Thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Do tâm lý lo ngại và có những thời điểm hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và các nước nên thị trường hàng hóa đã có những giai đoạn bất ổn cục bộ. Do nhận định sớm tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường nên đã xử lý nhanh các biến động của thị trường.
Ngày 07/3/2020, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có chuyển biến ngày càng phức tạp, người dân có tâm lý đổ xô đi mua hàng tích trữ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã kịp thời triển khai một số hoạt động như: Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội; Chỉ đạo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường; Phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường.
Ngay chiều ngày 7/3/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội và Sở Công Thương thành phố Hà Nội để chỉ đạo trực tiếp việc tăng cường các biện pháp cung ứng hàng hóa cho thị trường, kiểm tra kiểm soát thị trường và tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ cung cấp nguồn hàng cho thành phố Hà Nội, thông tin tuyên truyền để người dân không hoang mang và mua gom hàng hóa tích trữ gây bất ổn thị trường.
Đến tối ngày 7/3/2020, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh. Đến ngày 8/3/2020, thị trường hàng hóa gần như đã trở lại trạng thái bình thường, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, các chợ khá dồi dào, giá ổn định, sức mua như những ngày bình thường.
- Đánh giá nguồn cung hàng hóa trên thị trường
Trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp (với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản) và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ (như đường, sữa, dầu ăn…) nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
+ Tại các siêu thị: Qua cập nhật báo cáo, hiện các doanh nghiệp phân phối cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này. Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường; doanh nghiệp phân phối khác như Hệ thống siêu thị Lotte mart, các hệ thống siêu thị MM Megamarket, các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
+ Tại các chợ truyền thống: Hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
- Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ ngành và Hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 như sau:
+ Mặt hàng lương thực: Ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (du thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.
+ Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm: Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
+ Mặt hàng rau quả: Diện tích rau sản xuất 960 nghìn ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
+ Mặt hàng đường: sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường (công suất của các nhà máy có thể đạt 1,5 triệu tấn, tuy nhiên do lo ngại đường nhập khẩu năm nay sẽ tăng sau khi Hiệp định ATIGA được áp dụng nên các nhà máy phải cắt giảm sản xuất), tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300 nghìn tấn cùng với lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, nguồn cung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
+ Mặt hàng Giấy: Dự kiến năm 2020, tổng lượng sản xuất giấy các loại đạt khoảng 5,093 triệu tấn; tổng lượng nhập khẩu giấy các loại đạt khoảng 3,613 triệu tấn; tổng lượng xuất khẩu giấy các loại đạt 1,097 triệu tấn. Như vậy nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng giấy các loại đạt khoảng 6,070 triệu tấn.
+ Thuốc chữa bệnh: Ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD, trị giá thuốc nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD (trong đó: trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu ước đạt 3.500 triệu USD, trị giá nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc ước đạt 850 triệu USD), trị giá thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD. Như vậy kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020 ước khoảng 6.235 triệu USD.
Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tình hình thị trường, nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại một số địa phương
- Thành phố Hà Nội
Tại một số doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố, doanh thu 2 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 2 là thời điểm sau Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng nhất là tại các điểm bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại. Lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị tăng hơn so với cùng kỳ, hàng hóa mua sắm chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu (thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, mỳ tôm, rau củ).
Hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo báo cáo của các doanh nghiệp lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30 %-40%, các doanh nghiệp đã có phương án triển khai ngay từ đêm ngày 6/3 và sáng sớm ngày 7/3/2020. Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…; hệ thống siêu thị coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30% , huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%; hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối...; Hàng hóa từ các nơi đã được chuyển về kho dự trữ và các điểm bán của các doanh nghiệp, hàng hóa trên các quầy kệ được bổ sung liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng TMĐT để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Trên các ứng dụng bán hàng online, theo báo cáo của Công ty An Việt, hiện nay lượng đặt hàng qua sàn thương mại thực phẩm online (ubofood.com) tăng đột biến, công ty cam kết tăng lượng hàng cung cấp đủ lượng hàng hóa đảm bảo nhu cầu của khách hàng.
Tại các chợ: Do giá cả thực phẩm sau Tết tại các siêu thị ổn định và thấp hơn tại các chợ, nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50 - 70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch (Chợ Đồng Xuân doanh thu giảm 60-80%, nhiều ki ốt đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay các hệ thống bán lẻ đều vắng khách hơn trước do khách hàng ngại đến nơi đông người, thương mại truyền thống (chợ truyền thống) chuyển sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến (bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng), doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20 -30%.
- Thành phố Hồ Chí Minh:
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân đã thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần, trên địa bàn cũng có xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch…; gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu ngày cuối tuần. Để hạn chế tình trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn với 03 kịch bản cụ thể giao cho Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai. Theo đó thành phố đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50-100% lượng hàng cung cho thị trường so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh.
- Thành phố Đà Nẵng:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương cùng với các nhà phân phối, các Trung tâm TM-ST, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Tình hình kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố: Lượng hàng hóa trái cây, rau củ quả, thịt gia súc gia cầm nhập về các chợ dồi dào, giá cả bình ổn, bình quân rau hành laghim: 188 tấn/ngày và trái cây: 367 tấn/ngày.
Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị đa phần lượng mua sắm có giảm so với ngày thường và thời điểm trước tết. Tuy nhiên, một số siêu thị, trung tâm thương mại đã kịp thời ứng dụng các giải pháp bán hàng online giao hàng tận nhà phù hợp với tình hình hiện nay và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngày 07/03/2020, Sau khi có công bố ca thứ 17 của Việt Nam nhiễm bệnh Covid-19, một bộ phận người dân thành phố Đà Nẵng lo lắng ào ạt đến các siêu thị, Trung tâm thương mại để mua sắm tích trữ hàng hóa, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm khô như mỳ tôm, đồ hộp... Trước tình hình trên Sở Công Thương thông báo và đề nghị người dân bình tĩnh, không nên hoang mang, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn trong việc phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay hệ thống các Trung tâm thương mại, Siêu thị như MM Mega Market, Co.op Mart, Big C, Lotte… và các Chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn luôn có nguồn dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Lãnh đạo các siêu thị đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20-40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc. Các siêu thị, chợ cũng đã tư vấn người dân không nên tập trung mua quá nhiều vào 1 loại chủng loại hàng hóa, tạo nên sụt giảm tức thời, ảnh hưởng tới tới người mua sắm bình thường khác.
- Tỉnh Bắc Ninh:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ nguyên liệu, hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh; Phối hợp các Sở, ban ngành làm việc trực tiếp với doanh nghiệp chủ lực về sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết đảm bảo nguồn hàng dự trữ, giữ giá ổn định không tăng nhằm phục vụ nhân dân trong thời gian tới; Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả mặt hàng có biện pháp điều hành hoăc tham mưu cho UBND tỉnh nhằm bình ổn thị trường; tăng cường ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng đầu cơ tích trữ, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng; xây dựng các kịch bản ứng phó về đảm bảo hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh lây nhiễm trên địa bàn.
Tình hình cung ứng hàng hóa: Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 xảy ra, Sở đã tập trung vào một số giải pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các nhà sản xuất, phân phối thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh để đưa ra phương án cung ứng từ sản xuất cho đến phân phối, bảo đảm giá hợp lý nhất cho người dân sử dụng, tiêu dùng như: Gạo tẻ 20.373 tấn /tháng; lạc 107 tấn/ tháng; thịt lợn 7.000 tấn/ tháng; thịt gia cầm 1.513 tấn/ tháng; trứng gia cầm khả năng cung ứng cho địa bàn và cung cấp cho các thị trường ngoài tỉnh là 420.000 quả; rau củ quả 17.517 tấn/ tháng… Ngoài ra năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn như mỳ tôm, cháo, phở sản lượng 155.000 thùng/ngày hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
- Tỉnh Thanh Hóa:
Để chủ động đối phó với dịch Covid-19, Sở Công Thương đã khẩn trương nghiêm túc triển khai đầy đủ các nhiệm vụ chỉ đạo của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh: tăng cường tuyên truyền, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đề nghị các doanh nghiệp tăng dự trữ hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm bảo đảm ổn định thị trường, bám sát tình hình giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.
Tình hình cung ứng hàng hóa: Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa, hiện nguồn cung hàng hóa được đảm bảo, công tác điều tiết, quản lý thị trường tốt nên thị trường giá cả cơ bản ổn định, chưa có nhiều biến động. Các doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện dự trữ hàng hóa về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong khoảng 01 tháng của người dân trên địa bàn tỉnh. Một số hệ thống phân phối chủ động tăng hàng hóa dự trữ hơn điều kiện thường như hệ thống siêu thị Big C đã dự trữ hàng hóa đủ cung cấp nhu cầu cho 41 ngày (nhu cầu cao) và 80 ngày nhu cầu bình thường...Ngoài ra, với sản lượng lúa đạt 1,4 triệu tấn/năm; vụ mùa ước đạt 0,8 triệu tấn trong dân cư đáp ứng nhu cầu cho người dân toàn tỉnh trong vòng 11 tháng; sản lượng thịt các loại cung ứng khoảng 20.000 tấn/tháng, với số lượng đàn gia súc, gia cầm hiện tại của tỉnh có khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân trong vòng 05 tháng (khoảng 400 tấn/tháng).
- Tỉnh Bắc Giang:
Tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh từ khi công bố dịch đến nay không có biến động, nguồn cung cấp đảm bảo nhu cầu người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Hiện nay, mỗi năm tỉnh Bắc Giang cung ứng ra thị trường 593.586 tấn lúa, 393.916 tấn rau các loại, 1.682.715 tấn thịt lợn, 10.272 tấn trâu bò, 70.149 tấn gà, 204.134 nghìn quả trứng.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ so với ngày thường, đặc biệt là mỳ tôm và gạo. Lượng dự trữ tại kho của các doanh nghiệp phân phối đạt gần 70.000 thùng mỳ và 350 tấn gạo. Lượng dự trữ của 02 siêu thị BigC và Co.op mark tại kho khoảng 9.000-11.000 thùng mỳ các loại, 8 tấn gạo, gần 50 tấn nhu yếu phẩm, 12-15 tấn thực phẩm đông lạnh, riêng hàng tươi sống lượng cung ứng đảm bảo tăng gấp 2-3 lần ngày thường.
- Tỉnh Nam Định:
Tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn ổn định, việc lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối mặt hàng lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị vật tư, nguyên liệu, ưu tiên nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước đẩy mạnh sản xuất đảm bảo lượng cung hàng hóa cho thị trường.
Hệ thống các siêu thị Big C Nam Định, Micom Plaza, Coopmart, Lanchi mart, Country mart, chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart, trung tâm sản phẩm nông nghiệp sạch Nam Định… đã chủ động tính toán nhu cầu thị trường cân đối nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thời điểm hiện nay, có kế hoạch điều chuyển hàng hóa trong hệ thống để xử lý những biến động đối với một số mặt hàng như gạo, mỳ tôm, rau, củ quả, dầu thực vật, thực phẩm tươi sống… Các đơn vị cũng đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc; đồng thời, cam kết không tăng giá các mặt hàng để góp phần bình ổn thị trường trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19.
Các tiểu thương tại 200 chợ truyền thống và các cửa hàng bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm trong toàn tỉnh vẫn hoạt động thường xuyên với nguồn hàng dồi dào, phong phú với giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân tại địa phương và các vùng lân cận.
Qua báo cáo của các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nam Định, lượng hàng hóa mà các cơ sở sẵn sàng cung ứng ra thị trường bao gồm: 1.000 tấn gạo các loại, 10.000 thùng mỳ tôm, 15 tấn bánh mỳ, lương khô các loại, 500 tấn dầu ăn, 70.000 tấn lợn thịt (100% các xã hết dịch tả lợn Châu Phi), 50 tấn thủy hải sản, 10.000 tấn rau củ quả các loại…
- Tỉnh Bình Dương:
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh (bệnh viêm đường hộ hấp cấp do dịch Covid-19 gây ra) gây ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của dịch Covid-19 gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, giao cho 12 doanh nghiệp (10 siêu thị) tham gia dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ứng phó khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do dịch Covid-19 gây ra bao gồm các mặt hàng: lương thực (gạo, nếp…); thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả…); mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người với tổng giá trị hàng hóa dự kiến là 4.167,5 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh).
Các doanh nghiệp tham gia chương trình phải xây dựng kế hoạch chủ động ký hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp, để kịp thời đảm bảo dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra; Đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng theo quy định. Trường hợp thị trường có biến động ảo do có hiện tượng làm giá, tạo khan hiếm giả, làm biến động thị trường, doanh nghiệp phải chấp hành việc cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công Thương.
- Tỉnh Đồng Nai:
Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 11736/KH-UBND ngày 14/10/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2019-2020 và phục vụ Tết Nguyên đán năm 2020, trong đó tập trung chú trọng đến nội dung bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đang cam kết tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Công ty TNHH TMDV Quốc tế BigC Đồng Nai, CN Công ty Cổ phần EspaceBusiness Huế tại Đồng Nai,Công ty TNHH TMDV Siêu thị Coopmart BiênHòa, CN Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Siêu thị Hoàng Đức... có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng đã đăng ký với Sở Công Thương, sẵn sàng cung ứng cho thị trường khi có biến động về tăng giá, khan hiếm hàng hóa, đồng thời xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đến nay nguồn cung các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, cụ thể:
+ Mặt hàng dầu ăn, nước chấm (nước mắm, nước tương), gia vị (bột nêm, bộtngọt) và đường: Tỉnh Đồng Nai có nhiều nhà máy sản xuất và có các trung tâm thương mại, siêu thị và các doanh nghiệp phân phối tham gia chương trình bình ổn giá và hàng hóa đáp ứng đủ cho người tiêu dùng. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân như:Trung tâm thương mại Big C Đồng Nai dự trữ 70 tỷ, BigC Tân Hiệp 55 tỷ, Lotte 83 tỷ, Vincom Biên Hòa đảm bảo phục vụ 90 ngày, MM Mega Market đảm bảo phục vụ trong 60 ngày, Coopmart Biên Hòa đảm bảo luôn cung cấp đủ hàng cho người tiêu dùng, Siêu thị Hoàng Đức 8 tỷ đồng.
+ Mặt hàng gạo: Tổng Công ty lương thực Miền Nam chi nhánh tại Đồng
Nai đã cam kết tham gia cung ứng mặt gạo cho thị trường Đồng Nai, ngoài ra tỉnh Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp cung ứng mặt gạo.
+ Mặt hàng gà, heo, trứng gà, vịt: Gà các loại: Hiện nay trên địa bàn tỉnh tổng đàn gà khoảng 26 triệu con và cung đang vượt cầu nên giá đang ở mức thấp (khoảng 20.000 - 25.000 đ/kg). Hiện mặt hàng này có Công ty Cổ phần CP Đồng Nai, Công ty Chăn nuôi Bình Minh cam kết sản xuất, dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn; Heo: Tổng đàn heo khoảng 2 triệu con nguồn cung cơ bản đã đảm bảo và giá heo có xu hướng giảm (giá heo hơi khoảng 70.000 - 75.000 đ/kg). Công ty Cổ phần CP Đồng Nai; Công ty Anh Hoàng Thy; Công ty Hương Vĩnh Cửu cam kếtchăn nuôi, giết mổ cung cấp đầy đủ cho thịt heo cho thị trường trong tỉnh; Trứng gà, vịt: hiện nay Đồng Nai cung ứng mỗi ngày cho thị trường khoảng 2 triệu trứng các loại, mặt hàng trứng gà có Công ty Cổ phần CP Đồng Nai cam kết bình ổn.
Vụ Thị trường trong nước
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ công Thương