Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các phóng viên, nhà báo. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã luôn nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan báo chí và truyền thông và đặc biệt là sự đồng hành của các nhà báo, phóng viên. Các sự kiện, hoạt động của ngành Công Thương luôn nhận được sự tham gia, đồng thuận, phản ánh kịp thời, đầy đủ, khách quan của các cơ quan thông tấn báo chí. Điều này đã đóng góp và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa từ các nhà báo, phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí để ngành Công Thương hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin kịp thời đến báo chí và mong muốn Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành và ủng hộ nhiều hơn nữa của các phóng viên và cơ quan báo chí.
Hoạt động kinh tế thương mại tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ
Thông báo về tình hình phát triển kinh tế - thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ, ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp - xuất khẩu - thị trường trong nước.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 và 5 tháng năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,5%) đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành sản xuất đã có sự phục hồi nhanh hơn trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm (từ mức 51,7 điểm trong tháng 4 lên mức 54,7 điểm của tháng 5), cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm.
Điều này cũng đã được phản ánh qua số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng tháng thứ hai liên tiếp tại thời điểm 01/5/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với năm trước.
Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng KNXK tăng 16,7%. 5 tháng 2022 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD).
Còn đối với Thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 tăng 22,6% là tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số. Tính chung 5 tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng đang dần trở lại khi nước ta mở cửa du lịch, thực hiện các biện pháp kích cầu, việc làm tăng trở lại, thu nhập gia tăng… Cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện…cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng).
Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5.
Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như: (1) làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa (2) chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. (3) tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.
Bên cạnh đó, Giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng với chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Theo đó Thứ trưởng cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, TMĐT. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao….
Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm
Tại buổi họp báo Bộ Công Thương quý II, các vấn đề dư luận quan tâm đã được làm rõ như: nguồn cung xăng dầu, các biện pháp điều hành giá, dự trữ quốc gia về xăng dầu…
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề xăng dầu, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, cách đây 3 tuần, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu về điều hành xăng dầu bằng công nghệ số. Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như hoạt động phân phối loại hàng hoá đặc biệt này tại thị trường nội địa để đảm bảo luôn luôn cân đối được cung cầu cũng như an ninh năng lượng.
Đối với nguồn cung xăng dầu trong nước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, để chủ động trong đảm bảo nguồn cung, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 để chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó luôn luôn đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
Đối với vấn đề giảm thuế xăng dầu, “Chúng ta cũng biết rằng thời gian qua, việc giảm thuế môi trường đã giúp giá xăng dầu trong nước không bị tăng sốc khi thị trường thế giới tăng phi mã” – bà Lê Việt Nga khẳng định. Đồng thời cho biết, Bộ Công Thương luôn phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước để nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vấn đề giảm thuế.
Đối với câu hỏi về dự trữ xăng dầu quốc gia, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Thuý Hiền chia sẻ, tại Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Hiện nay, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế Hoạch cho biết, để đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong kì họp tháng 9 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu xăng từ Malaysia theo phản ánh của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang chọn Singapore Platts – cơ quan thông tin đưa ra thông tin chính thống về giá cả xăng dầu hằng ngày. Đây cũng là cơ sở để tính giá xăng dầu trong nước.
“Đối với thị trường Malaysia cũng không có gì khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Riêng về nguồn cung, 6 tháng đầu năm 2022, ta đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở Nghi Sơn đang gặp khó khăn và việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ.
“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.
Liên quan đến phản ánh của phóng viên về cơ chế giá điện mặt trời, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định 11/2017/ QĐ-TTg về cơ chế cho điện mặt trời, cơ chế giá điện FIT ban hành theo 2 Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30/12/2020, các dự án sau thời gian này không được áp dụng cơ chế này nữa. Trong thời gian Chính phủ ban hành các Quyết định 11 và Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt đất cũng như điện mặt trời mái nhà, những cơ chế này đã có nhiều ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về giá.
"Những cơ chế ưu đã này đã giúp hệ thống điện mặt trời phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Hiện nay có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung đã có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam. Đây là con số tương đối lớn so với tỉ lệ cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam"- Phó Cục trưởng Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh và cho rằng, điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, nên cần phải cân đối các nguồn điện dự phòng khi phát trong những giờ cao điểm, hoặc phát vào ban đêm và khi không có ánh nắng.
Bên cạnh đó, đối với cơ chế giá FIT, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, cơ chế hỗ trợ của nhà nước chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút dự án đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp nữa. Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư, quy định về khung giá và xây dựng cơ chế đấu thầu cho chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện, Thông tư này vẫn đang trong quá trình dự thảo.
Nguồn:Nhóm phóng viên