Sáng kiến hạn chế tình trạng lây chéo thời dịch bệnh tại Đức
Trang
BNEWS.VN đưa tin, tại thị trấn Gross-Gerau của Đức, các nhân viên y tế đã triển khai các điểm lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho những người nghi ngờ nhiễm mà không yêu cầu họ phải ra khỏi ô tô của mình.
Đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lây chéo tại các cơ sở y tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành tại nhiều nước châu Âu.
Một cửa hàng thuốc bày hình nộm đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Từ tuần trước, các trường hợp nghi ngờ có thể gọi điện thoại và nghe bác sĩ tư vấn. Bác sĩ sẽ quyết định người đó có cần tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hay không.
Nếu người có nhu cầu xét nghiệm sẽ được hẹn lịch và được yêu cầu đỗ ô tô bên ngoài cổng bệnh viện. Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ y tế sẽ đến và lấy mẫu bệnh phẩm của người này.
Mẫu bệnh phẩm được gửi đến phòng xét nghiệm và kết quả được thông báo trong vòng 24 giờ qua điện thoại.
Trong những ngày gần đây, các điểm xét nghiệm tương tự đã xuất hiện tại nhiều bệnh viện ở Đức, cũng như các nước Hàn Quốc, Mỹ và Anh.
Tính đến sáng 11/3, Đức đã ghi nhận 1.565 ca mắc bệnh và 2 ca tử vong do COVID-19.
Nhật Bản nhập khẩu trang vải, trợ cấp cho nhà sản xuất cồn diệt khuẩn
Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định nhập khẩu 20 triệu khẩu trang vải có thể sử dụng nhiều lần từ Myanmar để cung cấp cho các trường mẫu giáo, nhà dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
Ngày 11/3, một ủy ban của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng có thể ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó hiệu quả hơn với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 29/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trước đó một ngày, nội các Nhật Bản đã nhất trí về dự luật cho phép Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp cần thiết do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này. Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh/thành ở Nhật Bản có thể chỉ thị người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng có thể yêu cầu các nhà sản xuất nhu yếu phẩm thiết yếu như dược phẩm và lương thực bán hàng hóa cho người dân. Chính quyền có thể tạm thời sung công đất đai và các cơ sở của tư nhân để xây dựng cơ sở y tế chữa trị cho các bệnh nhân.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cũng vừa quyết định trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất cồn diệt khuẩn nhằm tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao trong nước do dịch COVID-19.
Theo số liệu mới nhất, tổng số ca nhiễm tại Nhật Ban tới đã lên tới 1.278 trường hợp, trong đó có 696 ca trên du thuyền Diamond Princess và 14 người trở về từ Trung Quốc trong chuyến bay thuê bao của Chính phủ Nhật Bản. Đến nay, Nhật Bản đã có 19 người tử vong do dịch COVID-19, trong đó có 7 người từ du thuyền Diamond Princess.
( Chi tiết tại đây)
Dịch COVID-19: Italy đề nghị Trung Quốc hỗ trợ chống dịch
Theo
BNEWS.VN ngoại trưởng Italy Luigi Di Mayo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 10/3, trong cuộc điện đàm, ông Di Mayo cho biết Italy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng hàng hóa và trang thiết bị y tế và bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ giúp đỡ chống dịch.
Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi thăm quan Nhà thờ lớn Duomo tại Milan, Italy ngày 24/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Đáp lại, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc nỗ lực hết sức không chỉ để giữ an toàn cho người dân nước này mà còn đóng góp cho an ninh y tế toàn cầu. Theo đó, mặc dù Trung Quốc vẫn cần nhiều trang thiết bị y tế để sử dụng trong nước, nhưng sẽ hỗ trợ Italy các vật dụng y tế như khẩu trang, cũng như tăng xuất khẩu hàng hóa và thiết bị để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Italy.
Italy đã ghi nhận thêm 977 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 10/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 10.149 trường hợp. Trong ngày 10/3 Italy cũng ghi nhận 168 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 631 người. Tổng cộng 1.004 ca mắc COVID-19 đã bình phục.
Dịch COVID-19: Thái Lan "bơm" 12,7 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Nội các Thái Lan ngày 10/3 đã thông qua gói kích thích 400 tỷ baht (hơn 12,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nhằm giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19.
Người dân Thái Lan xếp hàng đăng ký tham gia một chương trình kích cầu du lịch nội địa tại thủ đô Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang-TTXVN
Phát biểu ngày 10/3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết gói kích thích kinh tế này là biện pháp trong giai đoạn một và có thể sẽ có hành động cho giai đoạn hai nếu tác động của dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.
Theo Bộ Tài chính Thái Lan, gói kích thích sẽ mang lại lợi ích cho 14,6 triệu người có thu nhập thấp (chiếm 22% dân số), khoảng 50.000 quỹ nông thôn trên toàn quốc và 3 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 99% tổng số doanh nghiệp cả nước). Biện pháp hỗ trợ này dự kiến sẽ tạo ra 14 triệu việc làm, tương đương 85% tổng số việc làm trên toàn quốc.
Cũng trong ngày 10/3, Nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp của Cục Ngân sách nhằm giảm nhẹ tác động kép từ dịch COVID-19 và hạn hán trên diện rộng đối với nền kinh tế vốn đã ảm đạm do xuất khẩu yếu và đầu tư ít.
Các biện pháp này yêu cầu tất cả các cơ quan của chính phủ giảm 10% chi tiêu ngân sách thông qua việc điều chỉnh hoạt động, đồng thời cân nhắc mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng như nhà thầu địa phương trong ngắn hạn.
Do tác động của dịch COVID-19, các nhà kinh tế đã hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn giảm dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này trong năm nay xuống chỉ còn 0,5% trên cơ sở nhận định rằng dịch COVID-19 sẽ làm cho ngành du lịch thất thu 410 tỷ baht.
( Chi tiết tại đây)