menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành Công Thương triển khai KH hành động trước diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp

11:33 08/02/2020

Vinanet - Chiều 07/2, trước những nhận định cho rằng diễn biến dịch bệnh do chủng virus corona gây ra có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của toàn Ngành. Cuộc họp có sự tham dự đầy đủ của 5 Thứ trưởng và Thủ trưởng của các Tổng cục, Cục, Vụ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
“Chống dịch như chống giặc”
Đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, đồng thời giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Đây là quyết tâm kép của Chính phủ, Thủ tướng, cũng là hai nội dung được các thành viên Chính phủ thảo luận nhiều nhất tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 5/2, đòi hỏi Bộ Công Thương cần nỗ lực hơn nữa trong việc đối phó với dịch bệnh, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân cũng như duy trì các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Bộ trưởng đánh giá, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành vào cuộc kịp thời, liên tục chủ trì các cuộc họp khẩn về công tác ứng phó, phòng chống dịch corona để xác định sơ bộ tác động của dịch đến các lĩnh vực của ngành Công Thương và quán triệt các nhiệm vụ, biện pháp cần làm ngay, song song với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành cụ thể tới từng lĩnh vực… “Sau gần hai tuần vào cuộc quyết liệt, hôm nay, chúng ta ngồi ở đây để nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá những mặt được, chưa được những việc chưa làm được, đề ra giải pháp trong thời gian tới, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra - phòng chống tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, song song với duy trì mục tiêu phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Với tư cách là đơn vị phụ trách đầu mối, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Dương Duy Hưng nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, toàn ngành Công Thương đã vào cuộc từ rất sớm, chủ động và trên tinh thần công khai, minh bạch, bám sát vào các chỉ đạo từ Chính phủ cũng như phối hợp chặt chẽ cùng các bộ ngành. Ngay từ Mùng 6 Tết - ngày đầu đi làm, Chính phủ họp phiên thường trực chỉ đạo về dịch bệnh thì sáng hôm sau - Mùng 7 Tết (ngày 31/1), Bộ trưởng họp triển khai công việc với các đơn vị với 2 trọng tâm: Tham gia kiểm soát dịch; đánh giá tác động của dịch tới hoạt động sản xuất và thương mại để triển khai giải pháp ứng phó xử lý ngay.
Tối cùng ngày (31/1), Bộ trưởng ra Chỉ thị 04 chỉ đạo công việc các đơn vị thuộc Bộ. Tiếp đó, ngày 02/2 ra văn bản 635 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh về rà soát, phối hợp xử lý lao động ở các cơ sở công nghiệp, năng lượng, thương mại. Trong đó, với chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị đã triển khai một loạt công việc cụ thể và liên tục.
Một loạt các công việc đã được các đơn vị gấp rút triển khai nhằm khơi thông cho xuất khẩu nông sản hàng hóa. Trong đó, Bộ Y tế đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương về việc giải tỏa hàng hóa tại cửa khẩu. Bộ cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội logistics đề nghị giảm giá dịch vụ logistics và được Hiệp hội đồng tình giảm từ 15-20% cho hệ thống các siêu thị; Về vấn đề tìm thị trường/khách hàng thay thế, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã tích cực phối hợp cùng các Thương vụ vận động các doanh nghiệp tại địa bàn về Việt Nam thu mua nông, thủy sản, kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Đến nay, có 6 hệ thống siêu thị lớn đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình xuất khẩu khó khăn.
Thông tin về tình hình “ra quân” của toàn lực lượng quản lý thị trường (QLTT) hơn 1 tuần qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, trên nhiều địa bàn, đã tạm giữ và xử phạt hành chính với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, tại 63 tỉnh/ thành phố, các nhà thuốc phải ký cam kết với QLTT không được găm hàng, bán đúng giá niêm yết. Trường hợp găm hàng bị phát hiện sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất. Nếu bán khẩu trang mà không niêm yết giá cũng sẽ xử phạt.
Tại các địa phương, lực lượng 389 cũng chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng y tế, công an, biên phòng… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mới đây, đã xuất hiện tình trạng dụng cụ y tế kém chất lượng, khẩu trang dùng một lần tái sử dụng, bán lại. Nước xịt, rất dễ bị làm giả, nhiều nơi cho dung dịch kém chất lượng đưa lên mạng… “Đây là vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải xử lý hình sự” – Tổng Cục trưởng khẳng định.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, do dịch cúm H5N1 đã xuất hiện trở lại, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục xử lý tình trạng nhập lậu gia cầm, kiểm soát các chợ đầu mối, các tuyến biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên... ).
Là đơn vị phụ trách lĩnh vực phân phối, lưu thông hàng hóa trên thị trường, Vụ Thị trường trong nước thời gian qua cũng tích cực ban hành các văn bản gửi địa phương nâng cao tinh thần chủ động đối phó, cân đối cung cầu. Vụ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, Vụ cũng đã thành lập các Đoàn trực tiếp kiểm tra các siêu thị, cửa hàng lớn để giám sát nguồn cung. Vụ sẽ tiếp tục kết nối sản phẩm khẩu trang của Vinatex, các doanh nghiệp dệt may vào hệ thống phân phối lớn.
Nhận định thương mại điện tử (TMĐT) là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, từ rất sớm, Cục đã có Công văn gửi các website, sàn giao dịch TMĐT xử lý các doanh nghiệp đẩy giá sản phẩm lên cao. Các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee… đã xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm đẩy giá sản phẩm, bên cạnh đó, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý.
Cục Xúc tiến thương mại, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Pháp chế… đã có báo cáo cụ thể những nhiệm vụ đã triển khai trong việc tìm kiếm thị trường mới, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất…đồng thời dự báo tình hình thời gian tới, những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo từng bước giải quyết các khó khăn, thực hiện theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra trong cả năm của ngành Công Thương.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có những ý kiến cụ thể, sâu sát về các lĩnh vực do Thứ trưởng phụ trách. Các ý kiến đều khẳng định tinh thần khẩn trương, quyết liệt của toàn Ngành trong việc phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra. Theo đánh giá chung, công tác phòng chống bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên, không để dẫn đến tình trạng hoảng loạn nhưng càng không thể chủ quan, toàn Ngành vẫn phải nỗ lực rất nhiều cho những ngày tiếp theo để khống chế dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người dân, đồng thời tiếp tục sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần vào cuộc kịp thời, quyết liệt và hiệu quả của toàn bộ các đơn vị thuộc Bộ, bám sát đúng theo các chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Corona để tham gia sát sao và hiệu quả cuộc chiến chống dịch.
Tuy nhiên, để cân đối phòng dịch và mục tiêu tăng trưởng vĩ mô, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là đến các kịch bản tăng trưởng mà Bộ Công Thương đã xây dựng, từ đó đề xuất những giải pháp, chính sách cần thiết đối phó với những hệ lụy sẽ có, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dự báo cụ thể về thời gian và quy mô.
Theo Bộ trưởng, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch Corona, trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp là Trưởng Ban; các Thứ trưởng là thành viên Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, cung cấp và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như Lãnh đạo Bộ Công Thương trong công tác phòng chống dịch bệnh và các biện pháp để tiếp tục ổn định tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ban chỉ đạo cũng xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, tiếp nối Chỉ thị 04/CT-BCT, trong phòng chống dịch Corona một cách toàn diện và có trọng điểm, hướng tới phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, bao gồm cả các hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh đến ngành Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó:
Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hóa, đấu tranh chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi; có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo để sớm có báo cáo về vấn đề khẩu trang y tế, sản phẩm y tế 1 lần, thúc đẩy Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để có cơ sở ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở, đưa vào tái sử dụng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Đối với Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục là đầu mối làm việc với các doanh nghiệp nhằm tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan, đặc biệt đặt trong hệ quy chiếu là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác.
Đối với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết lượng nông sản đang tồn ứ do ách tắc trong thông quan với thị trường trung quốc, đồng thời đánh giá lại quy mô khối lượng đã và sẽ ách tắc thời gian tới, trên cơ sở đó đánh giá lại các địa bàn tiềm năng để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ. Cần tiếp tục làm việc với hệ thống thương vụ ở nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng và thị trường thay thế.
Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ, xem xét cơ chế tạo thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp phân phối hưởng ưu đãi trong tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài.
Đối với các Vụ, Cục có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn tại các dự án năng lượng và hoạt động của các doanh nghiệp này, đảm bảo duy trì nhịp độ sản xuất, triển khai của các dự án, đồng thời làm việc với Hiệp hội và chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thống nhất với ý kiến của Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ trưởng giao Cục phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng và vận hành chuyên trang của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương về phòng chống dịch viêm phổi cấp, thường xuyên cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh của ngành Công Thương, các kế hoạch triển khai, những hướng dẫn cụ thể… để doanh nghiệp và người dân có thể chủ động tìm hiểu thông tin một cách chính thống.
Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương về phòng, chống dịch bệnh nCoV có tính chiến lược, toàn diện, lồng ghép với các chương trình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo sự thiết thực, khả thi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển của ngành Công Thương và kinh tế đất nước trong năm 2020.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhận định, đây là một cuộc chiến khó khăn, lâu dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn Ngành. Vì vậy, không phải là một Chỉ thị của Bộ được ban hành, Bộ Công Thương, ngành Công Thương sẽ có một Chương trình hành động để quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo kép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo an toàn đời sống người dân nhưng cũng cần quyết tâm duy trì các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục triển khai rốt ráo các nhiệm vụ, đồng thời phối hợp các Bộ, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Theo An Châu, Hồng Hạnh

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc