Ngày 21 tháng 8 năm 2023, thừa ủy quyền Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Zhumangarin Serik Makashevich, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập CH Kazakhstan đã ký Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025 (Kế hoạch hành động chung).
Kế hoạch hành động chung là văn kiện được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận tại Biên bản Khóa họp lần thứ 10 Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật (UBLCP). Kế hoạch hành động chung bao gồm 16 hoạt động hợp tác do các Bộ ngành, địa phương của hai Bên thống nhất về đầu nhiệm vụ, thời gian thực hiện và cơ quan đầu mối phụ trách. Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với việc rà soát quá trình thực thi Kế hoạch hành động chung, cũng như là cơ quan đầu mối triển các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: chủ trì tổ chức Khóa họp 11 UBLCP giữa hai nước; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin ngoại thương; hỗ trợ tổ chức các phái đoàn kinh tế - thương mại giữa hai Bên; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các đối tác của Kazakhstan; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án mở rộng quy mô sản xuất thực phẩm tại Kazakhstan.
Trong bối cảnh quan hệ kinh tế - thương giữa Việt Nam và Kazakhstan còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước, việc triển khai Kế hoạch hành động chung sẽ giúp hai Bên cụ thể hóa về lộ trình và các đầu mối chịu trách nhiệm đối với các nội dung ưu tiên hợp tác, đồng thời UBLCP cũng sẽ là cơ chế rà soát, đánh giá việc triển khai các nội dung này.
Như vậy, có thể nói việc thống nhất Kế hoạch hành động này có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường của nhau. Ngoài ra, Kế hoạch hành động chung cũng sẽ là tiền đề để hai Bên tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhiều hoạt động hợp tác mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiềm năng như đầu tư, giao thông vận tải, du lịch, hợp tác địa phương...
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương