menu search
Đóng menu
Đóng

Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ II

23:17 31/07/2020

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương đã đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
 
5 năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ II đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Về hoạt động của khối quản lý nhà nước:
Trong nhiệm kỳ qua đã có sự đổi mới và chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong các hoạt động của Bộ Công Thương nói riêng và của ngành Công Thương nói chung, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Đảng, Nhà nước giao cho ngành Công Thương và các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ II đề ra.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và vừa phòng chống dịch Covid-19, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, quyết liệt, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế và có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (xấp xỉ 55%); trở thành động lực chính của xuất khẩu Việt Nam với tỷ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, qua đó đã đưa năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam lên vị trí thứ 42 vào năm 2019.
Xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế về kinh tế đạt được những dấu ấn quan trọng: Thành công trong phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn gắn liền với quá trình mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế về kinh tế.
Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực và hiện đang tiếp tục đàm phán 03 FTA. Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; qua đó góp phần cải thiện thành tích xuất khẩu của Việt Nam, đưa nước ta từ vị trí thứ 50 vào năm 2010 lên vị trí thứ 22 trên bảng xếp hạng về thành tích xuất khẩu toàn cầu vào năm 2019 (theo Tổ chức thương mại quốc tế- WTO).
Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2019 đạt trung bình 13,4%/năm (cao hơn mục tiêu 10-12%/năm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020; cao hơn mục tiêu 11-12%/năm được đề ra tại Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cải thiện tích cực, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với mục tiêu và lộ trình thực hiện chiến lược.
5 năm qua, hội nhập quốc tế về kinh tế đạt được những dấu ấn quan trọng
5 năm qua, hội nhập quốc tế về kinh tế đạt được những dấu ấn quan trọng
Phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử: Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Đây là kết quả của sự gia tăng nhanh chóng trong thu nhập của người dân và quá trình hội nhập sôi động của Việt Nam những năm qua. Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2017-2019 là trên 25%/năm (theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) giai đoạn 2017-2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM).
Hoàn thiện thể chế và chính sách: Bao trùm lên tất cả những kết quả tích cực đạt được nêu trên là thành công của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến và tổ chức bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành đi đầu cả nước về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã rà soát, ban hành phương án, thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 877 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ (tương đương với 72%).
Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế và có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước
Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế và có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước
Đã hoàn thành đơn giản hóa, cắt giảm 33 thủ tục hành chính; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Văn phòng giải quyết thủ tục hành chính một cửa tại Bộ. Tiếp tục duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng của Cơ quan Bộ phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 9001:2015 và chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Kiện toàn, tổ chức lại bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả: Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, năm 2017-2018, Bộ Công Thương đã thực hiện sắp xếp, cơ cấu tổ chức bộ máy, trong đó, các đơn vị hành chính trực thuộc Bộ được sắp xếp giảm từ 30 đầu mối xuống còn 26 đầu mối (giảm 4 đơn vị), số lượng cấp phòng được sắp xếp từ 197 xuống còn 123 phòng (giảm 74 phòng). Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trực thuộc Bộ Công Thương với mục tiêu xây dựng lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.
Về hoạt động của khối các đơn vị sự nghiệp:
Cấp ủy các tổ chức đảng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, nêu cao vai trò trách nhiệm để lãnh đạo đơn vị mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ giao: Thực hiện tốt chương trình nâng cao năng lực tham mưu, nghiên cứu khoa học; nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực được phân công; Công tác thông tin, báo chí xuất bản phát huy và làm tốt chức năng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng phát triển của Bộ, ngành. Công tác khám chữa bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ công chức và người lao động được chăm lo. Công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, cán bộ quản lý đào tạo được nâng cao hơn về chất lượng. Các Hiệp hội ngành nghề thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ, tư vấn tuyên truyền chủ trương phát triển kinh tế ngành; xây dựng Hội, Hiệp hội ngày càng vững mạnh.
Hoạt động của khối doanh nghiệp:
Các tổ chức đảng của khối doanh nghiệp chiếm tỷ lệ hơn 30% trong Đảng bộ Bộ, hoạt động của các doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện vừa chuyển đổi mô hình quản lý, vừa thực hiện chủ trương thoái vốn của Chính phủ, vừa đối phó với tác động của khủng hoảng kinh tế, sức ép về bảo toàn vốn, về nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, lợi tức của cổ đông cũng như công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.
Các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Bộ đã làm tốt vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, đảng viên và người lao động khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp; các cấp ủy đã phối hợp tốt với Hội đồng quản trị, Ban giám đốc của các doanh nghiệp trong việc tham gia lãnh đạo, thực hiện việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng:
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Đảng ủy Bộ và các tổ chức đảng trực thuộc chú trọng, quan tâm chỉ đạo sát sao; nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, những biểu hiện chưa đúng trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trong phối hợp công tác, trong lối sống, giao tiếp, ứng xử, phát ngôn của đảng viên để kịp thời uốn nắn, nhắc nhở, giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Bộ không nảy sinh những vấn đề bức xúc, nổi cộm về tư tưởng, về quyền lợi, trách nhiệm của đảng viên.
Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng thực hiện việc rà soát, bổ sung lý lịch để hoàn thiện hồ sơ lý lịch cán bộ, công chức và đảng viên, làm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, quản lý cán bộ, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với 185 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, trong diện Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ quản lý.
Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2019 đạt trung bình 13,4%/năm (cao hơn mục tiêu 10-12%/năm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-20200

  Đảng ủy Bộ Công Thương luôn đặt công tác đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm. Các cán bộ, đảng viên đều nghiêm túc thực hiện xây dựng Bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, nhìn chung ở các chi bộ trong Đảng bộ Bộ không nảy sinh những vấn đề bức xúc, nổi cộm.

Trong nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ đã kết nạp đảng: 391 đảng viên mới; chuyển chính thức: 349 đảng viên dự bị. Làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng: 1.049 lượt đảng viên (trong đó: chuyển sinh hoạt đảng đi ra khỏi Đảng bộ: 686 đảng viên, tiếp nhận đến: 363 đảng viên); Tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho 31 đảng viên, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho 05 đảng viên, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho 01 đảng viên; Làm thẻ đảng: 307 đảng viên; Xóa tên: 07 đảng viên của 6 tổ chức đảng trực thuộc.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận được đổi mới và chú trọng, đã có chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện, xây dựng cơ quan, đoàn thể vững mạnh. Đặc biệt, Đảng ủy Bộ và cấp ủy trực thuộc nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể tăng cường công tác dân vận của Đảng. Các cấp ủy đảng đã chủ động phân công cấp ủy phụ trách công tác đoàn thể, phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đã chỉ đạo xây dựng và ban hành chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đảng bộ để mọi người cùng thực hiện.
Tóm lại, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, đan xen khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Bộ Công Thương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và hoàn thành cơ bản những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Qua kết quả thực hiện, Đảng ủy Bộ cũng ra các bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc đã đoàn kết, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị thông qua việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng sát với thực tế của tổ chức đảng hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đây là nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn phức tạp, khó lường nhưng hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Trên thế giới, sự xuất hiện bất ngờ và ảnh hưởng nặng nề, kéo dài của thiên tai, dịch bệnh có thể gây ra suy thoái, khủng hoảng kinh tế, xung đột, chia rẽ về chính trị, kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chính phủ Việt Nam đang tập trung cải cách theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua, từ thiên tai, dịch bệnh và sự chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Với tinh thần chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc sẽ quyết bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Đồng thời phát huy sự phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo chính quyền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, với các nội dung chủ yếu sẽ được thảo luận và quyết nghị trong Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 7 năm 2020 tới đây.
Tạp chí Công Thương

Nguồn:Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương

Link gốc