menu search
Đóng menu
Đóng

4 điều Giám đốc truyền thông Google Việt Nam khuyên doanh nghiệp Việt

11:39 10/09/2015

Bà Amy Kunrojpanya

Vinanet -Theo bà Amy Kunrojpanya, Giám đốc Truyền thông Google phụ trách khu vực Việt Nam, Thái Lan và các thị trường mới nổi, có 4 điểm (4C) quan trọng nhất trong việc truyền thông trong kỷ nguyên số là Conversations (Giao tiếp), Character (Tính cách), Creative (Sáng tạo) và Content (Nội dung).

Tại hội thảo “PR-Marketing trong kỷ nguyên kỹ thuật số” được tổ chức sáng qua (9/9), đề cập đến chữ C đầu tiên (Conversations), bà Amy Kunrojpanya tin tưởng tính giao tiếp là một trong những điều quan trọng nhất trong truyền thông hiện đại. Với hơn 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và marketing và gần 10 năm làm việc tại Việt Nam, bà nhận thấy các thông điệp truyền thông của các doanh nghiệp thường khô cứng và không tự nhiên.

“Dường như sự tự nhiên trong những giao tiếp thường ngày bỗng biến mất khi doanh nghiệp giao tiếp với công chúng”, bà Amy đánh giá.

 

Vị giám đốc truyền thông Google khuyến nghị doanh nghiệp cần đối thoại với công chúng một cách thân thiện, gần gũi  giống như hai cá nhân nói chuyện với nhau, cho dù qua kênh marketing trực tiếp, hay mạng xã hội.

Với chữ C thứ hai (Character), bà Amy cho rằng doanh nghiệp cần có một bản sắc, tính cách khi giao tiếp với công chúng. Trong thế giới kỹ thuật số, để người tiêu dùng, khách hàng nhận diện được mình, bản thân doanh nghiệp cần phải có tiếng nói riêng, đặc điểm riêng. Đối với bà Amy, làm sao giao tiếp một cách thân thiện, suồng sã là một trong những bài học đầu tiên mà học hỏi được từ Google.

Bà Amy (thứ 2 từ trái sang) cùng một số khách mời tại hội thảo.
Chữ C thứ ba là Creative, hay sáng tạo, bà Amy nhấn mạnh đây là một điểm mà các chiến dịch truyền thông cần đáp ứng. “Tuy nhiên khi sáng tạo không hẳn mọi điều đều phải mới”, Amy lưu ý.

Bà cho rằng sự sáng tạo là việc vận dụng những nền tảng đã có sẵn một cách khác thông thường. Dẫn chứng tại Google, những sản phẩm của hãng này như Google Search (tìm kiếm), Google maps (chỉ đường), Gmail (thư điện tử)…đều phổ biến trên thế giới. Tuy vậy, trải nghiệm với mỗi sản phẩm đối với người dùng mỗi nước là khác nhau.

Sáng tạo thường xuất phát từ xuất phát từ nhiều nơi, trong những thời điểm không ngờ tới. Bà Amy dẫn chứng, để quảng cáo sản phẩm “Street view” (xem đường) tại đất nước nhỏ bé như Campuchia ra toàn thế giới, Google đã chọn đền Angkor Wat làm nơi giới thiệu. Google không chi ra quá nhiều ngân sách cho quảng cáo, mà thay vào đó vận dung báo chí làm kênh truyền thông miễn phí.

“Thời điểm Google mới thành lập, hãng không có phòng marketing”, bà Andy dẫn chứng. Theo bà, chất lượng hay sự sáng tạo là đóng vai trò vô cùng lớn cho sự thành công một sản phẩm và chiến lược truyền thông.

Đối với chữ C (Content) cuối cùng, bà Amy cho rằng nội dung là yếu tố quyết định trong truyền thông kỷ nguyên số. Hiệu quả truyền thông, theo vị đại diện từ Google, không phụ thuộc vào số lượng bao nhiêu chương trình, mà vào chất lượng của mỗi câu chuyện. “Một câu chuyện hay, sẽ có sức lan tỏa lớn”, bà nhận định.

Phân tích Google chỉ ra rằng hơn 50% nội dung trên các trang web là bằng tiếng Anh, trong khi đó khoảng 80% người sử dụng mạng Internet không là người bản ngữ, hay không đọc được ngôn ngữ này. Bà kêu gọi rằng doanh nghiệp cũng không quá cần thiết phải xây dựng nội dung bằng Anh, mà họ cần chăm chút nội dung trang web bằng tiếng Việt.

 

Bà Amy Kunrojpanya sinh ra và lớn lên trong một nông trại nhỏ tại Mundubbera, Queensland, Úc, bà Amy không nghĩ rằng một ngày mình sẽ làm truyền thông cho tập đoàn lớn như Google. Bà nằm trong danh sách đề cử tại Cannes PR Lion 2014 với chiến dịch truyền thông “'Build Your Own Adventure with Google” (Khám phá thế giới với Google), trong đó bao gồm bộ sưu tập ảnh kỹ thuật số lớn nhất cho đến nay về đền Angkor Wat trên ứng dụng Street View.

Là Giám đốc truyền thông Google phụ trách khu vực Việt Nam, Thái Lan và các thị trường mới nổi của Google, bà thành thạo tiếng Thái, nói được tiếng Việt cũng như một số ngôn ngữ khác như tiếng Khmer, Myanmar, Nhật Bản và Trung Quốc.

Bà Amy Kunrojpanya đến Việt Nam năm 2005, trước thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Tại thời điểm đó, bà nhìn nhận, thị trường truyền thông và báo chí tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh.


Đức Anh