menu search
Đóng menu
Đóng

Vinashin hiện nay hoạt động thế nào?

09:45 23/07/2015

SBIC đặt ra mục tiêu 5 năm 2016-2020 lãi 6.753 tỷ đồng. Giai đoạn này 8 đơn vị thành viên dự kiến lãi 538 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 dự kiến lỗ 18,8 tỷ đồng, năm 2017 bắt đầu có lãi và số lãi tăng dần đến năm 2020.
 Thông tin một cựu cán bộ cấp phòng của Vinashin (cũ) bị bắt giữ sau 5 năm lẩn trốn khiến dư luận nhớ về vụ việc chấn động của Vinashin từ năm 2010. Gần 5 năm trôi qua, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC - tên mới của Vinashin) hiện đang ra sao?

Đóng tàu cá để tồn tại

 "Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu năm đến nay với giá trị đạt được là không cao" - Đây là nhận xét của SBIC trong bản báo cáo mới nhất về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 gửi Bộ Giao thông vận tải.

 Nguyên nhân được SBIC chỉ ra là việc xúc tiến thương mại để ký kết các hợp đồng, tiến độ cung cấp vật tư chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng "ngoảnh mặt" với đề nghị vay vốn phục vụ thi công đóng mới sản phẩm của SBIC; Chưa kể các sản phẩm của công ty đang phải cạnh tranh với các đơn vị đóng tàu khác của Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp tư nhân.

Theo SBIC, tính chung trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, doanh thu và thu nhập khác của SBIC dự kiến đạt 61.813 tỷ đồng, bằng 83% so với kế hoạch. Trong đó đóng tàu ước đạt 20.483 tỷ đồng, sửa chữa tàu ước đạt 1.829 tỷ đồng…

Dù vậy, trong cả giai đoạn này, dự kiến số lỗ SBIC phải gánh vẫn là rất lớn, lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

Từ sau khủng hoảng, SBIC lại quay về ngành nghề kinh doanh cốt lõi vốn một thời đã làm nên tên tuổi Vinashin: đóng tàu. Nhưng SBIC hôm nay không còn được "gửi gắm" những hợp đồng đóng tàu "triệu đô", "tỷ đô" như thời hoàng kim của đơn vị này. Giờ đây, SBIC đang phải "nhặt" những hợp đồng đóng tàu nhỏ lẻ, chủ yếu của Công ty đóng tàu Damen-Hà Lan, Bộ Tư lệnh Hải quân, đặc biệt là đóng tàu cá cho ngư dân.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, SBIC cũng chỉ hoàn thành và bàn giao 27 tàu trên tổng kế hoạch cho cả năm 2015 là 124 tàu. SBIC cũng sửa chữa và bàn giao 165 lượt tàu. Số lượt sửa chữa tàu này được đánh giá là cao nhưng doanh thu lại rất nhỏ, chỉ được 97 tỷ đồng.

Doanh thu và thu nhập khác năm 2015 ước đạt 6.728 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2015 của SBIC (chưa kể thu nhập do tái cơ cấu).

Đối với 8 đơn vị giữ lại trong mô hình Tổng công ty, doanh thu và thu nhập khác ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Nhưng theo SBIC, nhiều khả năng số lỗ cao hơn so với kế hoạch.

Nếu so sánh với tình hình của năm 2014, SBIC cũng chưa có nhiều khởi sắc. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 của SBIC, Tổng công ty này tóm tắt: Năm 2014 vẫn là một năm tiếp tục khó khăn và thách thức đối với SBIC với số lỗ dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Bởi các đơn hàng xuất khẩu vẫn chưa tiếp cận được với các đơn vị đóng tàu của SBIC. Tiếp theo đó là việc các tổ chức tín dụng vẫn thắt chặt nguồn vốn, một số hợp đồng đã ký trước đây bị chủ tàu hủy bỏ, dãn tiến độ hợp đồng, trì hoãn thời gian bàn giao.

Tái cơ cấu bế tắc

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1224/QĐ-TTg ngày 26-7-2013 phê duyệt đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, SBIC được thành lập với mô hình công ty mẹ - tổng công ty, có 8 đơn vị thành viên là các nhà máy đóng tàu nòng cốt của Tập đoàn Vinashin cũ.

Với chủ trương này, tổng cộng có 234 doanh nghiệp trực thuộc Vinashin trước đây sẽ không nằm trong cơ cấu SBIC hiện nay. Trong số này, 69 doanh nghiệp được cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao hay sát nhập và165 doanh nghiệp còn lại sẽ được bán, giải thể hoặc phá sản.

Báo cáo của SBIC cho thấy: Tính đến ngày 19-6-2015, SBIC đã hoàn thành việc tái cơ cấu giảm đầu mối 76 đơn vị. Cụ thể giải thể 21 đơn vị, chuyển nhượng 25 đơn vị, sáp nhập 7, thu hồi giấy phép kinh doanh 5…

Trong 6 tháng đầu năm (tính đến 26-6), SBIC hoàn thành việc giảm đầu mối 12 đơn vị; nộp đơn phá sản 13 đơn vị, hiện đang chờ ý kiến của Tòa án gồm Công ty CP nuôi trồng và chế biến thực phẩm Nam Triệu, Công ty TNHH – MTV đóng tàu Đà Nẵng, Công ty CP công nghệ điện Nam Triệu, Công ty CP đầu tư và du lịch Quang Minh Vinashin, Công ty TNHH nội thất Seijin Vinashin…

SBIC cũng tiếp tục công việc thoái vốn khỏi Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm (bán 70% cổ phần cho đối tác Damen); Công ty CP cảng Chân Mây…

Dù vậy, SBIC thừa nhận: Tái cơ cấu không đạt tiến độ đề ra, do đa số các đơn vị đều trong tình trạng hoạt động thua lỗ nên việc thực hiện bán, chuyển nhượng khó khăn, khó có đối tác mặc dù đã thực hiện đăng thông báo rộng rãi thông tin.

"Dư nợ vay của SBIC tại nhiều đơn vị lớn, trong khi không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản tại đơn vị giá trị thu hồi ước tính thấp. Việc thực hiện chuyển nhượng hoặc lựa chọn hình thức tái cơ cấu khó khăn do khả năng thu hồi công nợ thấp" - theo báo cáo của SBIC.

Đối với 8 đơn vị được giữ lại SBIC, có 7 đơn vị đã được Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Đến nay, SBIC đã trình Bộ GTVT phê duyệt phương án xử lý tài chính đối với 4 đơn vị (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV CNTT Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và CNHH Sài Gòn) nhưng chưa được phê duyệt.

Theo SBIC, thực trạng các đơn vị âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có những đơn vị âm vốn chủ sở hữu với giá trị rất lớn khiến cho việc xử lý tài chính gặp nhiều khó khăn.

"Trường hợp nếu không được xử lý tài chính, việc cổ phần hóa sẽ không thực hiện được, trong khi đó, đơn vị vẫn khó khăn và ngày càng khó khăn, không trả được nợ" - SBIC bày tỏ lo ngại.

Rõ ràng, với thực trạng kinh doanh và tái cơ cấu ở trên, "con tàu Vinashin" mới với tên gọi SBIC cũng còn mất thời gian dài để "hồi sinh".

* Ngày 7-7, Cơ quan ANĐT – Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật của các nước và tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol bắt giữ bị can Giang Kim Đạt (sinh năm 1977), nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin theo lệnh truy nã quốc tế.

Trong thời gian làm việc ở Vinashin (tháng 5-2006  đến tháng 6-2008), Đạt đảm nhiệm chức vụ quyền trưởng phòng kinh doanh, chức năng tham mưu cho Tổng giám đốc kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Đạt đã câu kết với công ty nước ngoài để gửi giá (1-2 giá khi cho thuê tàu),  ăn chia hoa hồng (1% giá trị hợp đồng mua tàu) để chiếm đoạt khoảng 18,6 triệu USD.

Nguồn:Báo Hải Quan