Câu hỏi: Theo ông, giá trị THQG thường được các tổ chức quốc tế tính toán, thống kê như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thương hiệu quốc gia là một khái niệm rộng, được đánh giá dựa trên tổng hòa các yếu tố từ lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, du lịch, ngoại giao… Hiện nay, mỗi tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đều có cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng khung tiêu chí đánh giá Thương hiệu quốc gia, ví dụ:
+ Brand Finance – một hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại London, Vương quốc Anh hàng năm tiến hành định giá 70.000 thương hiệu trên thế giới, khi đánh giá Thương hiệu quốc gia (Nation Brand Index), họ chấm điểm theo 4 lĩnh vực chính: Thương hiệu của hàng hóa & dịch vụ quốc gia; Đầu tư (thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài); Du lịch; Nhân tài.
+ Công ty Future Brand - một đơn vị tư vấn thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới với bộ chỉ số Country Brand Index sử dụng hai hệ tham chiếu: Một là, mức độ định vị hình ảnh (bao gồm: Chất lượng cuộc sống, hệ thống giá trị và tiềm năng kinh tế); Hai là, mức độ trải nghiệm (bao gồm: Các giá trị về văn hóa truyền thống; du lịch và sản phẩm quốc gia).
Như vậy, điểm chung khi đánh giá về thương hiệu quốc gia của các tổ chức quốc tế là đều lấy yếu tố giá trị thương hiệu sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) làm căn cứ.
Câu hỏi: Hàng năm, Brand Finance đều công bố báo cáo định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam và Top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Ngày 21/09/2022 vừa qua, Brand Finance đã công bố báo cáo năm 2022, ông đánh giá kết quả này như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Từ báo cáo của Brand Finance năm 2022 và 3 năm gần đây, tôi cho rằng giá trị THQG Việt Nam và Top 50 doanh nghiệp có thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
- Về tốc độ tăng trưởng giá trị THQG, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (74%). Trong đó, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021.
- Về thứ hạng, bất chấp những hậu quả về đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
- Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam; có mức tăng trưởng về giá trị cũng cao là 36% (mức tăng trưởng của Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%). Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu sự góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines, v.v.
Điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển THQG ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Câu hỏi: Vậy theo ông nhận định, các yếu tố nào đã góp phần tạo nên các kết quả tích cực như ông vừa đánh giá trên?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để có được những kết quả tích cực trên, theo tôi có nhiều yếu tố:
Trước hết, là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo ra uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, để góp phần gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong trong 2 năm qua, với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng với những xung đột kinh tế, địa chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường vốn có của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam các doanh nghiệp Việt đã giúp các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong và quốc tế.
Thứ ba, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình THQG Việt Nam đã góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, ở thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của THQG Việt Nam trong thời gian qua, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các quốc gia có thương hiệu mạnh trên thế giới.
Câu hỏi: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò và các hoạt động của Chương trình THQG của Chính phủ đã đóng góp như thế nào vào sự gia tăng của giá trị THQG Việt Nam?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Về vai trò của Chương trình THQG Việt Nam:
Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chương trình THQG giúp địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa THQG với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm và dịch vụ mạnh sẽ góp phần gia tăng giá trị THQG và ngược lại.
Không chỉ đánh giá ở trong nước, Báo cáo năm 2021 của Brand Finance cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chương trình THQG Việt Nam. Cụ thể, việc ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 1320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra cơ chế, chính sách thiết thực, góp phần gia tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2030.
Về các hoạt động của Chương trình THQG Việt Nam:
Ngày 08 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện 03 hoạt động chính, gồm:
Một là, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Hai là, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình.
Ba là, quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Câu hỏi: Định hướng Chương trình THQG sẽ tiếp tục có những hoạt động gì để gia tăng giá trị THQG?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Căn cứ vào mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2020 phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, định hướng trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các hoạt động chính gồm:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch kỳ xét chọn lần thứ 8 các sản phẩm đạt THQG năm 2022, tổ chức Lễ công bố trong Quý 4 năm 2022.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Thứ tư, tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình THQG Việt nam và các sản phẩm đạt THQG, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước và đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Ngoài ra, sẽ phát động, kêu gọi sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam trong việc cùng chung tay phát triển Chương trình THQG Việt Nam đúng với ý nghĩa, tầm vóc là chương trình của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
Nguồn:Cổng TTĐT Bộ Công Thương