẩu đủ 100.000 tấn ngay trong tháng tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bởi đến thời điểm này mới nhập khẩu khoảng 5.000 tấn, dẫn tới thiếu nguồn cung.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn theo hướng giảm giá ở mức có thể. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các thương nhân mua bán thịt lợn nhằm tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Tập trung các giải pháp điều hành giá cả phù hợp với thực tiễn
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhấn mạnh, vấn đề cung - cầu rất quan trọng, giá thành, giá bán rất quan trọng nhưng chúng ta phải kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính.
"Nếu trong thời gian vừa qua chúng ta không có chỉ đạo, điều hành kiên quyết, không chuẩn bị sẵn sàng một lượng hàng hoá cần thiết thì chắc chắn giá cả tăng vọt” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm, chúng ta phải quản lý những mặt hàng thiết yếu và đây cũng là giải pháp để đảm bảo duy trì mức tăng lạm phát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra trong năm nay.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chuẩn bị dự thảo kết luận cuộc họp của Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá hôm nay để tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, phải thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định.
Về nhiệm vụ chỉ đạo điều hành giá quý I và cả năm 2020, Thủ tướng đề nghị tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về bình ổn giá cả thị trường, các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá trong bối cảnh nền kinh tế nước ta bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh.
“Yêu cầu các Bộ: Công Thương, Tài chính; các địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc quản lý giá cả thị trường, bảo đảm đủ cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, không để găm hàng, tăng giá bất hợp lý” - Thủ tướng chỉ đạo.
Cụ thể với mặt hàng thịt lợn, người đứng đầu Chính phủ giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Công an... thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm trên tinh thần đảm bảo hài hoà lợi ích của người chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Có giải pháp tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo cân đối cung cầu cả trước mắt và lâu dài. Đi cùng đó là nhiệm vụ bình ổn giá gạo, giá xăng dầu; tiếp tục giảm giá điện, giá nước, giá dịch vụ vận tải, viễn thông,... để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân.
“Các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về vấn đề tăng lương cơ bản, xem xét giá dịch vụ y tế, giáo dục, xem xét đánh giá, phân tích tác động của những gói hỗ trợ và đầu tư xây dựng cơ bản gắn với việc kiểm soát lạm phát” – Thủ tướng nói.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. “Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để xăng dầu tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh” – Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương giảm giá điện 10%, trong đó đặc biệt lưu ý đến những đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách.
Các bộ, ngành cũng cần khẩn trương đưa ra biện pháp cụ thể giảm giá các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, giá vật liệu xây dựng và các loại hàng hoá thiết yếu để vừa góp phần giảm khó khăn đời sống, giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Trong công tác điều hành vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp điều hành hiệu quả, gắn với điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ... để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Nguồn:Congthuong.vn

Link gốc