menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiệt điện than ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước

08:36 01/10/2015

Một điểm lấy mẫu nước tại Quảng Ninh. Nước chảy tràn thải từ hồ thải xỉ

Vinanet - Các chuyên gia đặc biệt cảnh báo ảnh hưởng của việc khai thác nhiệt điện từ than đối với môi trường. Ngoài nguy cơ làm xáo trộn bầu không khí và khả năng ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước xung quanh khu vực khai thác than cũng đang trong diện cảnh báo đỏ. 
Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) đã chứng minh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cả nước mặt và nước ngầm xung quanh nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh. Quy trình sử dụng và khai thác than có ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp tới nguồn nước, bao gồm khai thác than và nhà máy nhiệt điện đốt than.

Kết quả nghiên cứu về tác động tới môi trường nước tại thành phố Hạ Long từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh của CEWAREC cho thấy, chất lượng nước tại khu vực tiếp nhận nước thải từ nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (sông Diễn Vọng) chịu ảnh hưởng nặng nề. Vào mùa mưa và mùa khô, chất lượng nước tại khu vực này đều bị ô nhiễm bởi các yếu tố nhiệt độ, chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, dầu mỡ và các kim loai nặng như Bo, Se, Cr(VI), Fe, Mn.

Đối với nước ngầm, CEWAREC cho biết đã tìm thấy chỉ tiêu về độ cứng trong nước giếng ở khu vực gầm nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh là vượt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do số lượng mẫu nước ngầm hạn chế nên chưa thể đánh giá sâu về tác động của nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh về chất lượng ngầm.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) dự tính trong tương lai sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy nhiệt điện được xây dựng. Trong đó, 2/3 số nhà máy này sẽ sử dụng nguồn than từ Quảng Ninh. Theo đó, Bà Khanh lo ngại về nguồn nước của Quảng Ninh và những hệ lũy của nó đến sức khỏe con người và môi trường.

Bà Khanh đưa một dẫn chứng khác tại Trung Quốc  - quốc gia phát triển mạnh nguồn năng lượng hóa thạch " Theo kết quả tính toán của các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, nguy cơ nguồn nước của các con suối xung quanh mỏ than Lộ Trí - Trung Quốc đã bị nhiễm axit nặng do nằm cạnh nhà máy nhiệt điện. Trong mùa mưa nguồn nước ở đây lại đối mặt với các nguy cơ khác như nước thải mỏ chứa nhiều bùn đất, làm bồi đắp lòng suối gây ảnh hưởng tới dòng chảy và làm ô nhiễm vịnh Bái Tử Long".

Ngoài ra, bà Khanh nhấn mạnh việc khai thác và sử dụng than không chỉ ảnh hưởng tới nguồn nước mà còn làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn đồng thời cũng chính là những nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe của con người tại Quảng Ninh.

Quay lại vấn đề nguồn nước tại Quảng Ninh, ông Đặng Ngọc Vinh – Phó Giám đốc CEWAREC cho biết, trung tâm cũng đã ghi nhận thêm ý kiến của người dân quanh khu vực xung quanh nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Theo phản ánh của người dân, chất lượng nước ở các con kênh mương đang bị ô nhiễm trầm trọng, nước thường màu đen, sánh, mùi hôi tanh và càng ngày cạn kiệt nước, nhiều con suối đã hoàn toàn không còn nước.

Với kết quả nghiên cứu trên, ông Vinh kiến nghị Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cần áp dụng các công nghệ tiến tiến để xử lý các chất gây ô nhiễm như TSS, BOD, COD, đặc biệt là xử lý kim loại nặng và dầu mỡ.

Ngoài ra, CEWAREC kiến nghị cơ quan quản lý nên cân nhắc việc lựa chọn địa điểm xây dựng các nhà máy nhiệt điện tiếp theo nằm trong quy hoạch của tỉnh. Nhà máy nhiệt điện nên đảm bảo cách xa khu dân cư, khu phát triển đô thị, khu du lịch sinh thái.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc khai thác than và nhiệt điện từ than đang diễn ra là sự đánh đổi với môi trường. Các nước trên thế giới đã dần phát triển nguồn năng lượng khác thay thế cho việc sử dụng năng lượng hóa thạch như than.

Do đó, giới chuyên gia nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu đưa ra nhằm để cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân có sự hiểu biết sâu hơn việc khai thác than phục vụ nhu cầu năng lượng tương lai. Từ đó tìm ra các giải pháp quy hoạch, cải tiến công nghệ, hướng phát triển nguồn năng lượng mới. Phía người dân cũng tự giác hơn trong việc bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe bản thân. 

Huyền Thương