menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa miền Bắc và miền Trung ổn định trong những ngày giãn cách xã hội

15:18 26/08/2021

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung của Bộ Công Thương, trong ngày 25/8, tình hình thị trường, lưu thông hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.
 
Thị trường hàng hóa ổn định
Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, ngày 25/8/2021, thị trường Hà Nội tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại, Hà Nội có 27 chợ, 05 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa (giảm 03 chợ và 02 cửa hàng tiện ích so với ngày 24/8).
Tính đến 18h00 ngày 25/8, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho 2.192 xe ô tô và cấp mã số xác nhận cho 9.869 xe mô tô, xe 2 bánh cho 250 doanh nghiệp, đơn vị theo danh sách của Sở Công Thương.
Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội để mở 472 điểm bán hàng thiết yếu. 11 quận, huyện đã triển khai 57 điểm bán hàng lưu động (tăng 01 quận và 02 điểm so với ngày 24/8).
Cùng với đó, các quận huyện triển khai một số mô hình cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm như tổ chức các điểm bán hàng dã chiến, lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn và các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch. Sở Công Thương Hà Nội cũng đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn Thành phố.
Đến nay, đã tổ chức được 11 điểm siêu thị 0 đồng, sẽ tiếp tục mở 6 điểm (tổng số 17 điểm trên toàn Thành phố).
Tại TP. Đà Nẵng, ngày 25/8/2021, Tổ Công tác đặc biệt ghi nhận có hiện tượng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm bị giảm trong khi nhu cầu đặt hàng tăng cao. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối bị hạn chế do phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch; các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa…đang dừng hoạt động.
Trước tình hình trên, Sở Công Thương Đà Nẵng đã đề xuất UBND Thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa (100% số người làm việc), cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ được hoạt động; phối hợp đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn. Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện phân bổ 313,651 tấn nông sản của Tập đoàn SunGroup hỗ trợ người dân trên địa bàn và phân phổ 3,974 tấn cá khô từ nguồn hỗ trợ của Thành phố cho quận Hải Châu.
Tại tỉnh Nghệ An, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 36 chợ đóng cửa, trong đó TP. Vinh là 27 chợ. Để bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng và không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, TP. Vinh đã xây dựng phương án số 194/PA-UBND ngày 25/8/2021 về cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP.
Theo đó, huy động các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội, tổ nhóm dân cư trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thông qua các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn với số lượng có thể cung ứng: Rau, củ, quả các loại 55 tấn/ngày, thực phẩm tươi sống 17 tấn/ngày, hàng khô các loại 13 tấn/ngày, hàng vật tư y tế và các hàng thiết yếu khác khoảng 10 tấn/ngày. Nhìn chung, tình hình giá cả thị trường tại địa bàn các huyện, thị xã và TP. Vinh cơ bản ổn định.
Ngày 25/8/2021, về cơ bản tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.
Trong ngày 25/8/2021, tại các địa phương cơ bản tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường ổn định, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, phòng chống dịch đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh ổn định. Mặt hàng khẩu trang y tế, thuốc sát trùng, nước rửa tay tương đối dồi dào, không có biến động. Thị trường hàng hóa bình thường, chưa có tình trạng mua bán dự trữ lương thực, thực phẩm nên giá mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định.
Cũng trong ngày 25/8/2021, Tổ trưởng Tổ Công tác miền Bắc và miền Trung Trần Duy Đông tham dự họp trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì về vận chuyển hàng hóa nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông đã phản ánh về thực trạng hoạt động lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân cũng như nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công-nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan quản lý tại địa phương và đối với Sở Giao thông các tỉnh.
Các ý kiến góp ý của đại diện Bộ Công Thương đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao và đưa đầy đủ vào kết luận tại cuộc họp trực tuyến.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc