Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản
Xuất khẩu nông sản của châu Phi phát triển mạnh mẽ tại các nước đang nổi lên và có sự tăng trưởng nhanh từ năm 2003 đến 2018 với việc đa dạng hóa thị trường, tăng xuất khẩu sang các nước Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và những nước châu Á khác trong đó có Ả rập Xê út, Việt Nam, Các tiều vương quốc Ả rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Pakistan. Sự đa dạng hóa này dẫn đến việc giảm dần thị phần của Liên minh châu Âu (EU) từ 45% giai đoạn 2005-2007 xuống còn 36% thời kỳ 2016-2018.
Tuy nhiên, về giá trị, nhập khẩu hàng nông sản châu Phi của EU lại có xu hướng tăng liên tục mặc dù thị phần giảm và EU vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản chính của lục địa. Tương tự, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường tại châu Phi cũng liên tục tăng về giá trị nhưng thị phần tương ứng (5% và 20%) vẫn không thay đổi.
Nông sản thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu
Hột ca cao, quả dừa, thuốc lá, cà phê, cam, bông, hạt vừng, chè đen, bột ca cao và nho tươi là 10 nông sản được xuất khẩu nhiều nhất của châu Phi, chiếm 39% giá trị xuất khẩu nông sản của khu vực này giai đoạn 2016-2018. So với thời kỳ 2005-2007, đã có những tiến triển rõ nét. Từng xếp thứ 15 từ năm 2005 đến 2007, hạt điều đã vươn lên vị trí thứ hai trong giai đoạn 2016-2018. Cũng giống như vậy, hạt vừng đã tăng từ vị trí thứ 13 lên thứ 7. Vani, hoa và Sucroza cũng nằm trong số những mặt hàng được thăng hạng. Ngược lại, cà phê (chưa rang xay, chưa khử cafein) đã mất đi vị trí quan trọng nhường chỗ cho thuốc lá, còn mặt hàng bông thì rơi xuống hàng thứ 6 thay vì thứ 2 trong giai đoạn 2005-2007. Hột ca cao và cam vẫn duy trì được vị trí số 1 và số 5 trong bảng xếp hạng các nông sản xuất khẩu của châu Phi.
Xuất khẩu các sản phẩm chế biến tăng giữa các nước châu Phi
Các luồng thương mại trong lục địa đang đáp ứng được những xu hướng mới của nhu cầu thực phẩm trong khu vực. Cùng với thời gian, xuất khẩu lúa mì và ngô đã tăng, đặc biệt là thực phẩm chế biến như xúp, canh và chế phẩm thức ăn làm từ nông sản.
Thương mại nông sản bên trong châu Phi chủ yếu do các nước thành viên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và Thị trường chung Đông và Nam Phi (Comesa), nhất là Nam Phi, Kenya và Ai Cập nắm giữ. Ngoài Côte d’Ivoire là nước xuất khẩu lớn và Nigeria là nước nhập khẩu lớn, các nước Tây và Trung Phi có vai trò nhỏ bé trong thương mại nông sản ở châu Phi.
Thương mại nông sản giữa các nước châu Phi bị đánh giá thấp
Sở dĩ trong thập kỷ qua (2009-2019), chỉ có khoảng 22% thương mại nông sản châu Phi nằm trong giao dịch giữa các quốc gia của lục địa này (một tỷ lệ tương đối thấp so với các châu lục khác) là vì hoạt động này đã bị đánh giá thấp. Nguyên nhân là do thương mại không chính thức xuyên biên giới ẩn chứa nhiều thực tế: Thương mại xuyên biên giới nằm trong tay những người buôn không chính thức đi qua các cửa khẩu chính thức với số lượng hàng nhỏ hoặc đi qua biên giới bằng các điểm không có trạm gác nhằm tránh kiểm tra và thương mại qua biên giới do những người buôn chính thức thực hiện cố tình giảm chi phí thuế nhập khẩu ở biên giới bằng cách khai thấp hơn giá trị hoặc kê khai sai hàng hóa hoặc buôn lậu bằng cách tránh các nhân viên hải quan. Tuy nhiên, các thực tế trên không làm giảm tầm quan trọng của hình thức thương mại này. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2011 của Viện nghiên cứu thống kê và phân tích kinh tế Benin (Insae) ước tính thương mại không chính thức giữa Benin và Nigeria cao gấp 5 lần xuất khẩu chính thức được ghi nhận. Thương mại không chính thức do vậy vừa mang lại một nguồn thu nhập quan trọng đồng thời, cũng đóng một vai trò lớn để bảo đảm an ninh lương thực. Ở Tây Phi, buôn bán ngầm chiếm 30% tổng thương mại các thực phẩm cơ bản (theo Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - Usaid năm 2015).
Báo cáo cũng nhấn mạnh "Về quan điểm chính trị, mục tiêu của các chính phủ ở châu Phi là hợp lý hóa thương mại không chính thức và không khuyến khích loại hình buôn bán này". Để làm điều đó, chính quyền các nước cần phải giảm chi phí thương mại chính thức bằng cách đưa ra những biện pháp nhằm giảm các rào cản thương mại, nâng cao hiệu quả thủ tục hải quan, tạo điều kiện cho trao đổi hàng hóa, vv. Một số biện pháp đã được thực hiện trong khuôn khổ hội nhập khu vực và xu hướng này sẽ ngày càng tăng với việc triển khai Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) vào đầu năm 2021.
Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri (Kiêm nhiệm Ma-li, Xê-nê-gan, Xa-ra-uy, Ni-giê, Găm-bi-a))
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương