menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường hiệu quả phối hợp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường XK

14:16 26/12/2023

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dự và có bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự Phiên họp có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện đường lối đối ngoại và ngoại giao kinh tế linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục được triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả trên tất cả các kênh đối ngoại song phương, đa phương theo tinh thần Chỉ thị 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp khơi thông thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đạt được những kết quả đó là do đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, sâu sát quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan chức năng, cơ quan đối ngoại và ngành Ngoại giao.
Bộ trưởng khẳng định, cùng với các Bộ, ngành liên quan, ngành Công Thương - với chức năng, nhiệm vụ được giao, đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế, góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, nổi bật là đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác lớn, tiềm năng, giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay, đã tham mưu cho Chính phủ đàm phán, ký kết 5 FTA song phương và đa phương, nâng tổng số Hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết và thực thi đến nay là 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại (chuyển từ thâm hụt sang thặng dư). Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục gần 30 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ còn khó khăn, thách thức nhiều hơn trong những năm tới, tiếp tục tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Bên cạnh đó, các nước phát triển ngày càng dựng lên những “hàng rào kỹ thuật“ mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động và môi trường... đối với các sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, việc thâm nhập và mở rộng thị phần mang tính đột phá tại các thị trường ngoài nước thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.
Trước tình hình đó, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trụ cột xuất khẩu, chúng ta cần tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các FTA đã ký kết, đồng thời chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng và phù hợp với các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam; trong đó, việc thâm nhập thành công thị trường Halal có ý nghĩa rất quan trọng, bởi quy mô thị trường Halal toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới (dự kiến khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2028); cùng với đó, ngành công nghiệp Halal nói chung và thực phẩm Halal nói riêng cũng có quy mô lớn, tiềm năng tăng trưởng cao, trong khi nước ta được đánh giá là có thế mạnh trong lĩnh vực này.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu hàng hóa, trong đó có sản phẩm Halal, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai có hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ngoại giao kinh tế để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này đối với góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, tạo đồng thuận xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, từng bước hoàn thiện Khung khổ pháp lý về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm đồng bộ, khả thi và phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế; bên cạnh đó, cần có các cơ chế chính sách, giải pháp ràng buộc, kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước trong việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất, kỹ năng quản trị, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, trong bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, đặc biệt là những vấn đề nổi lên có thể tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế đất nước, từ đó tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các phản ứng chính sách phù hợp. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp liên ngành với sự phân công, xác định rõ ràng, cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong quá trình phối hợp triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, bảo đảm thông tin trao đổi được thông suốt, kịp thời để xử lý nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề mới phát sinh trong quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế.
Thứ ba, sớm xây dựng, ban hành Chiến lược mới về tham gia các thoả thuận thương mại tự do theo hướng chọn lọc đàm phán, ký kết các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Tiếp tục đẩy nhanh đàm phán các FTA mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ… tạo dư địa cho hàng hoá Việt Nam (trong đó có các sản phẩm Halal) xâm nhập vào các thị trường này; đồng thời, tăng cường hỗ trợ DN khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục vận động Liên minh châu Âu và các đối tác sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư nhằm thúc đẩy làn song đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy hơn nữa vai trò của các CQ Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả; đồng thời, tăng cường công tác phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ logistic và thương mại điện tử; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài để duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Đối với ngành Halal, việc ta đạt được thỏa thuận mang tính nguyên tắc để hướng tới sớm ký Hiệp định thương mại tự do với UAE nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa qua được coi là bước tiến quan trọng ban đầu, đặt nền tảng cho việc phát triển sang Trung Đông và các thị trường Halal khác trong khu vực. Tuy nhiên do các DN Việt Nam mới quan tâm và tiếp cận thị trường này, vì vậy cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường cũng như quy trình, thủ tục cấp chứng nhận Halal và các thông tin liên quan để phổ biến, hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch SXKD phù hợp và đăng ký thành công các chứng chỉ cần thiết; đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hoá và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương hiệu ngành Halal của Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu.
Ở cấp độ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal Việt Nam”, nhất là việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal; đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal…; đồng thời, tăng cường hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác ở một số nước có kinh nghiệm và vai trò quan trọng trong ngành Halal toàn cầu như Indonesia tại khu vực Đông Nam Á hoặc A-rập Xê-út tại khu vực Trung Đông, Châu Phi nhằm huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.
Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới tiêu chuẩn Halal không còn là rào cản với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam mà ngược lại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường mà đến nay còn chưa được khai thác đầy đủ.
Cũng nhận dịp này, từ góc độ quản lý vận hành Cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm cho chủ trương và cơ chế đặc thù đối với cán bộ làm nhiệm vụ ở các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, như: Được tham dự các lớp học từ xa (trực tuyến) để hoàn thiện các tiêu chí, điều kiện khi quy hoạch và bổ nhiệm; thời hạn phải đủ dài để xây dựng, củng cố, khai thác các mối quan hệ; chế độ phụ cấp cao hơn để chuyên tâm với công việc; cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc tốt hơn cho xứng tầm với vị thế nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc