Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương còn có đại diện Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Văn phòng Bộ; về phía Bộ Thông tin và Truyền thông còn có đại diện Cục Tin học hoá, Vụ Quản lý doanh nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo nhiệm vụ chính trị, bảo đảm bình ổn thị trường, là đầu vào quan trọng cho nhiều hoạt động sản xuất. Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội về lĩnh vực xăng dầu, điều đó cho thấy sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội và cử tri đối với lĩnh vực này rất lớn. Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ và Bộ Công Thương phải nghiên cứu để áp dụng công nghệ trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đây cũng là vấn đề Lãnh đạo Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp từ những tháng trước.
Vừa qua, việc kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, thương nhân phân phối xăng dầu được thông qua hệ thống báo cáo bằng giấy. Khi Bộ Công Thương cần tổng hợp số liệu, dữ liệu gì, các doanh nghiệp mới báo cáo. “Vì vậy, hình thức báo cáo này chưa kịp thời, nhanh chóng, chưa thật khách quan, chính xác”, Bộ trưởng đánh giá.
Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, muốn biết tình hình hoạt động chung, Bộ Công Thương cũng phải yêu cầu từ các địa phương (thông qua Sở Công Thương) thì mới có được dữ liệu. Đây là cách làm rất thủ công, không phù hợp với xu thế hiện nay.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hy vọng việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm quản lý sẽ kiểm soát được hoạt động mang tính chung nhất của các doanh nghiệp này. Theo Bộ trưởng, với các doanh nghiệp nhập khẩu, cần biết được là bao giờ nhập, nhập bao nhiêu; bao giờ xuất và xuất bao nhiêu, xuất cho doanh nghiệp nào. Nếu như quản lý bằng công nghệ, doanh nghiệp không cần phải báo cáo bằng văn bản giấy mà chỉ cần nhập dữ liệu phần mềm đó. Với thương nhân phân phối cũng thế, việc khai báo thông tin sẽ kiểm tra được thương nhân đó có hoạt động đúng như giấy phép đã được cấp phép hay không.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật trên ứng dụng phần mềm quản lý mặt hàng xăng dầu cần bảo đảm tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo của doanh nghiệp, việc bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tại buổi làm việc, Vụ Thị trường trong nước và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã trao đổi và thống nhất với Cục Tin học hoá – Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án xây dựng 01 website để quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Trên website sẽ có toàn bộ các dữ liệu theo các báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu.
Tại website này, các doanh nghiệp, Sở Công Thương sẽ truy cập theo phân quyền để báo cáo, cập nhật các dữ liệu theo quy định. Bộ Công Thương sẽ giao cho các đơn vị, cá nhân có liên quan truy cập để lấy thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Sau khi nghe đại diện các đơn vị hai Bộ báo cáo tiến độ triển khai, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất quan điểm cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Theo hai Bộ trưởng, đây sẽ là công cụ quan trọng thể hiện sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin trong công tác quản lý điều hành của Nhà nước với doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Hai Bộ trưởng giao các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ tiếp tục khảo sát tại một số doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn và giải pháp cụ thể, từ đó, đồng bộ dữ liệu và hoàn thiện hệ thống trong thời gian sớm nhất.
Hiện cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, khoảng 330 thương nhân phân phối xăng dầu và gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước (về nguồn hàng hóa, hệ thống phân phối, địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp...).
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương