Xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ vào Liên minh châu Âu (EU) có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu EU áp dụng qui định mới về mức dư lượng tối đa cho phép đối với chất tricyclazole trong các mặt hàng nông sản. Tricyclazole là loại hóa chất diệt nấm đang được sử dụng để dệt trừ sâu bệnh tại các nước trồng lúa, trong đó có Ấn Độ.
Các nước EU đang thảo luận về kế hoạch hạ mức dư lượng tối đa được phép (MRL) đối với chất tricyclazole trong nông sản xuống mức dưới 0.01 phần triệu (hiện nay EU qui định là 1 phần triệu) và sẽ được áp dụng từ năm 2018.
Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết với mức 1 phần triệu như hiện nay thì không ảnh hưởng tới gạo xuất khẩu của Ấn Độ, bởi vì mức độ tricyclazole phát hiện trong các lô hàng gạo Basmati của Ấn Độ hiện nay còn thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu MRL giảm xuống mức 0,01 phần triệu thì phần lớn gạo Basmati của Ấn Độ xuất khẩu vào EU (đang đạt ở mức 3 tỷ USD) sẽ bị ảnh hưởng. Ấn Độ đang cố gắng thuyết phục EU rằng việc với mức độ sử dụng chất tricyclazole như hiện nay đã được khoa học chứng minh không gây nguy hiểm cho người tiêu dùng; các biện pháp phòng ngừa trước của EU đối chất này là không cần thiết. Ấn Độ đang đàm phán riêng với từng nước EU, đặc biệt là với Ý và Bồ Đào Nha (hai nước không ủng hộ sáng kiến nâng cao giới hạn an toàn đối với chất tricyclazole), để gây áp lực và đề nghị EU không thông qua kế hoạch này.
Ông Rajen Sundaresan, thành viên của “Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn” (AIREA) cho biết, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra bằng cách thực hiện các khâu chuẩn bị để kiểm tra trước các lô hàng của mình, song vẫn hy vọng EU sẽ thay đổi ý định trên. Nếu EU áp dụng quy định mới trên thì nó không chỉ đe dọa tới hàng xuất khẩu của Ấn Độ mà còn ảnh hưởng lớn tới những người trồng lúa ở chính các nước EU như ở Ý và Tây Ban Nha, vì các nước EU cũng đang sử dụng thuốc diệt nấm có chứa tricyclazole. Hiện nay, Bộ Thương mại Ấn Độ đã đưa ra vấn đề này vào nội dung thảo luận của Nhóm công tác chung Ấn Độ-EU về các rào cản kỹ thuật, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật trong trao đổi thương mại.
Năm 2011, Dow Agro Sciences - công ty sản xuất các sản phẩm thuốc diệt nấm có chứa chất tricyclazole, có trụ sở tại Mỹ đã đệ trình các bằng chứng khoa học và kỹ thuật lên Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, ủng hộ phương án có mức dư lượng tối đa đối với tricyclazole trong gạo là 3 phần triệu và đã được Chính phủ Mỹ đồng ý áp dụng. Tại Nhật Bản, MRL đối với chất tricylozole cũng được áp dụng ở mức 3 phần triệu.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương