Tại các phiên chất vấn trước đây chủ yếu chỉ có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương tham dự nhưng lần này các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đều có thể tham gia chất vấn.
Theo chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV và kể từ phiên họp tháng 8/2019 đến nay và được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tiến hành chất vấn.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tiếp nối thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, cùng với việc các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình, thì phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực, thực chất, được dư luận và cử tri đánh giá cao, khẳng định đây là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan toả tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát và hoạt động của Quốc hội, luôn luôn bám sát thực tiễn và hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.
Căn cứ quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề. Cụ thể, là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên-môi trường liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 bộ quản lý ngành nêu trên mà còn liên quan đến các Bộ nghành liên quan, thời gian chất vấn không nhiều.
Do đó, để đảm bảo hiệu quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu trên cơ sở các tài liệu đã được gửi, quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ, mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào 02 nội dung: Thứ nhất, là liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành như (Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 82/2019/QH14, Nghị quyết số 100/2019/QH14, Nghị quyết số 33/2016/QH14, Nghị quyết số 63/2018/QH14...).
Thứ hai, là việc thực hiện những việc mới, những vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân..., trên cơ sở đó để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn.
Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và một số bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình. "Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, tôi tin tưởng rằng các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các đồng chí thành viên Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại nhiều ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước... tiền đề quan trọng để chúng ta có niềm tin vào sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội và có những kinh nghiệm vững chắc để tiếp tục tổ chức các phiên chất vấn ở các kỳ họp tiếp theo" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Là người phát biểu mở đầu tại phiên chất vấn Quốc hội sáng ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo điều kiện để Bộ Công Thương có cơ hội giải trình về những vấn đề mà cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương là Bộ có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, bao gồm nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế; trong đó có những lĩnh vực tương đối phức tạp, nhạy cảm, vì vậy luôn được cử tri, nhân dân và các vị Đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong hơn 02 năm qua, cùng với cả nước, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid 19 gây ra. Môi trường bên ngoài cũng không mấy thuận lợi, một phần vì đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gây khó cho tất cả các bên, nhất là các nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Bước sang năm 2022, trong khi đang phải đối diện với nguy cơ gia tăng lạm phát trên quy mô toàn cầu do hầu hết các quốc gia đều tăng các gói kích cầu để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch thì lại nổ ra sự kiện Nga - Ukraina. Biến cố này, kết hợp với các biện pháp trừng phạt về kinh tế của các nước phương Tây nhằm vào Nga - một nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới, đã và đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó có nước ta. Nguồn cung và giá cả hàng hóa trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường thế giới, nhất là về xăng dầu. Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức to lớn đó, ngành Công Thương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, kịp thời, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đã nỗ lực hết mình, chủ động, sáng tạo, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất; cung ứng điện, hàng hóa thiết yếu khá đầy đủ, ổn định; đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực về sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, đặc biệt là XNK hàng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế với việc lần đầu tiên đạt kim ngạch XNK 670 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 336 tỷ USD và đưa vào thực thi 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn là FTA với EU, Vương quốc Anh và gần đây nhất là Hiệp định RCEP, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cần phải tập trung giải quyết. Trước hết là tình hình giá một số nguyên, vật liệu chiến lược, nhất là xăng dầu tăng cao. Tình trạng buôn lậu, hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tiếp đến là tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới phía Bắc - hệ quả của chính sách phòng, chống dịch Covid-19 rất nghiêm ngặt của Trung Quốc và tập quán sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, xuất hàng tiểu ngạch của nhiều địa phương trong nước.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề này. Để bảo đảm đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, ngay từ đầu tháng 01/2022, Bộ đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của NMLD Nghi Sơn. Chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các doanh nghiệp đầu mối và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài xử phạt cao nhất. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước và bám sát diễn biến của thị trường thế giới. “Nhờ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt đó, tình hình cung cấp xăng dầu được duy trì ổn định; nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết Quý II/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất xăng dầu trong nước vẫn chưa đạt sản lượng cam kết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ đã ban hành hoặc tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ; chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất đối với nhiều mặt hàng, lĩnh vực trong nền kinh tế; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tấn công, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn. Nhờ vậy, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực; tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu, Bộ cùng với các Bộ liên quan kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc và trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; đồng thời, Bộ đã đẩy mạnh giao thiệp với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức (họp trực tuyến, trao đổi Công thư...) để cùng tìm biện pháp xử lý; kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết hàng hoá ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc mở lại và duy trì thông quan tại các cửa khẩu; bên cạnh đó, Bộ đã chủ trì xây dựng, nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu phía Bắc theo hình thức thương mại chính ngạch và Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu và thúc đẩy hoạt động XNK của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai. Nhờ những nỗ lực đó, tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước được tháo gỡ; lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là ở thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán 2022.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi tin rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành Công Thương cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn và cầu thị, Bộ Công Thương rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự chia sẻ, ủng hộ, cổ vũ, động viên của cử tri và nhân dân cả nước”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương