menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên quán triệt Quản lý thị trường tuyệt đối không bỏ trống địa bàn quản lý

11:21 18/12/2024

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên quán triệt Quản lý thị trường tuyệt đối không bỏ trống địa bàn quản lý, không làm gián đoạn hoạt động kiểm tra.
Sáng ngày 17/12/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).
Cùng dự có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ như: Đảng ủy Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Thanh tra Bộ, Cục Hóa chất, Cục Công nghiệp... và sự tham gia của lãnh đạo 63 Cục QLTT các tỉnh, thành phố.
Lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ trong năm 2024
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt, đây không chỉ là hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 mà còn là hội ngộ, cuộc họp để bàn, triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo Chính phủ để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, lực lượng QLTT đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT - nhấn mạnh: Trong năm 2024, tình hình thị trường cơ bản ổn định, hàng hóa đa dạng với nguồn cung dồi dào, đặc biệt ở các nhóm hàng thực phẩm, thời trang và hàng tiêu dùng. Sự phong phú về chủng loại, xuất xứ và mức giá đã đáp ứng tốt nhu cầu ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh báo cáo về công tác QLTT năm 2024
Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ngày càng diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ nghiêm trọng gia tăng. Các đối tượng vi phạm không chỉ dừng lại ở khâu thương mại mà còn tham gia toàn bộ chu trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối, đưa hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào lưu thông. Quy mô vi phạm lớn, số lượng và giá trị hàng hóa vi phạm cao, nhiều vụ việc phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý dấu hiệu hình sự.
Một số vụ điển hình gồm: phát hiện, thu giữ sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang và Sóc Trăng; sản xuất bóng golf giả tại Yên Bái; thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả của Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan; gạo giả thương hiệu "Gạo Ông Cua"; sản xuất thuốc giả nhãn hiệu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam và động cơ máy nổ giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại HBT. Ngoài ra, nhiều vụ sản xuất thực phẩm bổ sung giả mạo nhãn, bao bì tại Hà Nội và Tây Ninh cũng bị phát hiện.
Đáng chú ý, các vi phạm không còn giới hạn ở các đối tượng nhỏ lẻ, thời vụ mà lan rộng đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân đầy đủ, được cấp giấy phép kinh doanh, cho thấy sự tinh vi và tổ chức bài bản hơn trong các hành vi vi phạm. Số vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh và quy định pháp luật trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngày càng gia tăng, với nhiều trường hợp điển hình bị phát hiện và xử lý. Nổi bật là các vi phạm trong kinh doanh rượu, như mua bán sai đối tượng, ngoài địa bàn được cấp phép, hoặc trong kinh doanh xăng dầu, với hành vi mua bán trái phép ngoài hệ thống phân phối, không đáp ứng các điều kiện kinh doanh bắt buộc của thương nhân phân phối.
Tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động. Ngoài ra, hàng hóa vi phạm được các đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Tình hình vận chuyển kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có xu hướng giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, vi phạm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười gia tăng với các hành vi vi phạm chủ yếu như nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.
Lĩnh vực thương mại điện tử: đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động. Trong năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
Năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, năm 2024, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023). Thu nộp NSNN trên 541 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó: trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là 205 tỷ đồng.
Trong bối cảnh gia tăng các vấn đề về hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, Tổng cục đã tham mưu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319), bên cạnh việc tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức thực thi công vụ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức của các bên liên quan; rà soát, hệ thống hóa để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về hoạt động TMĐT; yêu cầu các Sàn TMĐT, đặc biệt các Sàn lớn như: Shoppe, Lazada, Tiki, TikTok, Sendo kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường hoạt động sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm; thành lập Tổ TMĐT tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong toàn lực lượng.
Trong năm 2024, xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh thông qua hoạt động TMĐT có xu hướng tăng cao, tại nhiều địa phương, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã chủ động thành lập 63/63 Tổ TMĐT nhằm thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, tham mưu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến các vụ việc về TMĐT. Lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 04 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220 % so với năm 2023); đặc biệt, trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023). Đối với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật (như Temu, Shein, 1688), Tổng cục QLTT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, đã có 18 ý kiến phát biểu đại diện các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, Cục QLTT địa phương, Tổng cục đánh giá về tình hình hoạt động cũng như công tác phối hợp của lực lượng và các đơn vị; họp bàn triển khai thực hiện chủ chủ trương c ủa Trung ương và Kế hoạch của Ban chấp hành Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Lãnh đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố phát biểu tham luận, trao đổi ý kiến tại hội nghị

Tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Tổng cục và toàn lực lượng QLTT đã đạt được trong 6 năm qua, đặc biệt là trong năm 2024.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động QLTT vẫn còn những hạn chế, yếu kém, và những vấn đề đặt ra cho lực lượng QLTT cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nền kinh tế mở cung với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử (nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác QLTT. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt mục tiêu chung của công tác QLTT năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị toàn lực lượng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025 được giao, thông qua các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, lực lượng QLTT cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng. “Kể cả thay đổi mô hình quản lý, tuy nhiên mô hình ấy được thiết kế như thế nào, chức năng nhiệm vụ ra sao… thì ý kiến của các đồng chí trong tương lai là quan trọng. Bộ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, và đề nghị lực lượng QLTT tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền có quy định cụ thể, rõ ràng, để phát huy vai trò của mình trong tương lai”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường (đặc biệt là trong các dịp Tết, Lễ) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhắc lại tinh thần quyết liệt, không được để có khoảng trống, không để bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng QLTT.
“Các nhiệm vụ của lực lượng QLTT theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT vẫn phải được các lực lượng QLTT địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc. Thực hiện đến khi nào văn bản pháp luật mới có hiệu lực thì mới thay đổi theo quy định mới”- Bộ trưởng một lần nữa lưu ý và đề nghị lực lượng QLTT tiếp tục chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử).
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Tư lệnh ngành cũng lưu ý, trong giai đoạn chuyển tiếp, rất có thể có nhiều hơn các vi phạm nên đòi hỏi lãnh đạo lực lượng QLTT cần lưu ý, cảnh báo sớm và xử lý nghiêm nếu xảy ra sự việc trên.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
Năm là, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng QLTT thời gian tới theo chủ trương của Trung ương và kế hoạch của Ban chấp hành trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ cũng như của Bộ Chính trị.
Tuyệt đối không để gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường
Liên quan đến nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng QLTT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã thống nhất, báo cáo với Ban Chỉ đạo Chính phủ về dự kiến kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục QLTT thuộc Sở.
"Đây là điều khá tiếc nuối nhưng đây là việc không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, tôi đề nghị cấp uỷ, Lãnh đạo Tổng cục QLTT và các Cục QLTT địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và chỉ đạo, toàn lực lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ.
Bộ trưởng cũng lưu ý, cần giải thích kỹ lưỡng về sự thay đổi cơ chế vận hành, không làm thay đổi tính chất, chức năng nhiệm vụ của lực lượng QLTT đối với cán bộ toàn hệ thống, nhất là cán bộ cấp đội, cấp cơ sở. Quan tâm trong việc sắp xếp, bố trí thực hiện chính sách cho cán bộ một cách thỏa đáng. Bộ sẽ thiết kế cơ chế để đảm bảo quyền lợi chính sách cho cán bộ quản lý đến công chức thực thi công vụ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực lượng và từng cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học), nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (Tổ, Đội).
"Tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác QLTT bị buông lỏng" - Bộ trưởng chỉ đạo.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu, cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, Tổng cục và các Cục QLTT địa phương phải bám sát yêu cầu, mọi hoạt động của lực lượng diễn ra theo bình thường theo đúng quy định hiện hành. Tuyệt đối không được xảy ra lỗ hổng trong quản lý, khủng hoảng trong hệ thống; phải quán triệt và thực hiện định hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao”- Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý lực lượng QLTT về các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT hiện nay và đơn vị dự kiến mới trong tương lai và các đơn vị có liên quan trong Bộ như Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ cần chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về quản lý, bỏ trống địa bàn phụ trách.

Về phía Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chính sách cán bộ hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trong lực lượng QLTT triển khai nhiệm vụ mới tốt hơn khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, toàn lực lượng sẽ nghiêm túc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và dù ở đơn vị nào lực lượng QLTT cũng thể hiện bản lĩnh của người lính trung kiên, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, trở thành lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc