Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, đại diện Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đảng ủy Bộ, Văn phòng Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường, các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị: Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà Xuất bản Công Thương và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Văn phòng Bộ về tình hình đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của ngành Công Thương, ý kiến của các đơn vị và ý kiến phát biểu của các Đồng chí Thứ trưởng, Bộ trưởng đã chỉ đạo cụ thể các đơn vị thuộc Bộ những nhiệm vụ cần triển khai ngay từ ngày làm việc đầu Xuân Nhâm Dần.
Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao một số hoạt động của ngành Công Thương phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cụ thể: việc cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân, nguồn cung dồi dào, các địa phương triển khai tốt công tác cân đối cung cầu hàng hoá; việc cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân được đảm bảo; mặt hàng xăng dầu được bảo đảm theo Chỉ thị của Bộ và chỉ đạo của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan; tình trạng ùn ứ hàng hoá tại khu vực biên giới phía Bắc được cơ bản giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương giải toả hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc; an toàn công nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp được đảm bảo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2021, ngành Công Thương đã “Đoàn kết, vượt khó, gắn bó, thành công”. Năm 2022, Bộ trưởng khẳng định, đánh dấu giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội cùng với khó khăn, ngành Công Thương quyết tâm “Đoàn kết, kỷ cương, muôn phương thắng lợi”.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đó, Bộ trưởng yêu cầu, tất cả các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc quán triệt, thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, các thủ trưởng đơn vị chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị kịch bản, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch Covid-19 đã đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các chỉ thị, công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải bắt tay ngay vào công việc để tạo khí thế phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2022 của ngành Công Thương.
Hai là, các đơn vị khẩn trương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đối với các nhiệm vụ được giao của Chương trình, đăc biệt là nhiệm vụ phải thực hiện trong Quý I năm 2022.
Ba là, các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tập trung rà soát pháp luật, tăng cường đối thoại, tham vấn tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, các rào cản trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, phát luật nhằm cải thiện môi trường môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; bố trí nguồn lực xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo hoàn thành chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật năm 2022.
Bốn là, các Vụ thị trường ngoài nước, Vụ Chính sách thương mại đa biên tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan liên quan tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, các thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Trước mắt là tập trung triển khai thực thi Hiệp định RCEP; Chuẩn bị tổ chức Hội nghị tham tán thương mại; Cuộc gặp mặt các Đại sứ, Tham tán thương mại các nước.
Năm là, các đơn vị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng và nguồn lao động; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm quốc gia để sớm đi vào vận hành, tạo động lực sản xuất mới.
Sáu là, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Bộ làm tốt công tác thông tin truyền thông của Bộ trên mọi lĩnh vực quản lý nhà nước trên tinh thần chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong hoạt động truyền thông.
Bảy là, lên tiến độ cụ thể và triển khai quyết liệt công tác chuẩn bị xây dựng Luật dầu khí sửa đổi, Luật điện lực, Công nghiệp, Hóa chất.
Tám là, các đơn vị xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổng kết mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của ngành Công Thương, đề xuất chủ trương, chính sách, tạo tiền đề chuẩn bị phục vụ Đại hội Đảng lần thứ 14 (công nghiệp, Công Thương địa phương, v.v…); tổng kết mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, dưới góc độ tham gia hội nhập, hiệu quả FTA, chất lượng thu hút FDI, nâng cao năng lực của nền kinh tế Việt Nam, tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu (Vụ Kế hoạch, Cục Công nghiệp, Vụ Đa biên chủ trì), Vụ Tài chính rà soát kế hoạch tài chính phục vụ các hoạt động trên.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để tập trung triển khai ngay sau Tết Nhâm Dần 2022 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 03/02/2022.
Theo đó, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch lên kế hoạch triển khai dự án đầu tư công 2022; Vụ Đa biên phối hợp các đơn vị tổ chức triển khai Hiệp định RCEP; phối hợp các đơn vị chuẩn bị các Hội nghị tham tán thương mại…; Các Vụ Thị trường ngoài nước phối hợp chuẩn bị Hội nghị tham tán thương mại, các kỳ họp ủy ban hỗn hợp, tiếp tục tập huấn, phổ biến về thị trường cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, kiện toàn về tổ chức bộ máy, cơ quan Bộ, đồng thời khẩn trương đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, hoàn thiện đề án luân chuyển cán bộ; Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các Bộ luật liên quan đến ngành Công Thương (cụ thể hoá), chiến lược Hoá chất (Cục Hóa chất), Quy hoạch khoáng sản (Vụ Kế hoạch).
Bộ trưởng yêu cầu Vụ thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất…, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.
Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng; vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất, và mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, quản lý hoạt động thương mại điện tử. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Bộ trưởng giao Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên phía bắc theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 54/QĐ-BCT ngày 17/01/2022; theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán, kịp thời khuyến cáo các địa phương trong công tác sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu phù hợp với khu vực thị trường, tận dụng tốt các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Với lĩnh vực của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ trưởng yêu cầu tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công Thương tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; tích cực phối hợp với Tập đoàn Viettel triển khai các nội dung theo thoả thuận hợp tác; triển khai dự án đầu tư công được phê duyệt (xây dựng cơ sở dữ liệu v.v.). Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường để đưa ra biện pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới, trình trong đầu tháng 02/2022.
Bộ trưởng giao Cục Xúc tiến thương mại rà soát Đề án, kế hoạch xúc tiến thương mại các ngành hàng, mặt hàng chủ lực, phát huy tối đa vai trò tham mưu các đơn vị thuộc Bộ; Triển khai ngay công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản, thuỷ sản, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh sang thị trường mới; xây dựng các chương trình chuyển đổi sản xuất cho doanh nghiệp, người dân trên tinh thần tiếp tục phát huy, kế thừa và tiếp nối các ngành hàng, thị trường truyền thống.
Đối với các đơn vị truyền thông, Bộ trưởng yêu cầu rà soát, xây dựng kế hoạch truyền thông của Bộ, triển khai hiệu quả để nhận được sự hợp tác, chia sẻ, ủng hộ của Bộ ngành liên quan và dư luận xã hội; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ để rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong không khí tươi vui, phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới, thay mặt Bán Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả các Lãnh đạo đơn vị cũng như cán bộ, người lao động ngành Công Thương; đồng thời quán triệt tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao, hướng đến mục tiêu trong năm 2022, toàn ngành Công Thương “Đoàn kết, kỷ cương, muôn phương thắng lợi”.
Tác giả: Hồng Hạnh, Nguyễn Hường
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương