lên sàn UPCOM đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trên thị trường.
Sau 5 năm mua lại dự án, tập đoàn Masan đã đầu tư gần 650 triệu USD và đưa Núi Pháo này trở thành mỏ Vonfram duy nhất thế giới trong vòng 15 năm qua được khai thác thành công và là mỏ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đang được khai thác.
Tuy nhiên do đặc thù của hoạt động khai thác, những thông tin về kim loại “gần như vàng” này không phổ biến với nhà đầu tư.
Vonfram thực tế không quá xa lạ với mọi người qua câu chuyện “dây tóc bóc đèn” của T.Edison. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những ứng dụng rất nhỏ của kim loại này. Hiện nay, vonfram được sử dụng trong một loạt các ứng dụng công nghiệp mà hầu như không thể thay thế bằng kim loại khác được.
Với độ cứng và kháng mòn cao, khoảng 60% lượng vonfram của thế giới được sử dụng để sản xuất kim loại cứng. Ứng dụng rất đa dạng, bao gồm sử dụng trong các công cụ cắt kim loại và đá; các công cụ như mũi khoan khai thác mỏ; các công cụ tinh tế như mũi khoan sử dụng trong nha khoa; công cụ tạo hình trong ngành thép; công nghiệp ô tô, vũ khí, điện tử, hóa học...
Mỏ Núi Pháo có 3 sản phẩm chính là vonfram, bismut và florit. Nói về tầm quan trọng của 3 sản phẩm này đối với đời sống, ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Masan Resources đã đúc kết lại là: "Không có vonfram thì không có iPhone, không có florit thì không có điều hòa nhiệt độ và không có bismut thì sẽ không có các dòng mỹ phẩm cao cấp".
Ứng dụng Vonfram trên thực tế rất đa dạng
Nhu cầu Vonfram tăng nhẹ trong năm 2015
Theo báo cáo của Argus Media, nhu cầu tiêu thụ Vonfram trên toàn thế giới trong năm 2014 đạt khoảng 80.000 tấn. Trong đó, Trung Quốc, EU, Mỹ và Nhật Bản, chiếm khoảng 85% tổng nhu cầu tiêu thụ.
Ngành công nghiệp oto là khác hàng lớn nhất trên thị trường vonfram (tiêu thụ 23% sản lượng), con số này của ngành thép là 18%. Dự báo tăng trưởng trong hai ngành này sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ vonfram tăng trong năm 2015.
Argus Media dự báo nhu cầu tiêu thụ Vonfram trên toàn thế giới sẽ tăng nhẹ khoảng 3,85%, tương đương khoảng 3.000 tấn trong năm 2015.
Mỏ khai thác quặng của dự án Núi Pháo
Nguồn cung sẽ không phụ thuộc vào Trung Quốc
Nguồn cung vonfram nhìn chung duy trì ổn định trong 4 năm gần đây, ở mức xấp xỉ 80.000 tấn/năm, trong đó Trung Quốc chiếm đến 80% sản lượng toàn cầu.
Trung Quốc cũng là quốc giá có trữ lượng vonfram ước tính hơn 4 triệu tấn (chiếm 60% toàn cầu) và có ảnh hưởng lớn nhất tới giá vonfram trên thị trường.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đặt ra hạn mức khai thác vonfram là 89.000 tấn/năm và hạn mức này được dự báo hầu như không thay đổi trong các năm tới. Thời gian gần đây, hầu như không có mỏ mới nào được mở khai thác, trong khi các mỏ ở Trung Quốc đa phần có tuổi đời khá cao, nhiều mỏ đã có tuổi đời khoảng 30 năm.
Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có khá nhiều dự án có nguồn cung vonfram lớn, tuy nhiên những khó khăn tài chính đang khiến rất ít dự án có thể đi vào hoạt động trong vòng 18 tháng tới.
Những yếu tố này đang gây ra lo ngại về nguồn cung vonfram cho thị trường trong những năm sắp tới.
Trung Quốc chiếm lĩnh nguồn cung Vonfram thế giới
Trong ngắn hạn, dự án Hermerdon ở Anh dự kiến đi vào hoạt động từ cuối quý 3/2015 và dự án Núi Pháo (đã đi vào hoạt động trong năm 2014) được kỳ vọng sẽ góp phần khiến cung cầu trên thị trường trở nên cân bằng hơn trong giai đoạn 2015/2016.
Giá Vonfram đang ở đáy chu kỳ
Kể từ năm 2010, Trung Quốc ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu đối với tài nguyên thiên nhiên, trong đó có vonfram và điều này đã đẩy giá APT (ammonium paratungstate - một sản phẩm tinh chế từ quặng Vonfram được dùng để làm giá cơ sở cho các chế phẩm từ vonfram, có giá cao hơn từ 15%- 20% so với Vonfram) lên mức đỉnh điểm là 450 USD/mtu vào năm 2011. Tuy nhiên, những phán quyết của WTO đưa ra khẳng định Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc xuất khẩu của tổ chức này.
Nước này sau đó đã buộc phải dỡ bỏ hạn ngạch, tăng cường xuất khẩu theo nguyên tắc WTO làm giá vonfram sụt giảm mạnh, đặc biệt từ quý 4/2014.
Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực từ nền kinh tế Nga, Hy Lạp… khiến nhu cầu tiêu thụ vonfram tăng trưởng thấp và dẫn đến giá kim loại ngày càng giảm. Hiện tại, giá APT đang ở mức trên 200 USD/mtu, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trong thời gian trước đây, thông thường mỗi chu kỳ biến động của vonfram diễn ra trong vòng 5 năm.
Giá APT đang ở vùng đáy chu kỳ giảm giá?
Việc giá Vonfram giảm mạnh khiến nhiều nhà sản xuất nhỏ với chi phí cao đã phải đóng cửa hoạt động. Tuy vậy, Núi Pháo được hưởng nhiều lợi thế như chi phí thuận lợi, mỏ lộ thiên, chi phí lao động thấp khiến chi phí sản xuất rất cạnh tranh.
Ước tính chi phí khai thác trung bình khoảng 125 USD/ mtu so với con số trung bình tại các mỏ của Trung Quốc là 250 USD/ mtu. Lợi thế này giúp Núi Pháo có được lợi nhuận (dù rất nhỏ) trong thời kỳ giá nguyên liệu này ở mức thấp nhất của chu kỳ
Theo dự báo của Argus Media, giá Vonfram nhiều khả năng sẽ tiếp tục hồi phục chậm trong năm 2015 bởi nhu cầu vẫn đang tăng chậm. Tuy nhiên giai đoạn 2016-2018 được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ vonfram trên toàn cầu sẽ gia tăng.
Đồng quan điểm, Edison Investment Research cũng dự báo giá vonfram sẽ dần phục hồi lên ngưỡng 325 USD/mtu vào năm 2016-2017 và sau đó sẽ có cơ hội lên ngưỡng 400 USD/mtu vào năm 2018.