Tham dự buổi làm việc có bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư tỉnh uỷ Lai Châu, ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu. Đi cùng Đoàn công tác còn có lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Bộ trưởng Nguyên Hồng Diên làm việc tại Lai Châu
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu với lãnh đạo tỉnh Lai Châu
Nhiều kiến nghị quan trọng
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho biết: Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và là “phên dậu” của tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là tỉnh có nhiều lợi thế về để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ điện và khoáng sản (đặc biệt là đất hiếm).
7 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhứng kết quả khả quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bí thư tỉnh uỷ Lai Châu Giàng Páo Mỷ chủ trì buổi làm việc
Cụ thể, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trung bình trong 3 năm (từ 2021-2023) đạt khoảng 3,91%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 năm (2021-2023) ước đạt 6.425,9 tỷ đồng; trong đó năm 2021 đạt 2.067,7 tỷ đồng, năm 2022 đạt 2.223,6 tỷ đồng và năm 2023 ước đạt 2.134,6 tỷ đồng).
Kết cấu hạ tầng, kỹ thuật được cải thiện, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn từ cấp IV, cấp VI miền núi. Hiện 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận lợi, mặt đường đã được cứng hóa; 99% thôn, bản có đường ô tô xe máy đi lại thuận lợi; 96,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 99% dân số đô thị được sử dụng nước sạch.
Hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 94,2%; tỷ lệ trường học được xây dựng kiên cố đạt 99,7%. Tháng 5/2023, tỉnh đã mở và đưa vào khai thác thí điểm tuyến vận tải hành khách đường bộ quốc tế thành phố Lai Châu (Việt Nam) - huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc). Cửa khẩu Ma Lù Thàng được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu đang được đầu tư sẽ mở ra cho tỉnh nhiều cơ hội kết nối, phát triển kinh tế, xã hội với các tỉnh trong khu vực, phát triển kinh tế biên mậu.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, cải cách hành chính được đẩy mạnh, an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa tỉnh Lai Châu với các địa phương của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, 3 tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Hàn Quốc, Iran và một số đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tiếp tục được duy trì và phát triển theo chiều sâu; công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh.
Đặc biệt, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm. Tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha với tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn. Trong đó, khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường (2 khu vực mỏ là mỏ đất hiếm Đông Pao và mỏ đất hiếm Nam Đông Pao, có tổng diện tích khoảng 1.373 ha); Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ; Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ và Mỏ đất hiếm Thèn Thầu, huyện Phong Thổ.
Hiện tại đã hoàn thành thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Cấp thăm dò mới trong giai đoạn 2021-2030 các mỏ: Nam Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), Khu 3 - Nam mỏ Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) và mỏ Thèn Sin (huyện Tam Đường). Cấp thăm dò trong giai đoạn 2031-2050 đối với mỏ Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Đồng thời tiếp tục khai thác mỏ đã cấp gồm Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). Tỉnh cũng đã quy hoạch chế biến 5 nhà máy chế biến đất hiếm.
Vẫn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, dù có nhiều thuận lợi song tỉnh Lai Châu xác định còn nhiều khó khăn về quy hoạch năng lượng, lĩnh vực thương mại, khai thác chế biến khoáng sản... Cơ cấu ngành công nghiệp tập trung vào thuỷ điện, thiếu tính bền vững về dài hạn; quy mô công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản còn nhỏ, công nghệ chế biến chưa cao; nguồn cung và chất lượng nguyên liệu không ổn định; các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp địa phương vào hoạt động trong cụm công nghiệp.
Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trên địa bản tỉnh Lai Châu còn hạn chế. Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đa phần hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, có quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao, vốn ít, khả năng cạnh tranh yếu và chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn để đáp ứng yêu cầu hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Quy hoạch điện VIII và dự thảo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có nội dung phát triển năng lượng. Tuy nhiên, các dự án thủy điện tiềm năng trong quy hoạch, đơn vị tư vấn quy hoạch mới xác định được địa điểm, công suất, chưa xác định được các thông số chính của dự án như: Mực nước dâng bình thường, mực nước chết, mực nước hạ lưu nhỏ nhất… gây khó khăn trong việc triển khai các dự án sau khi quy hoạch được phê duyệt do các dự án có khả năng chồng lấn vào nhau.
Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Công thương trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, về công nghiệp, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Công Thương xem xét sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, cung cấp hồ sơ quy hoạch và cập nhật các dự án nguồn điện theo đề xuất của UBND tỉnh vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Chỉ đạo các đơn có liên quan tính toán, cân đối công suất các nguồn điện trên địa bàn toàn quốc được huy động trong mùa mưa. Trong đó ưu tiên huy động tối đa công suất phát điện của các nhà máy thủy điện lớn, nhằm sử dụng tối ưu tài nguyên nước, hạn chế xả thừa trong mùa mưa tại các công trình thủy điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn thu ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư điện mặt trời áp mái tại nhà dân, trụ sở cơ quan để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp và người dân khi tham gia các chương trình tiết kiệm điện.
Xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; giới thiệu nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực quan tâm đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hoặc có nhu cầu triển khai thực hiện các dự án trong cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Về thương mại, đề nghị Bộ Công Thương xem xét ủy quyền cho Sở Công Thương tỉnh Lai Châu thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lai Châu sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc).
Hiện tại tỉnh Lai Châu đang phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) triển khai các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới tại các vị trí: Cửa khẩu Ma Lù Thàng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc); Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Cửa Cải, Trấn Kim Thủy Hà (Trung Quốc); Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Seo Cô San (Trung Quốc); Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Dền Suối Thàng (Trung Quốc); Mốc số 17 huyện Mường Tè và huyện Giang Thành (Trung Quốc).
"Vì vậy đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn tạo, điều kiện để tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện tốt các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới hai Bên, nhất là một số sản phẩm nông sản", ông Lương nhấn mạnh.
Về khai thác, chế biến khoáng sản, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng. Hướng dẫn tiêu chí đánh giá về công nghệ trong khai thác, chế biến đất hiếm nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm đến môi trường.
Xem xét, giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Và giới thiệu các đơn vị có đủ năng lực để liên kết, hợp tác thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại mỏ đã được quy hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu kiến nghị điều chỉnh giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư.
"Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN nghiên cứu, xem xét thành lập quỹ để thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội và tri ân đối với đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện", Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương nói.
Loạt giải pháp trọng tâm giúp Lai Châu tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu đã nêu khá đầy đủ, toàn diện tình hình thực tế của tỉnh thời gian qua; nhận diện được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất tương đối cụ thể, bao quát.
Đồng thời khẳng định, Lai Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như công nghiệp và thương mại nói riêng như phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, thủy điện nhỏ, công nghiệp chế biến nông sản đặc hữu (mắc-ca, cao su, quế, chè); công nghiệp chế biến gỗ…
Tuy vậy, nhìn chung ngành công nghiệp, thương mại của tỉnh Lai Châu dù đạt kết quả nhất định nhưng còn một số hạn chế. Công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thuỷ điện, quy mô công nghiệp chế biến nhỏ, công nghệ chưa cao, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp địa phương.
Những tháng đầu năm 2023, do nắng nóng kéo dài, mực nước các hồ thủy điện cạn kiệt làm giảm mạnh sản lượng điện dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng giảm mạnh (giảm 36,29% so với cùng kỳ) và thấp hơn nhiều so với cả nước (cả nước giảm 0,7%).
Lai Châu cũng chưa tận dụng được lợi thế để phát triển thương mại biên giới và kinh tế cửa khẩu. Chất lượng lao động còn hạn chế so với mức bình quân cả nước; số lượng lao động kỹ thuật bậc cao, tay nghề giỏi trong các ngành sản xuất còn khiêm tốn. Khu vực kinh tế tư nhân hoạt động còn ít về số lượng và yếu về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, UBND tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền vận động sâu rộng và triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện, thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu để sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các dự án đầu tư (nhất là các dự án trọng điểm). Trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, cần rà soát đảm bảo tính thống nhất ở mức cao nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, trong đó có 4 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng; đồng thời chủ động đề xuất những phương án, định hướng của Tỉnh trong Quy hoạch Vùng trung du miền núi Bắc Bộ; các quy hoạch hoạch ngành quốc gia hiện đang trong quá trình lập.
Cùng với việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) của địa phương để sẵn sàng triển khai các dự án đầu tư thời gian tới, nhất là dự án lớn.
Thứ ba, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công tạo động lực, dẫn dắt đầu tư tư, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư – sử dụng công. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin để triển khai các thủ tục hành chính ở cấp độ 3, cấp độ 4. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, ban hành, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào khu vực khó khăn, các dự án trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất, khai thác, chế biến gắn với vùng nguyên liệu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Thứ tư, xác định rõ định hướng, quy hoạch và kế hoạch thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ trên địa bàn để phát huy lợi thế các cửa khẩu quốc gia, quốc tế, phát triển kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logistics.
Thứ năm, đối với lĩnh vực công nghiệp, cần phát triển các ngành chủ lực, có thế mạnh như khai khoáng, chế biến nông lâm sản, thủy điện; phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, củng cố chuỗi liên kết doanh nghiệp nhằm nâng cao tính tự chủ trong cơ cấu giá trị công nghiệp địa phương. Sản phẩm đất hiếm có vai trò đặc biệt trong chuỗi sản xuất công nghiệp giá trị cao toàn cầu. Do vậy, dự án khai thác đất hiếm đầu tiên và duy nhất đến nay tại Đông Pao, Lai Châu cần được quan tâm.
Thứ sáu, đối với lĩnh vực năng lượng, cần tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế của UBND tỉnh Lai Châu về phát triển thủy điện. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Thủy điện Lai Châu và các dự án của EVN trên địa bàn, đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng nguồn điện và lưới điện, phù hợp với tiến độ đầu tư được phê duyệt. Phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phát triển hệ thống lưới điện phân phối đến các thôn bản chưa có điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nhất là địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.
Thứ bảy, đối với hoạt động thương mại, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng kết hợp với phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là đã và sẽ ký kết, nhất là các Hiệp định có Trung Quốc tham gia như Hiệp định ASEAN-Trung Quốc, RCEP và khuyến khích xuất khẩu chính ngạch.
Thứ tám, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ, lao động kỹ thuật bậc cao, tay nghề giỏi. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức đủ tâm và tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò sức mạnh quần chúng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giải quyết việc khó, việc lớn ở địa phương.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Sovico - HDBank, Tổng công ty SGI... đã trao quà tặng an sinh xã hội cho tỉnh Lai Châu trị giá nhiều tỷ đồng.
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương