menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm rõ ba nhóm vấn đề về đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

10:43 10/06/2022

Trả lời tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội vào chiều 7/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ 3 nhóm vấn đề liên quan đến ngành Công Thương trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, gồm: Nông sản của Việt Nam có thể trở thành hàng hóa bán ra thế giới được không? Làm thế nào để kiềm chế giá cả vật tư tăng cao để cho người sản xuất nông nghiệp có lãi? và cách nào để hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”?.
 
Tại phiên chất vấn chiều ngày 07/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã lần lượt trả lời các đại biểu Quốc hội 3 nội dung trên.
Cụ thể, với nội dung thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa có giá trị cao và bán ra thị trường thế giới. Bởi lẽ, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do, với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và người tiêu dùng lên tới gần 7 tỷ người, thị trường có độ mở rất lớn. Thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu được vào những thị trường rất khó tính, như: Mỹ, Liên minh châu Âu EU, Nhật Bản, Canada, Đức… và các nước phát triển. Điều này chứng tỏ, sản phẩm nông sản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn về thị trường. Việt Nam hiện cũng bán ra thị trường những cái mà thị trường cần, chứ không phải bán ra những cái mà mình có.
Thời gian qua, để tạo thuận lợi tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành để thuận lợi hóa thủ tục, thuận lợi hóa thương mại quốc tế.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường quốc tế, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số giải pháp chính, bao gồm:
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng làm thật tốt việc thông tin thị trường và thông qua thông tin thị trường sẽ định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để đưa các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào thị trường các nước và khai thác được lợi thế của 17 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành để tháo gỡ các thủ tục, thuận lợi hóa các thủ tục hành chính, hợp tác thương mại để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thuận lợi hơn, giảm các chi phí không cần thiết.
Thứ tư, Bộ sẽ triển khai đẩy mạnh Đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch mà Bộ Công Thương được giao chủ trì. Hiện Bộ đã hoàn tất Đề án, đang lấy ý kiến của một số bộ, ngành và cũng đã có 18/63 địa phương có ý kiến về Đề án. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, bộ ngành sớm có ý kiến để Bộ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2022, làm cơ sở cho việc thực hiện.
Thứ năm, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cơ chế khuyến khích xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông sản và đề nghị phải theo hướng chính ngạch.
Thứ sáu, các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thương mại điện tử, theo hướng vừa phát triển thương mại điện tử song hành phát triển thị trường truyền thống, phát triển thị trường trong nước đồng thời phát triển mạnh thị trường ngoài nước. Cùng với đó, các địa phương cũng cần làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường. 
Đối với nội dung thứ hai liên quan đến về vấn đề vật tư đầu vào tăng cao, làm thế nào để giảm và chia sẻ cái khó với người nông dân? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra thực tế rằng: Vấn đề vật tư đầu vào cao, khan hàng đang trở thành vấn đề phổ biến do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao do chính sách kích cầu của nhiều quốc gia.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương bằng các chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm tiền điện, giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu, theo đó những mặt hàng trong nước cần thì hạn chế xuất khẩu, tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Bộ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục áp dụng những chính sách và biện pháp vừa nêu trên, đặc biệt sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế, hoặc trong điều kiện đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu thế giới tăng cao sẽ thực hiện các chính sách an sinh cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế.
Đối với vấn đề “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra rằng ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện có quy mô nhỏ bé, phân tán và nhiều sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, nên rất khó cho việc xuất khẩu. Trong khi đó, sự liên kết kém và kế hoạch sản xuất chưa kết nối được với kế hoạch của thị trường. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo các địa phương, trước mắt phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường.
“Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ làm tốt việc thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tăng cường đàm phán với các nước để đưa sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường theo những Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá", cần tập trung 5 vấn đề, bao gồm: Một là, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, tức là phải tích tụ đất đai, liên kết sản xuất để có quy mô sản phẩm lớn, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hai là, gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; Ba là, tổ chức hệ thống phân phối, thương mại cả trong nước và ngoài nước theo hướng hiện đại; Bốn là, liên kết các mô hình nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; Năm là, liên kết sản xuất và tăng cường cơ chế để có thể bảo vệ sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài đạt kết quả cao nhất.
Hôm qua, thứ Ba, ngày 07/6/2022, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 12 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trong buổi sáng, Quốc hội họp riêng về các nội dung gồm: (1) Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; thảo luận, quyết định về công tác nhân sự (có Thông cáo báo chí riêng). (2) Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.
Tại phiên chất vấn các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn vào những nội dung sau: chiến lược phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới; định hướng đổi mới để đưa nông nghiệp đến tầm cao mới; việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp; chính sách tăng giá trị xuất khẩu nông sản đã qua chế biến; nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam; tình trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, thức ăn chăn nuôi giả; kiểm soát giá vật tư nông nghiệp; mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công tác phối hợp với Bộ Công thương trong việc bình ổn giá xăng dầu, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển; việc triển khai chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; vấn đề xây dựng thị trường quốc tế cho nông sản Việt Nam; việc triển khai Nghị quyết 67 hỗ trợ ngư dân; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp ở nông thôn; vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ các giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, “thực phẩm bẩn”; tình trạng nông sản ùn tắc dài ngày ở các cửa khẩu; thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; tình trạng đất đai bị suy thoái ở đồng bằng sông Cửu Long; tháo gỡ khó khăn cho các trang trại chăn nuôi; thay đổi tập quán canh tác của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long;...
Hôm nay, thứ Tư, ngày 08/6/2022, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc