Nỗi lo nguồn cung dần qua, Bộ Công Thương đã tính tới
"Đầu vào" trở lại ổn định
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 16/3/2020 Bộ Công Thương đã có Công văn số 1817/BCT-CN gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát thực trạng, dự báo nhu cầu và đề xuất các giải pháp bảo đảm nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước, gửi thông tin về Bộ Công Thương tổng hợp để báo cáo Thủ tướng.
Bộ Công Thương nhận định, trong quý I/2020, mặc dù đã gây ảnh hưởng nhất định đến các ngành công nghiệp trong nước, tuy nhiên các khó khăn, vướng mắc về nguyên phụ liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cơ bản chưa tác động quá nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất do hầu hết các doanh nghiệp vẫn có thể cân đối từ nguồn nguyên phụ liệu dự trữ cũng như các đơn hàng sẵn có từ cuối 2019 và đầu 2020.
Điều đáng mừng là, phần lớn các doanh nghiệp chế biến, chế tạo tại Trung Quốc hiện đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi những quốc gia này đi qua đỉnh dịch.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, đến nay đã có khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc hoạt động trở lại, trong khi đó các doanh nghiệp lớn gần như đã hoạt động bình thường.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng công bố có hơn 90% lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại quốc gia này đã trở lại làm việc.
Nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại từ tháng 3
Nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại từ tháng 3 (Ảnh: Nikkei Asia)
Do đó, nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi một phần. Đặc biệt, theo thông tin từ các Hiệp hội và doanh nghiệp, với ngành dệt may và da - giày, tỷ lệ phục hồi nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu là khá cao, từ 60 - 80%.
Các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải nhập khẩu qua đường biển hoặc đường hàng không, nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Mặc dù vậy, trong thời gian tới, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào từ Trung Quốc dự kiến chưa thể thuận lợi như trước đây do cả 2 quốc gia đều vẫn đang tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu biên giới, trong khi việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không sẽ làm tăng chi phí và khó bảo đảm số lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất như việc vận chuyển qua đường bộ.
"Đến nay, với việc khôi phục sản xuất từ phía Trung Quốc và một số quốc gia khác, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể không còn là vấn đề quá nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất trong quý II và các quý còn lại của năm 2020 như dự báo trước đây", đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá.
Khắc phục sụt giảm "đầu ra"
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, sự sụt giảm tăng trưởng của một số ngành như sản xuất ô tô, sản xuất kim loại, sản xuất đồ uống... trong 3 tháng đầu năm chủ yếu do nguyên nhân từ nhu cầu tiêu thụ suy giảm, cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới ngày càng phức tạp, đặc biệt tại Mỹ và Châu Âu - các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, dẫn đến việc ảnh hưởng của dịch bệnh với các ngành sản xuất trong nước không còn chỉ giới hạn ở vấn đề nguồn cung nguyên vật liệu, mà còn ở thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu”, Bộ Công Thương nhận định.
Bởi vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề sụt giảm thị trường tiêu thụ dẫn đến tác động tiêu cực đến các đơn hàng mới của một số ngành xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn từ quý II đến hết năm 2020.
Một số doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam gần đây đã tuyên bố tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy
Một số doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam gần đây đã tuyên bố tạm dừng hoạt động sản xuất khi nhu cầu mua sắm thị trường suy giảm đáng kể
Do đó, bên cạnh bảo đảm cân đối cung cầu và đẩy mạnh thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu các động thái chính sách mới nhất của Mỹ như gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền nước này thông qua, đồng thời thúc đẩy EVFTA đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất nhằm tìm hướng khai thác tối đa 2 thị trường lớn này.
Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới từ các quốc gia khác để thay thế một phần thị trường Mỹ và châu Âu, tiến tới đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
“Ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh”, Cục Công nghiệp nhận định.
Tổng thể, Bộ Công Thương đề xuất trong thời gian tới cần quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Một là, đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước.
Hai là, có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Ba là, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Sản xuất công nghiệp thiệt hại do Covid-19, ngành Công Thương rốt ráo tính giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp