menu search
Đóng menu
Đóng

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan

11:02 15/09/2017

Vinanet - Các hội nghị này là sự kiện quan trọng để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 (AEM 49) và các hội nghị liên quan, bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 31, Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 20, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 10 đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Hoa Kỳ, Nga, Ca-na-đa, Hồng Công; Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 5, Hội nghị Bộ trưởng Mê Công-Nhật Bản lần thứ 9, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 được tổ chức từ ngày 06 đến ngày 11 tháng 9 năm 2017 tại Ma-ni-la, Phi-lip-pin. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Các hội nghị này là sự kiện quan trọng để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) tập trung vào việc thảo luận các ưu tiên hợp tác kinh tế năm 2017 của ASEAN; rà soát tổng thể lộ trình thực hiện các cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2017; định hướng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong số đó, các nội dung quan trọng nhất là xây dựng các cơ chế, chính sách trong khu vực giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ (MSME) tận dụng tốt các hiệp định thương mại nội khối, vượt qua các thách thức mới khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, có tác động sâu rộng đến mọi doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, ASEAN tiếp tục thúc đẩy cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn khu vực ASEAN, phát triển thương mại điện tử, nhân rộng và tạo thuận lợi cho mô hình kinh doanh với người có thu nhập thấp, xây dựng chỉ số thuận lợi hóa thương mại ASEAN. Đây là các sáng kiến dự kiến sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Song song với Hội nghị AEM lần thứ 49, Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 10 tháng 9 năm 2017 nhằm thống nhất các yếu tố chính cần đạt được trong từng lĩnh vực để đàm phán đạt kết quả đáng kể vào cuối năm 2017 và chỉ đạo định hướng thúc đẩy đàm phán trong các lĩnh vực chủ chốt như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư.

Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả đạt được đến nay trong việc cải thiện và thúc đẩy hơn nữa các khuôn khổ thương mại tự do với đối tác, ghi nhận hiện trạng đàm phán và thực thi FTA của ASEAN với các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân và Hồng Công-Trung Quốc. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình hợp tác với các đối tác khác như Ca-na-đa, Nga và Hoa Kỳ.

Bên cạnh các sự kiện chính, cùng với các Bộ trưởng ASEAN, đoàn Việt Nam đã có nhiều cuộc làm việc song phương với Bộ trưởng và Trưởng đoàn của các nước: Ma-lai-xi-a, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nước chủ nhà Phi-lip-pin. Tại các cuộc gặp này, ta đã khẳng định các đóng góp của Việt Nam cho thành công của ASEAN vào dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Ta cùng các nước cũng bàn một số khuôn khổ và giải pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương với các đối tác.

Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN , tăng trưởng GDP của ASEAN duy trì ở mức 4,8% năm 2017. Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN đạt 2,22 nghìn tỷ USD năm 2016, trong đó 23,5% là thương mại nội khối. Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc, EU và Nhật Bản là ba đối tác thương mại hàng đầu. Tổng thương mại dịch vụ của ASEAN vẫn ổn định với 643,4 tỷ USD trong đó 16,6% là thương mại nội khối.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đạt 96,72 tỷ USD năm 2016, trong đó 24,8% là đầu tư nội khối ASEAN. Ba nguồn FDI lớn trong khu vực là từ EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngành dịch vụ vẫn là ngành thu hút nguồn FDI lớn nhất đối với ASEAN, chiếm 77,08 tỷ USD tương đương 79,7% tổng vốn năm 2016.

Vụ Chính sách thương mại đa biên

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương