menu search
Đóng menu
Đóng

Phỏng vấn Bộ trưởng về kết quả chuyến thăm Na Uy và Thụy Điển

16:32 01/06/2019

Vinanet - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp ở Na Uy và Thụy Điển, hai bên cũng đã ký kết nhiều biên bản Thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực khác nhau. Nhân dịp này, phóng viên có dịp phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về kết quả chuyến đi tại Na Uy và Thụy Điển.
Tiếp theo thành công của chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga từ 21 đến 23 tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm Na Uy và Thụy điển trong thời gian từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 5 năm 2019. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành chuyến thăm chính thức tại Vương quốc Na Uy từ 24 đến 26 tháng 5 năm 2019 một cách tốt đẹp, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc gặp mặt ngoại giao quan trọng với Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, chào xã giao Nhà vua Na Uy, gặp các lãnh đạo và tới thăm các công ty hang đầu của Na Uy như Kongsberg Maritime, DNV-GL, PHARMAQ…
Tại Thụy Điển, trong ngày 27 và 28 tháng 5, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những cuộc gặp quan trọng, góp phần định hướng và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong tương lai như tiếp xúc cấp cao với Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, chào xã giao Nhà vua Thụy Điển, gặp gỡ các nhà ngoại giao, chuyên gia Thụy Điển và lãnh đạo các công ty lớn của Thụy Điển như Công ty Astra Zeneca, Stockholm Exergi, Ericsson…
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp ở Na Uy và Thụy Điển, hai bên cũng đã ký kết nhiều biên bản Thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực khác nhau. Nhân dịp này, phóng viên có dịp phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về kết quả chuyến đi tại Na Uy và Thụy Điển.
Xin chào Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho bạn đọc biết nội dung và kết quả của chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua tại Na Uy và Thụy Điển.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg cũng như cuộc gặp mặt hai bên tại Diễn đàn doanh nghiệp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống, hữu nghị tốt đẹp lâu đời Việt Nam và Vương quốc Na Uy được Chính phủ và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp. Thủ tướng cũng đánh giá cao cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam dựa trên các ưu thế của hai bên như phát triển kinh tế biển và công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo…
Kể từ năm 2006, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam - Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại - đầu tư giữa hai nước. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm gần đây phát triển tương đối tốt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2018 đạt 403,337 triệu USD, tăng 13,67 % so với năm 2017, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy giữ ở mức ổn định 115 triệu USD, và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 288,286 triệu USD. Tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển mới trong nhiều lĩnh vực.
Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và sự cần thiết sớm ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA trong đó Nauy là nước điều phối đàm phán) và Việt Nam trong thời gian sắp tới. Tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng về đề nghị Na Uy ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, hợp tác kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp Na Uy tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực như vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin; đây là những lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Na Uy hoạt động lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.
Đồng thời, Tôi cho rằng những hợp tác nói trên cũng chính là điều kiện thuận lợi mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng điện tử... vào nước bạn, nhằm gia tăng trao đổi thương mại giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Vương quốc Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan Löfven khẳng định mối quan hệ bền chặt trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước sau này; trong đó sự phát triển về thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, tuy nhiên cần tiếp tục khai thác tiềm năng còn lớn trong quan hệ song phương. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương đạt trên 500 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển trên 400 triệu USD và nhập khẩu từ Thụy Điển khoảng 96,2 triệu USD.
Tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô tô. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Điển tại Stockholm do hai bên tổ chức lần này khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Thụy Điển được tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Victoria tới Việt Nam vừa qua.
Bộ Công Thương đánh giá cao sự hỗ trợ về kinh tế, thương mại của bạn trong thời gian qua và đề nghị Thụy Điển ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện Việt Nam-EU, đặc biệt là việc phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU (EVIPA). Đây là cơ hội thuận lợi nhằm mang lại lợi ích của tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển. Thêm vào đó, những diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEM, hợp tác ASEAN-EU tới đây mà hai Thủ tướng nhất trí sẽ cần đẩy mạnh hợp tác sẽ là tiền đề để Việt Nam và Thụy Điển phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này. Trong cuộc gặp tại Trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Thụy điển Andreas Norlen đã nêu rõ và khẳng định việc ký kết các Hiệp định quan trọng này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, trong đó có Thụy Điển, vì đó là lợi ích của tất cả các bên trên tinh thần đối tác cùng có lợi.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ
Nguồn: Moit.gov.vn