menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ

16:21 09/04/2019

Vinanet - Chiều ngày 5/4/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ.
Rất nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến các vấn đề "nóng" hiện nay, những lĩnh vực do ngành Công Thương quản lý đã được Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời tại Họp báo.
Quý I: Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD
Thông tin nhanh tại Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tóm tắt những kết quả về sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại ngành Công Thương đạt được trong Quý I năm 2019.
Theo đó, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không bứt phá mạnh mẽ như quý I/2018 nhưng vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Chỉ số phát triển công nghiệp trong 3 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kịch bản tăng trưởng do Bộ Công Thương xây dựng, trong đó ngành khai khoáng khai thác vượt mục tiêu (giảm 2,1%), mục tiêu là giảm 4%, chủ yếu do khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên giảm 6,3% do sản lượng các mỏ giảm tự nhiên theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, về mức tăng trưởng đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra tăng trưởng 9,4% (mục tiêu là 9,5%). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương, tăng 11,1% (mục tiêu là 12%) và thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,7%).
Tháng 3 năm 2019, Việt Nam xuất siêu ước đạt 600 triệu USD, tính chung cả quý I năm 2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Tình hình thị trường trong nước tiếp tục được bảo đảm ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Trong tháng 3, giá mặt hàng thịt lợn giảm do tình hình bệnh dịch tả lợn Châu phi có xu hướng lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố gây tâm lý lo ngại cho người dân nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm mạnh; giá xăng dầu được điều hành theo hướng giữ ổn định để giảm áp lực tăng giá lên các hàng hóa khác do yếu tố tâm lý trước việc điều chỉnh tăng giá điện với mức tăng tương đối lớn (8,36%) trong tháng 3; giá các mặt hàng khác tương đối ổn định.
Đối với công tác quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã phối hợp tích cực với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Theo báo cáo nhanh, trong quý I năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra trên 25.500 vụ; phát hiện và xử lý hơn 14.400 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 90 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 10 tỷ đồng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước
Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như:
Tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tập trung rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Sớm hoàn thành các dự án sản xuất công nghiệp đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung vào các dự án lớn...
Đối với thị trường trong nước, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước kết hợp với mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường trong nước, sớm hoàn thiện trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường trong nước ...
Thành lập "Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia" không dẫn đến "phình to" về biên chế của Bộ
Tại Họp báo, rất nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến các vấn đề "nóng" hiện nay, những lĩnh vực do ngành Công Thương quản lý đã được Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời.
Trả lời phóng viên VnExpress việc Bộ Công Thương giải thích ra sao về “phình to” biên chế khi lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, khi Chỉ thị của Chính phủ là các Bộ, ngành cần tinh giản biên chế, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, tháng 6/2018, Quốc hội đã thông qua Đạo luật quan trọng là Luật Cạnh tranh 2018, thay thế Luật Cạnh tranh 2014, có hiệu lực từ 1/7/2019, tức là 3 tháng nữa có hiệu lực. Trong Luật này có nhiều nội hàm liên quan điều chỉnh các hành vi bị cấm, tác động đến quản lý cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát tập trung kinh tế…
Cũng tại đây, Quốc hội thấy rằng cần có một mô hình cơ quan có đủ năng lực, trình độ, đủ khả năng để thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Cũng tại Quốc hội, các đại biểu đã bấm nút thông qua điều 46, quy định rõ về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này đã được định danh rõ và khi Luật cạnh tranh có hiệu lực, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG) có thể được ra đời để thực thi Luật Cạnh tranh 2018.
Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ chức năng nhiệm vụ cơ quan UBCTQG (tại điều 46 đã quy định 2) chức năng cơ bản là giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Thứ hai, thực hiện chức năng tài phán, quy trình thủ tục tố tụng cạnh tranh để xử lý, điều tra các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh… Đó là 2 chức năng cơ bản đã được quy định rõ trong Luật Cạnh tranh 2018.
Luật Cạnh tranh 2018 đã giao Chính phủ có quy định hướng dẫn chi tiết về bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh 2018: Nghị định hướng dẫn nội dung (Bộ Công Thương đã hoàn thành và trình Chính phủ); Những quy định xử lý vi phạm về Luật Cạnh tranh (Bộ Công Thương đã hoàn thiện); Xây dựng mô hình UBCTQG.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện nay, các thông tin liên quan đến Ủy ban, các nội dung qua Website Chính phủ đã được báo chí phản ánh đúng mực, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. "Chúng tôi sẽ triển khai đúng các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp thẩm quyền xem xét thông qua. Khi Nghị định này được Chính phủ đồng ý thông qua sẽ là cơ sở ra đời UBCTQG" - Cục trưởng khẳng định.
Uỷ ban không chỉ thực hiện 1 việc theo Luật Cạnh tranh mà còn liên quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Cục trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi đang thực hiện các nội dung liên quan đến bảo vệ quền lợi người tiêu dùng. Đó cũng là nhiệm vụ được gửi gắm tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Việc một cơ quan phải nhận nhiều nhiệm vụ chính là cách thu gọn đầu mối, một đầu mối làm nhiều việc".
Cơ sở thứ 4 là UBCTQG được thành lập trên cơ sở kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ và tổ chức trên cơ sỏ hiện trạng. Cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay có 2 cơ quan là Hội đồng Cạnh tranh quốc gia và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi đang thành lập đề án thành lập UBCTQG, trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị này. Đó chính là đáp ứng yêu cầu thu gọn bộ máy để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, tăng biên chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chỉ là luân chuyển cán bộ trong nội bộ của Bộ Công Thương, về cơ bản, vẫn đảm bảo con số tổng, do đó, không "phình to" biên chế.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Trả lời phóng viên về thị trường bán buôn điện cạnh tranh sau 3 tháng vận hành chính thức đến nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/01/2019, Bộ Công Thương triển khai mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó, các tổng công ty được phép trực tiếp mua điện từ một số nhà máy điện. Hiện nay, sản lượng điện được mua trực tiếp chiếm 10% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước.
“Từ 1/1/2019, bên cạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn 5 đơn vị nữa được trực tiếp mua điện thông qua thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để cho phép có thêm các tổng công ty được mua điện trực tiếp từ nhà máy và một số nhà máy được bán điện trực tiếp cho các tổng công ty” - ông Tuấn cho hay.
Sau 3 tháng triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách, thuế, hạ tầng cơ sở do các giao dịch tăng khá nhiều so với giao dịch trước đây. Giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ vận hành; đồng thời, tổ chức sơ kết 3 tháng vận hành để tập hợp vướng mắc, từ đó tìm giải pháp giải quyết.
Cũng trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét, cho phép thí điểm để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, dự kiến vào năm 2021.
Về việc thực hiện Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, hiện nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội hoặc các tỉnh có tập trung nhiều lao động như Hà Nam, Bình Dương, 100% chủ hộ đã ký cam kết bán điện đúng cho các hộ thuê nhà trọ. Các Sở Công Thương cũng có thường xuyên có kế hoạch đi kiểm tra trực tiếp các nhà trọ để đảm bảo điện được bán đúng giá.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Liên quan đến việc giá xăng dầu được cho là tăng sốc vào ngày 2/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/ lít là điều không mong muốn, song thực tế nếu không dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù thì mức tăng phải là 3.019 đồng/lít.
Trước đó, Chính phủ quyết định ngày 20/3 tăng giá điện. Do đó, vào kỳ điều hành ngày 18/3 vừa rồi, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá và dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù. Thứ trưởng dẫn chứng, xăng E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng nên giá xăng dầu trong nước buộc phải tăng theo.
“Bộ chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như người dân tiêu dùng, việc phải tăng giá xăng lần này là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải thực hiện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Thực hiện vai trò quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu, khi sự cố với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy chiếm gần 40% nguồn xăng dầu cả nước xảy ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng cũng như điều hành giá. Bộ Công Thương cũng khẳng định luôn nỗ lực để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và đời sống trong nước.
Cơ bản hoàn thiện bộ máy quản lý thị trường vào tháng 5
Chia sẻ tại buổi Họp báo, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, việc kiện toàn bộ máy quản lý thị trường hiện đang được thực hiện rất quyết liệt nhưng phải đảm bảo đúng quy trình. “Việc bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ phải thực hiện đúng quy định, phải kiện toàn tổ chức Đảng trước. Bộ đã xin ý kiến cho xây dựng mô hình, với 57 Đảng bộ được thành lập trực thuộc địa phương” – ông Linh cho hay.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, đến thời điểm này, cả 63 Cục QLTT đang xây dựng đội ngũ cán bộ và Bộ đã phê duyệt phương án tổng thể về phê duyệt cán bộ các cấp. Hiện tất cả 63 Cục đang tiến hành bổ nhiệm các vị trí. Theo Tổng cục trưởng, cách đây 2 tuần Bộ Công Thương đã lên phương án tổng thể về bổ nhiệm cán bộ các cấp cho lực lượng QLTT... Bộ đặt ra kế hoạch chậm nhất là trong tháng 5 về cơ bản hoàn thiện xong công tác này.
Ông Trần Hữu Linh không đồng tình với ý kiến cho rằng, do cơ cấu QLTT chưa xong, nên thời gian qua lực lượng này chưa phát hiện và xử lý được vụ việc nào lớn.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT giải thích, khi thực hiện công tác bổ nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao quyền Cục trưởng và quyền Đội trưởng. Như vậy, với thẩm quyền này, QLTT đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai công tác xử phạt hành chính.
Ông Trần Hữu Linh dẫn chứng, giai đoạn trước, trong và sau Tết, lực lượng này đã xử lý nhiều vụ liên quan đến an toàn thực phẩm và gần đây nhất, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Hà Nội) đã bắt vụ xì gà rất lớn, giá trị hơn 4 tỷ đồng. Vụ việc cũng đã được chuyển hồ sơ, tang vật sang cơ quan công an xem xét xử lý hình sự. Từ những kết quả trên, theo ông Linh, trong quý I/2019 vừa qua, lực lượng QLTT tập trung và ưu tiên những vụ việc mà nhờ có mô hình ngành dọc đã giải quyết được.
“Nếu như ngày xưa chỉ xử lý phần ngọn, bây giờ hàng giả xử lý dứt điểm đường dây, ổ nhóm, tụ điểm gốc. Đấy là vai trò, hiệu quả của việc thay đổi mô hình, dẫn đến việc xử lý tốt hơn trong kiểm tra, kiểm soát” - ông Linh chia sẻ.
Đối với việc làm giả nhãn mác hàng hóa, theo ông Trần Hữu Linh có 2 nguồn. Thứ nhất, rất nhiều doanh nghiệp gia công đặt hàng làm giả nhãn mác ngay ở nước ngoài, sau đó theo đường mòn, lối mở nhập lậu vào thị trường nội địa. Thứ hai, là sản xuất ngay trong nước. Nếu sản xuất trong nước, Tổng cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp khi phát hiện trên thị trường những hàng bị làm giả của các hãng nước ngoài. Gần đây, lực lượng QLTT đã bắt hơn 3.000 đồng hồ danh tiếng bị làm giả ở Nha Trang, do hãng nước ngoài biết, phát hiện và báo với quản lý thị trường.
Đối với việc làm giả nhãn mác ở nước ngoài vùng biên giới, sau đó đưa thẩm lậu vào trong nước, Tổng cục QLTT vẫn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan để thực hiện công tác chống hàng giả, hàng lậu. Khi hàng giả, hàng lậu vào thị trường nội địa thì Tổng cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngay. “Tuy nhiên, khi hàng lậu, hàng giả tuồn vào thị trường nội địa, đây là cả 1 vấn đề lớn vì liên quan đến xuất nhập khẩu về xuất xứ” – ông Linh khẳng định.
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững
Gần đây, một số siêu thị đã dùng lá chuối để gói thực phẩm. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, đây là hoạt động đáng hoan nghênh để góp phần bảo vệ môi trường sống, cũng như đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước.
Việc sản xuất, sử dụng bao bì thân thiện môi trường không phải đến năm nay mới sử dụng, mà từ năm 2007, Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) đã đi đầu trong việc sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy. Từ năm 2011, nhiều hệ thống chuỗi siêu thị theo phong trào này như: Saigon Co.op, Vinmart, các hệ thống Big C, Lotte cũng tích cực sử dụng bao bì túi nilon này.
Ngoài ra, trong hệ thống này đã sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Đây là hoạt động tích cực trong việc góp phần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc sử dụng bao bì này là 1 phần trong những chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, trước thắc mắc rằng dường như cơ quan quản lý nhà nước đang đi chậm so với sự phát triển của doanh nghiệp trong việc tiến tới mô hình kinh doanh xanh, bà Lê Việt Nga khẳng định, đó là nhận xét còn thiếu thông tin vì "từ 2013, các cơ quan Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương đã có các chương trình, văn bản xác định việc thay thế từng bước sử dụng túi nilon có phân hủy bằng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; chương trình tiết kiệm năng lượng; chương trình sản xuất sạch hơn… Đây là nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững".
Bà Lê Việt Nga cũng thông tin thêm, giá thịt lợn cả 3 vùng Bắc- Trung - Nam đã ấm lên, giá tăng từ 1.000 -5.000 đồng. Dự đoán khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì giá thịt lợn có khả năng tăng hơn nữa, tạo điều kiện tái đàn, phục vụ cân đối cung cầu của người tiêu dùng trong cả nước.
Tại buổi Họp báo, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã giải đáp phóng viên về những thắc mắc xoay quanh việc kỷ luật đối với cán bộ liên quan đến xe biển xanh; vướng mắc của Dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela (dự án Junin 2) của Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí PVN, việc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép…
Cũng trong khuôn khổ Họp báo, Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên - ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng đã thông tin về kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương.
Nguồn: Moit.gov.vn