menu search
Đóng menu
Đóng

Sơ kết 06 tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT về hoạt động bán hàng đa cấp

14:05 20/09/2016

Ngày 19/9/2016, Bộ Công Thương tổ chức sơ kết 06 tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo một số Sở Công Thương đã tham dự và thảo luận tại Hội nghị.

Xử phạt 36 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng

Hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) là loại hình kinh doanh vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. BHĐC du nhập vào Việt Nam năm 1998, được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động BHĐC tại Việt Nam có nhiều biểu hiện biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại về tài sản và tinh thần cho nhiều người dân.

Chính vì thế, ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT (gọi tắt là Chỉ thị 02) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC. Qua đó, chỉ đạo, phân công trách nhiệm của các đơn vị liên quan tăng cường, siết chặt hơn nữa đối với loại hình kinh doanh này.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 02 trong 06 tháng vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Thông báo tại Hội nghị kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn cho biết, 06 tháng vừa qua, Cục đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC đối với 09 doanh nghiệp. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia BHĐC.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, sự ra đời của Chỉ thị 02 tạo bước ngoặt trong công tác quản lý hoạt động BHĐC tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp BHĐC tính đến tháng 9/2016 đã giảm từ 67 xuống còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng người tham gia BHĐC hiện có 500.000 người, giảm 57% so với gần 1,2 triệu người của cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty BHĐC đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).

Minh bạch thông tin là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh sự tham dự của các đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo nhiều Sở Công Thương, các cơ quan thông tấn, truyền thông. Bộ trưởng hy vọng, tại Hội nghị, các đại biểu sẽ thẳng thắn đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 02 cũng như chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý BHĐC tại địa phương, từ đó đề xuất những kiến nghị mang tính thực tế sửa đổi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC để trình Chính phủ thông qua vào cuối năm 2016.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vinh Nhung (trái)

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vinh Nhung, trong quản lý hoạt động BHĐC cần tăng cường hậu kiểm vì không thể tập trung nguồn lực cho tiền kiểm được. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận và đồng tình với quan điểm của đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, bởi vì, nếu nặng tính tiền kiểm sẽ không tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ đề ra.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ thẳng thắn tại Hội nghị, cần nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả của loại hình kinh doanh BHĐC, xét xem có nên duy trì hay không vì tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, số người là nạn nhân của BHĐC khá lớn, gây bức xúc trong dư luận. Theo ông Nguyễn Thanh, "người mua" của loại hình kinh doanh này là người  lao động, sinh viên, người cao tuổi..., họ vô tình trở thành những nạn nhân của BHĐC. Khi doanh nghiệp BHĐC "đổ vỡ", những nạn nhân này trở nên trắng tay. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP để hoàn thiện công cụ pháp lý, bởi loại hình BHĐC ngày càng phát triển mạnh mẽ và biến tướng khó lường.

Đánh giá cao những chia sẻ thẳng thắn của Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, BHĐC hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng như nước ta. Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh không nên tập trung tổng kết những con số mà cần có những đánh giá toàn diện về tình hình thực tiễn của BHĐC, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến địa phương, đến đời sống của người dân. Theo Bộ trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh cần tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp BHĐC trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng như khung khổ pháp lý quản lý BHĐC.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Liên quan đến yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện Vụ Pháp chế và các đơn vị hữu quan đang xem xét 24 mảng, vấn đề cần sửa đổi. Trong đó, minh bạch thông tin là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất, sau đó là các vấn đề liên quan đến địa bàn hoạt động (quy định nếu doanh nghiệp hoạt động ở đâu thì phải có báo cáo hoặc có văn phòng đại diện, chi nhánh ở đó), vấn đề phân cấp, phân quyền (tăng cường phân quyền quản lý cho địa phương), v.v... 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý thẳng thắn, xác đáng của các đơn vị, các Sở Công Thương. Bộ trưởng nhấn mạnh, đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, yêu cầu hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý hiệu quả loại hình kinh doanh hiện đại như BHĐC là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cùng Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP để ngày càng kiểm soát tốt hoạt động BHĐC, bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, phục vụ nhu cầu phát triển chính đáng của doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương